An Lạc đổi thay

24/02/2017 08:01

Về xã An Lạc (Chí Linh) hiện nay dễ dàng nhận thấy diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).



Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường ở xã An Lạc đã được trải bê tông,
mở rộng giúp nhân dân đi lại thuận tiện


Bước đi vững chắc

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã An Lạc mới đạt 12 trong tổng số 19 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó như: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo và môi trường. Kinh tế của xã chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất. Đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng NTM nên còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên cũng như ngân sách xã chưa đáp ứng được nhu cầu, vốn đa phần do nhân dân đóng góp song người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh… Xác định rõ những khó khăn đó, Ban Quản lý xây dựng NTM xã An Lạc đã chỉ ra các biện pháp cụ thể để giải quyết, tháo gỡ. Bên cạnh nguồn ngân sách hỗ trợ, để có thêm nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Xác định “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, với phương châm lấy dân làm gốc, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của quá trình xây dựng NTM tới người dân. Thông qua các cuộc họp nội bộ, hội nghị quân dân chính, ý thức của người dân được nâng cao, họ hiểu rõ xây dựng NTM là quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, xã An Lạc còn chú trọng đến việc tuyên truyền trực quan như bố trí các pa nô, áp phích, biểu ngữ về NTM ở đường làng, ngõ xóm, nơi tập trung đông người… Những dòng khẩu hiệu ấy đã góp phần thôi thúc người dân đóng góp một phần việc, một phần sức lực của mình vào phong trào chung của toàn xã.

Theo ông Mạc Văn Lộc, Bí thư Chi bộ thôn Bờ Đa, những diện mạo mới, tích cực của thôn ngày hôm nay đều dựa vào sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Nhờ làm tốt khâu tuyên truyền nên người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang đồng ruộng. Những con đường liên xóm, đường nội đồng được mở rộng. Một số gia đình đã tự tháo dỡ tường bao, cổng để hiến đất thổ cư làm đường của xã. Nhân dân trong thôn đã cùng nhau đóng góp tiền để hỗ trợ cho những gia đình tháo dỡ công trình, hiến đất. Số tiền tuy không lớn nhưng nó thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.

Với quan điểm không chủ quan, nóng vội, về đích bằng mọi giá, xã An Lạc thực hiện các tiêu chí NTM một cách thận trọng, vững chắc, phù hợp với tiềm lực để tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở mức cao. Với những phần việc khó, xã chọn mô hình làm điểm để đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm sau đó mới nhân rộng. Xác định xây dựng NTM không chỉ là xây trường học, làm những con đường mà phải làm thay đổi cuộc sống của người dân, vươn lên khấm khá. Bởi thế, song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân cũng là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng NTM của xã. Xã khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấy các giống lúa có giá trị kinh tế cao như nếp cái hoa vàng, Bắc thơm số 7, phát triển chăn nuôi hộ gia đình, thành lập các trang trại… để nâng cao thu nhập.

Kết quả xứng đáng

Sau gần 6 năm triển khai và thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã An Lạc đã huy động hơn 91,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng, ngân sách thị xã hơn 26 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 11 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng và các nguồn vốn khác. Cả 3 trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia, 6 trong tổng số 7 làng đạt danh hiệu văn hóa. Năm 2016, thu nhập bình quân của xã đạt 33,66 triệu đồng/người/năm. Các tiêu chí còn lại đều đạt theo quy định. Tháng 11-2016, xã An Lạc đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Nhờ xây dựng NTM, xã An Lạc đã có nhiều chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Không ai khác, chính người dân nhận thấy rõ nhất hiệu quả của quá trình xây dựng NTM mang lại. Anh Dương Văn Phương ở thôn Trại Nẻ cho biết: “Trước đây, con đường qua nhà tôi lồi lõm ổ gà, lầy lội khi trời mưa, bụi mù khi trời nắng vậy mà giờ đây nó đã được mở rộng hơn, được bê tông hóa đi lại rất thuận tiện”.

Đồng chí Mạc Thành Cốc, Chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: “Với sự phấn đấu, nỗ lực của cán bộ và nhân dân, xã An Lạc đã cán đích xây dựng NTM vào cuối năm 2016. Không "ngủ quên" trên thành tích, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện những giải pháp cụ thể để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân”.

HUYỀN TRANG


- Năm 2012, xã An Lạc được nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến do UBND thị xã Chí Linh trao tặng

- Năm 2014, xã được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc
- Các năm 2010, 2012 và 2016 được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
- Các năm 2013, 2015 và 2016 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua.
- Với các thành tích nêu trên, năm 2016, xã An Lạc được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An Lạc đổi thay