Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng An Thanh (Tứ Kỳ) đã nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành quả trong xây dựng NTM.
Hệ thống đường thôn Thanh Kỳ đã được bê-tông hóa, đi lại dễ dàng
Không trông chờ, ỷ lạiÔng Phạm Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: “Không phải vì khó khăn mà chúng tôi trông chờ, ỷ lại. Xã xác định phải đi lên bằng nội lực”.
Ở An Thanh, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được đặc biệt quan tâm. Hằng tuần, trên hệ thống truyền thanh của xã đều phát các tin, bài về xây dựng NTM. Ngoài việc tiếp âm đài huyện, đài tỉnh, cán bộ Đài Truyền thanh xã còn sưu tầm các bài báo viết về cách làm hay, gương tiêu biểu trong đóng góp, hiến đất làm đường xây dựng NTM để tuyên truyền. Trong các cuộc họp của các tổ chức đoàn thể, UBND xã, sinh hoạt Đảng đều có nội dung xây dựng NTM. Hằng tháng, quý, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND họp để đánh giá những mặt được, chưa được, đề ra biện pháp khắc phục kịp thời. Trong mỗi công việc, tính minh bạch, công khai, dân chủ đều được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, các công trình xây dựng ở An Thanh đều được làm nhanh chóng, không có khúc mắc, khiếu kiện.
Trong xây dựng NTM, xã An Thanh xác định, đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập ổn định thì người dân mới có điều kiện đóng góp. Do nằm ở vùng đất trũng, chỉ cấy được 2 vụ lúa, không thuận tiện cho việc trồng màu và cây vụ đông nên trong nông nghiệp, xã đề ra giải pháp riêng. Xã đã quy hoạch 50 ha nuôi rươi, cáy ở vùng bãi thuộc cả 3 thôn, duy trì ổn định 60 ha nuôi thủy sản. Khuyến khích các hộ ven đường chính phát triển thương mại, dịch vụ, buôn bán nhỏ. Những năm qua, xã đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Hiện nay, xã có 100 lao động đang làm việc ở Ma-lai-xi-a, Đài Loan, mang lại thu nhập ổn định. Xã khuyến khích nhân dân giữ nghề chiếu cói truyền thống của địa phương để giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Hầu hết lao động trẻ của địa phương đều tìm việc trong các công ty, nhà máy trên địa bàn huyện... Với những giải pháp trên, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của xã An Thanh đạt 13 triệu đồng.
Xã An Thanh chủ động quy hoạch đất dôi dư để đấu giá. Xã cũng tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, kêu gọi sự ủng hộ của người dân địa phương đang sinh sống ở nơi khác đóng góp cho địa phương xây dựng NTM.
Thêm nhiều kết quảĐến nay, An Thanh đã đạt được 8 tiêu chí NTM gồm cả tiêu chí dễ và khó là: quy hoạch, giao thông, điện, bưu điện và cơ cấu lao động, văn hóa, hệ thống chính trị, an ninh trật tự.
Giao thông là tiêu chí khó nhất. Năm 1990, hệ thống đường làng, ngõ xóm của An Thanh chủ yếu vẫn là đường đất, việc đi lại, vận chuyển hoa màu của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000, phong trào làm đường giao thông ở An Thanh đã diễn ra mạnh mẽ. Các thôn, xóm đều huy động nhân dân đóng góp tiền và công lao động để làm. Mục đích làm đường lúc đó chỉ là để thuận tiện hơn cho việc đi lại nên mặt đường còn hẹp, nền yếu. Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương tập trung “sửa” lại đường theo đúng tiêu chuẩn. Do đã có cốt từ sẵn, nên các thôn chỉ mở rộng thêm đường và đổ bê-tông dày theo quy định. Ở xã An Thanh, đất rộng, ít nhà xây sát đường nên việc hiến đất làm đường giao thông khá dễ dàng, đất vào nhà ai, nhà đó đều tự nguyện hiến mà không hề đòi hỏi đền bù. Việc làm đường được giao về các thôn, xóm. Ngoài sự hỗ trợ xi-măng của UBND tỉnh, phần còn lại do nhân dân tự đóng góp. Với cách làm trên, trong 3 năm qua, xã An Thanh đã làm được 2,14 km đường thôn, xóm với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường trục xã và các thôn đã được bê-tông hóa, đường xóm đạt 96% theo quy định của NTM.
Trước đây, hệ thống điện của An Thanh do các tổ điện của xã quản lý. Do không có vốn đầu tư nên đường điện xuống cấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, điện yếu. Năm 2009, hệ thống điện của xã được giao về Điện lực Tứ Kỳ quản lý. Ngay sau khi tiếp nhận, Điện lực huyện đã đầu tư thêm 1 trạm biến áp 180 KVA ở thôn Thanh Kỳ và cải tạo, thay thế toàn bộ dây trần bằng dây bọc, thay mới công-tơ, đồng thời thay mới một số cột điện. Nhờ vậy, hệ thống điện của xã đã đạt yêu cầu, 100% số hộ dân được sử dụng điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt cao.
Điểm bưu điện văn hóa xã được xây dựng từ năm 2005, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi thông tin của người dân ở địa phương. Những năm qua, nhu cầu sử dụng in-tơ-nét của người dân địa phương cao, nhiều gia đình đã tự lắp đặt. Đến nay, toàn xã có 200 hộ lắp đặt in-tơ-nét.
Dẫu con đường xây dựng NTM ở An Thanh còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm phát huy nội lực, chắc chắn địa phương sẽ có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.
THANH HÀ