Cảnh giác người mắc bệnh tâm thần gây án

21/10/2018 20:58

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ việc đáng tiếc xảy ra đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.

Người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ phạm tội gấp 6-7 lần người thường. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương

Đau lòng

Thông tin từ Công an tỉnh cho thấy, thời gian gần đây tình trạng người mắc bệnh tâm thần, sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến ảo giác gây án giết người, cố ý gây thương tích diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trong tỉnh đã xảy ra 3 vụ án mạng mà hung thủ là người mắc các bệnh tâm thần. Các địa phương khác trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ đối tượng mắc bệnh tâm thần, "ngáo đá" giết hoặc gây thương tích cho nhiều người, kể cả bố mẹ, người thân trong gia đình.

Cuối tháng 4.2018, người dân phố Đức Minh (TP Hải Dương) không khỏi xót xa trước cái chết của cháu N.T.A.T. (9 tuổi). Cháu T. được xác định tử vong do bị thít cổ dẫn đến ngạt cơ học. Đau lòng hơn khi người tước đi mạng sống của T. lại chính là mẹ đẻ của cháu, chị N.T.N. (37 tuổi). Theo kết quả điều tra, chị N. mắc bệnh tâm thần phân liệt thể căng trương lực, mất khả năng nhận thức và hành vi. Chính chị N. đã chốt cửa nhà mình, rồi dùng tay kéo, siết sợi dây chuyền mà cháu T. đang đeo làm cháu nghẹt thở đến chết. Ngày 3.10 vừa qua, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với chị N. Vụ án khép lại nhưng cái chết của cháu T. sẽ mãi là nỗi ám ảnh, đau đớn đối với người thân của gia đình.

Cũng đau lòng như vụ án trên, chỉ vì bị hoang tưởng, luôn nghĩ vợ là yêu quái mà ông H.V.T. (76 tuổi) ở huyện Cẩm Giàng đã đánh vợ mình đến chết. Nguyễn Văn Quynh (47 tuổi, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị tâm thần nên đã ra tay sát hại dã man ông Nguyễn Văn Cự (51 tuổi, trú tại xã Nhân Huệ, Chí Linh) do hiểu nhầm.

Cần sự chung tay

Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 4.067 người mắc bệnh tâm thần đặc biệt nặng. Và phần lớn số người này đang được hỗ trợ điều trị ngoại trú tại cộng đồng. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, thỉnh thoảng vẫn có người tâm thần sống lang thang, ngoài tầm kiểm soát của gia đình. Trong khi đó người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án, phạm tội cao gấp 6-7 lần người bình thường và tập trung chủ yếu ở 3 dạng là: tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tưởng và tâm thần trầm cảm. Đáng ngại là bệnh nhân tâm thần sống cùng người thân tại gia đình hoặc ngoài xã hội có thể gây nguy hiểm cho tính mạng những người sống xung quanh bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự. 

Để phòng ngừa nguy cơ người mắc bệnh tâm thần vi phạm pháp luật, thời gian tới Công an tỉnh sẽ phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng mắc bệnh, có biểu hiện, tiền sử mắc bệnh tâm thần và số đối tượng sử dụng ma túy "đá" đang sinh sống tại địa phương. Trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có biện pháp quản lý; đồng thời động viên gia đình có người mắc bệnh tâm thần đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị bệnh. 

Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh sẽ tiến hành rà soát, lập danh sách quản lý đối tượng nghiện ma túy nặng, đối tượng thường xuyên sử dụng ma túy tổng hợp để củng cố hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quy định. Tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy để làm trong sạch địa bàn, cắt đứt nguồn cung cho các đối tượng sử dụng ma túy. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ trong thi hành công vụ nhằm xử lý các vụ việc liên quan đến đối tượng tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp. 

Để phòng ngừa các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật của bệnh nhân tâm thần, đối tượng "ngáo đá", theo Công an tỉnh, cùng với các biện pháp nghiệp vụ của ngành, các cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện cần coi trọng và làm tốt công tác quản lý, chữa trị đối tượng mắc bệnh. Thiếu tá Trần Hiệu, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) khuyến cáo: "Người dân cần tìm hiểu, trang bị kiến thức nhận biết ban đầu về các dấu hiệu biểu hiện của bệnh tâm thần, “ngáo đá” để chủ động phát hiện, có biện pháp quản lý, phòng ngừa và điều trị kịp thời. Chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội cần tích cực vận động người dân cùng vào cuộc để làm tốt các chương trình hỗ trợ, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần".

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Cảnh giác người mắc bệnh tâm thần gây án