Cảm thấy hoảng sợ trước tình hình dịch bệnh hiện tại, rất nhiều người trưởng thành tại Ấn Độ đã đổ xô đi đăng ký tiêm chủng, song chỉ có ít người nhận được lịch hẹn do tình trạng thiếu vaccine.
Bệnh viện điều trị COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ
Ngày 1.5, Ấn Độ bắt đầu mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với tất cả người trưởng thành trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang là tâm điểm của đại dịch trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều bang thông báo không có đủ lượng vaccine cần thiết để tiêm chủng, trong khi hệ thống bệnh viện vẫn oằn mình trước tình trạng số ca nhiễm tăng vọt.
Chưa đầy 2 tháng trước, giới chức y tế Ấn Độ nhận định nước này đang sắp khép lại được cuộc chiến với COVID-19 khi chính quyền New Delhi thậm chí còn gửi hàng triệu liều vaccine tới hỗ trợ nhiều nước khác. Nhưng giờ đây, quốc gia số dân số lớn thứ 2 thế giới phải chứng kiến kịch bản tồi tệ nhất với gần 400.000 ca nhiễm và 3.000 ca tử vong mỗi ngày.
Đặc biệt trong ngày 1.5, giới chức Ấn Độ thông báo nước này ghi nhận thêm tới 401.993 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, lần đầu tiên vượt mốc 400.000 ca/ngày.
Cho đến giờ, tại Ấn Độ, chỉ có đội ngũ tuyến đầu như các nhân viên y tế, người trên 45 tuổi và người có bệnh nền được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ngay cả một chương trình khiêm tốn như vậy cũng khó thực hiện bởi một số khu vực đang hết vaccine trong khi nhu cầu tiêm chủng tăng chóng mặt bởi diễn biến dịch tồi tệ thời gian gần đây.
Ước tính khoảng 150 triệu liều vaccine đã được tiêm, chỉ chiếm 11,5% so với dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ. Trong đó, chỉ có khoảng 25 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi. Việc xuất khẩu vaccine bị đóng băng để ưu tiên cho nhu cầu trong nước nhưng điều này vẫn là không đủ.
Ngày 1.5, chương trình tiêm chủng sẽ được mở rộng với tất cả người trưởng thành trên 18 tuổi, tương đương với khoảng 600 triệu người. Rất đông trong số đó, những người đang cảm thấy hoảng sợ trước tình hình dịch bệnh hiện tại, chen chúc đăng ký tiêm chủng nhưng rất ít người nhận được lịch hẹn.
Nhiều bang và khu vực ghi nhận tình trạng thiếu vaccine, trong đó có thủ đô New Delhi, Maharashtra và Punjab. Trong ngày 29.4, thủ phủ bang Maharashtra là TP Mumbai đã phải ngừng việc tiêm chủng trong 3 ngày vì cạn nguồn cung.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi New Delhi đưa ra quyết định yêu cầu giới chức các bang và các bệnh viện tư phải tự đặt hàng vaccine, dẫn tới sự chênh lệch về giá mua so với chính quyền trung ương. Điều này đã tạo ra tranh cãi giữa chính quyền trung ương với một số bang.
Các chuyên gia nhận định để kiểm soát được dịch bệnh thì Ấn Độ sẽ cần một lượng lớn vaccine, điều rất khó xảy ra ở thời điểm này. Vì vậy cần có một chính sách mang tính tập trung mục tiêu hơn, dồn vaccine cho các điểm nóng. Bang Gujarat là một trong số ít bang sẽ thực hiện điều này, với việc chỉ tiêm vaccine cho những người trưởng thành trên 18 tuổi ở 10 quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Viện Serum của Ấn Độ hiện đang sản xuất 60-70 triệu liều vaccine AstraZaneca mỗi tháng và đặt mục tiêu tăng công suất lên 100 triệu liều vào tháng 7.2021. Trong khi đó, tập đoàn dược phẩm Bharat Biotech sản xuất khoảng 10 triệu liều vaccine Covaxin mỗi tháng và đặt mục tiêu tăng lên 60-70 triệu liều.
Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang thương lượng để được cấp phép sản xuất những loại vaccine khác như Sputnik V của Nga và Johnson & Johnson của Mỹ. Tuy nhiên, sẽ phải mất hàng tháng trước khi kế hoạch này có thể triển khai.
Theo TTXVN