Theo quy định sửa đổi, hoạt động đầu tư FDI từ các nước láng giềng vào các công ty Ấn Độ nay sẽ phải được Chính phủ Ấn Độ phê chuẩn.
Tình nguyện viên phát thực phẩm miễn phí cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6.4.2020
Ấn Độ đã thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này, bằng việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế các nước láng giềng như Trung Quốc thừa cơ thâu tóm các doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Theo quy định sửa đổi, hoạt động đầu tư FDI từ các nước láng giềng vào các công ty Ấn Độ nay sẽ phải được Chính phủ Ấn Độ phê chuẩn. Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với tất cả các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ, như Trung Quốc. Việc chuyển quyền sở hữu các công ty Ấn Độ bắt nguồn từ hoạt động đầu tư FDI từ các nước láng giềng sẽ phải được New Delhi phê duyệt.
Những thay đổi này được Cục Xúc tiến công nghiệp và Thương mại nội bộ (DPIIT) thuộc Bộ Công thương Ấn Độ công bố, trong đó nhấn mạnh: “Chính phủ đã xem xét lại chính sách FDI để ngăn chặn các vụ thâu tóm cơ hội hoặc mua lại các công ty Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay".
Ông Atul Pandey, đối tác tại công ty luật Khaitan & Co, đánh giá: “Bước đi này dường như nhằm mang lại một biện pháp kiểm soát sự thâu tóm từ Trung Quốc, do Bắc Kinh đang đầu tư và mua lại các công ty trên khắp thế giới. Chính phủ Ấn Độ sẽ đánh giá đầu tư của Trung Quốc trên cơ sở từng trường hợp cụ thể".
Trước đó, tin tức cho hay cơ quan quản lý thị trường Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) đang theo dõi hoạt động giao dịch vốn ở nước này của các công ty và ngân hàng Trung Quốc. Những giao dịch như vậy đã bị "đặt vào tầm ngắm" trong bối cảnh giá cổ phiếu của các công ty đang sụt giảm do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19.
Trên thế giới, giao dịch của các công ty và tổ chức Trung Quốc thời gian qua cũng bị giám sát nghiêm ngặt vì các tài sản được mua lại ở mức định giá thấp. Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng đã áp đặt hạn chế đối với các công ty Trung Quốc muốn mua tài sản.
Theo TTXVN