Với những lợi thế sẵn có, xã An Thanh (Tứ Kỳ) đang tích cực xây dựng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu theo đề án của tỉnh.
Sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi của Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới (Hà Nội) tham gia nhiều hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm
Từ chuyện con rươi, con cáy
Xã An Thanh được sông Thái Bình bồi đắp cho bãi sông rộng trên 137 ha. Với môi trường nước lợ đặc trưng, ngoài tôm cá, thiên nhiên còn ưu đãi ban tặng cho người dân nơi đây những đặc sản mà không phải nơi nào cũng có được là con rươi, con cáy. Khoảng 20 năm trước, người dân An Thanh chưa biết khai thác lợi thế này mà vẫn chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy. Bãi đất ngoài sông chỉ dùng để cấy lúa lấy lương thực hay trồng đay, cói để dệt chiếu. Để bảo vệ mùa màng, người dân sử dụng thuốc trừ sâu nên khi đó rươi, cáy rất ít.
Năm 2004, UBND xã An Thanh tổ chức đấu thầu khu vực ngoài bãi sông. Thời điểm đó, ít người muốn ra khu vực này bởi đường đi lối lại khó khăn, đầu tư vào nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế không cao, rủi ro nhiều. Sau này khi nhu cầu sử dụng chiếu cói ít đi, nghề dệt chiếu cói ở An Thanh cũng dần mai một nên nhiều diện tích bãi bồi bị bỏ hoang. Cũng từ đây đất không bị phun thuốc trừ sâu nên con rươi, con cáy sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều.
Một số người dân trong xã nhanh nhạy với thị trường đã khai thác con rươi, con cáy cho mục đích thương mại. Họ đầu tư bài bản hơn cho vùng đất bãi như làm lại các tuyến đường giao thông, đắp bờ vùng, bờ thửa các ô ruộng, tạo thuận lợi cho rươi, cáy sinh sôi. Những năm gần đây, Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới (An Thanh) đã phối hợp cùng bà con nông dân cấy lúa hữu cơ trên vùng đất bãi này. Trên vùng đất bãi An Thanh hiện có khoảng 100 hộ khai thác. Trung bình mỗi năm người dân thu được 75 tấn rươi, 120 tấn cáy, năng suất lúa hữu cơ đạt từ 1-1,5 tạ/sào. Tính trung bình mỗi ha đất bãi cho thu nhập 350 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Vùng đất bãi đã mang về thu nhập lớn, giúp nhiều người dân trong xã đổi đời.
Phát triển lên tầm cao mới
Mặc dù sản phẩm nông nghiệp của xã An Thanh phong phú, chất lượng cao nhưng đến nay mới có gạo hữu cơ xây dựng được hệ thống thông tin phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm còn lại đều chưa chứng minh được xuất xứ. Vì thế khi tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm của nơi đây dễ bị trà trộn, đánh tráo chất lượng. Để khẳng định chất lượng cũng như để nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến các sản phẩm của địa phương, ngay khi huyện Tứ Kỳ triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, An Thanh đã lựa chọn được 5 sản phẩm vừa là thế mạnh, vừa là đặc trưng của xã để đăng ký tham gia. Đó là con rươi, con cáy, mắm rươi, mắm cáy và gạo hữu cơ bãi rươi.
Để người dân hiểu thế nào là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, An Thanh đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ dân. Với người dân ở vùng bãi, địa phương khuyến khích tiếp tục quy hoạch khu ruộng bằng cách đắp bờ vùng, bờ thửa làm nơi trú ngụ cho cáy, cải tạo đất để có thêm nhiều rươi. Chính quyền xã cũng đang tích cực triển khai các bước để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm rươi, cáy. Thời gian tới, xã sẽ tích cực tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như thị trường nước ngoài, hướng đến xây dựng một website riêng để giới thiệu các sản phẩm của địa phương.
Về lâu dài, xã An Thanh không chỉ dừng lại ở những sản phẩm nông nghiệp thuần túy mà sẽ hướng đến xây dựng vùng du lịch nông nghiệp. Ở vùng đất này, từ tháng 3 tới tháng 9 là thời điểm khai thác cáy, sau đó chuyển sang khai thác rươi, ngoài ra còn kết hợp với trồng lúa. Thời gian khai thác đất tương đối lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch vào mọi thời điểm trong năm. Xã sẽ khuyến khích những hộ có diện tích đất rộng và điều kiện kinh tế để thực hiện mô hình này.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, năm 2019, An Thanh là xã duy nhất của huyện lựa chọn được 5 sản phẩm để xây dựng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu theo đề án của tỉnh. Huyện đang giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp xã đứng ra thực hiện các bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chuẩn bị bao bì... để sớm đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ra thị trường. Huyện cũng đang làm thủ tục mở rộng thêm 200 ha vùng khai thác rươi, cáy, cấy lúa hữu cơ vào phía trong đồng để bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài và ổn định cho thị trường.
Với những định hướng cụ thể, chắc chắn các sản phẩm này sẽ trở thành các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương, ghi dấu tên An Thanh trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh.
THANH HÀ