Ăn gừng hay riềng tốt hơn?

25/12/2019 17:00

Gừng và riềng cùng họ song vị cay, tính nóng ở riềng ít hơn nên hầu hết mọi người ăn được, trừ phụ nữ mang thai.

Củ riềng (bên trái) và củ gừng (bên phải). Ảnh: Eastmeets kitchen

Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết gừng và riềng đều là gia vị và bài thuốc có ích cho sức khỏe, song mỗi loại đều có giá trị dinh dưỡng riêng. 

Củ riềng thường dùng phần củ, hạt, lá. Thân rễ của riềng có mùi hắc, thơm và vị cay, nóng, dùng làm gia vị nấu giả cầy, mắm cá hoặc nấu canh cua, canh cá. Riềng làm tăng hương vị cho các món ăn, cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid... 

Còn củ gừng làm gia vị chế thực phẩm như xào thịt bò, thịt trâu, thịt thú rừng, thịt vịt..., nấu các loại rau cải tính lạnh, nấu các loại thức ăn tanh lạnh như cá, cua, ốc, hến, ba ba..., tẩy bóng cá, pha nước chấm cho cay thơm, làm mứt, trà uống. Lá dùng kho, nấu canh cá đồng... Trong gừng còn chứa tinh dầu 2-3%, nhựa dầu 5%, dầu mỡ 3,7%, tinh bột, chất cay...

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, các quý ông muốn tăng khả năng giường chiếu cũng nên dùng, tăng lượng tinh binh. Củ riềng có tác dụng chống co thắt do hỗ trợ giảm đờm, giãn phế quản để giảm mức độ hen suyễn. Thảo dược này cũng có lợi trong việc làm giảm ho và đau họng, tiêu chảy, khó tiêu hay bệnh về đường tiêu hóa. 

Còn gừng giúp kháng viêm, tiêu đờm, giúp tiêu hóa tốt, trị đau bụng đi ngoài, thổ tả... Gừng có tác dụng như một chất pha loãng máu và giảm huyết áp tức thì. Bạn có thể thêm một ít mật ong vào nước gừng để làm tăng hương vị. Nước gừng còn có tác dụng ngăn ngừa các cơn đau như đau răng, đau nửa đầu, xoa dịu những cơn đau khớp, giảm sưng, viêm ở những người mắc bệnh tuyến giáp hay viêm khớp. 

"Tuy nhiên, củ riềng vị cay, vị nhiệt và tính nóng ít hơn gừng, còn gừng lại là gia vị phù hợp cho nhiều món ăn đa dạng hơn riềng", bác sĩ Hào nhấn mạnh. 

Ngoài ra, hầu hết mọi người đều ăn được riềng, trừ phụ nữ có thai. Bệnh nhân có thể ăn được riềng, kể cả bệnh nhân ung thư vì riềng có chống được lão hóa, tăng cường sức khỏe. 

Riêng gừng với tính nóng nhiệt cao nên những người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn nhiều. Lương y Sáng cho biết ăn nhiều gừng trong thời gian lâu có thể bị toét mắt, chảy nước mắt sống.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng đúng từng bộ phận của gừng như lá gừng, gừng tươi, vỏ gừng với liều lượng phù hợp cho từng loại bệnh để đạt hiệu quả phòng trị cao nhất.

Lương y Sáng gợi ý một số món ăn, bài thuốc từ củ gừng và riềng như sau:

Đối với riềng, bạn có thể dùng lá và củ riềng thái lát để kho cá hoặc tán bột, uống 6-10 g một lần, ngày 3 lần. Người bị đau bụng, lạnh dạ, nôn mửa, tiêu chảy dùng riềng ấm, gừng khô, củ gấu chia lượng bằng nhau, tán bột, uống 6 g một lần ngày 3 lần. 

Người bị chướng bụng, đau xóc hai bên sườn dùng riềng, thạch xương bồ, hương phụ lượng bằng nhau rồi tán bột mịn, uống 8 g một lần sắc với nước gừng và muối uống ba lần trên ngày. Hạt riềng tán bột, uống 6-10 g một lần, ngày ba lần chữa rét cơn do khí lạnh rừng, không tiêu, buồn nôn. 

Đối với gừng chữa nóng, cảm lạnh, cảm gió hoặc sốt, bạn dùng 7 lát gừng tươi, 7 củ hành củ và một bát nước sắc lên uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi. Đối với cảm ho nhiều đờm, khó thở có thể nấu sôi kỹ 7 lát gừng tươi, một thìa trà tầu, một quả chanh tươi vắt nước pha vào thuốc, một thìa rượu mạnh và một thìa mật ong, sắc thành thuốc uống

Người bị sốt rét, nóng lạnh, ho có đờm dùng gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái miếng, ngậm nuốt nước. Hay người ho lâu không dứt, họ có đờm thì dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm. Trẻ em ho lâu ngày không khỏi dùng 200 g gừng tươi nấu nước tắm là khỏi... Hoặc dùng một miếng gừng, nhai ngậm nuốt dần tránh gió độc khi ra ngoài sáng sớm.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ăn gừng hay riềng tốt hơn?