Năm nay, Trung thu ở đây như đến sớm hơn khi nông dân chưa phải bận rộn vì mùa màng và do An Bình được chọn làm điểm của huyện đón Trung thu.
Người dân xã An Bình (Nam Sách) làm tiến sĩ giấy để rước trong đêm Trung thu
Những ngày này, về xã An Bình (Nam Sách) ngập tràn không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết Trung thu. Năm nay, ở đây Trung thu như đến sớm hơn khi nông dân chưa phải bận rộn vì mùa màng và do An Bình được chọn làm điểm của huyện đón Tết Trung thu.
Đã trở thành một nét đẹp văn hoá ở An Bình, hiện nay, các thôn đều tấp nập làm tiến sĩ giấy để rước trong đêm hội Trung thu. Cả xã có 4 đội thì 7 ông tiến sĩ được làm với 7 đoàn rước, trong đó thôn An Đông - thôn đông dân nhất trong xã làm 4 ông tiến sĩ, còn lại thôn Đào Xá, Đa Đinh và An Đoài mỗi thôn làm một ông. 7 ông tiến sĩ rước trong ngày Tết Trung thu năm nay tượng trưng cho 7 vị tiến sĩ thành đạt là con em của quê hương An Bình hôm nay. Mỗi ông tiến sĩ một vẻ, cao chừng 2 mét, được tạo thế ngồi với lọng che và có người khiêng như thể khi "vinh quy bái tổ". Để làm được 1 ông tiến sĩ giấy đòi hỏi khá kỳ công và cần sự khéo léo, tinh tế với các công đoạn từ chọn tre, vót nan, uốn tạo khung, cắt vẽ và dán giấy. Đặc biệt đòi hỏi người vẽ mặt tượng phải thổi được nét thần thái vào đó để toát lên sắc thái oai nghiêm, trang trọng, song rất nhân hậu trên từng gương mặt, để mọi người nhìn vào thấy đó là biểu tượng của người tài đức song toàn. Người khéo tay lắm cũng phải mất hàng chục ngày công cùng với sự giúp sức của nhiều người mới có thể hoàn thành một ông tiến sĩ. Bận bịu là vậy, song từ các cụ già, các bác, các cô, các chú đến các anh chị đoàn viên, thanh niên đều vui vẻ, phấn khởi khi được chung tay làm tiến sĩ để rước trong ngày Tết Trung thu của các cháu thiếu nhi.
Ông tiến sĩ đã đi vào nếp nghĩ của người dân nơi đây như một biểu tượng tôn vinh người có đức, có tài. Ngày xưa, người đỗ đạt ra làm quan, có công với nước khi "vinh quy bái tổ" được trọng vọng đón rước. Ngày nay, phong tục rước tiến sĩ giấy trong ngày Tết Trung thu ở An Bình cũng có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở con cháu gắng sức học giỏi, thành đạt để góp công xây dựng quê hương giàu mạnh. Trong tiềm thức của mỗi trẻ thơ An Bình đều thấy ông tiến sĩ là một người học rộng tài cao, đỗ đạt được trọng dụng, từ đó tâm niệm cố gắng phấn đấu học hành.
Tối 9-9, đêm hội Trung thu đã sôi nổi diễn ra với các tiết mục rước tiến sĩ, rước đèn ông sao, đèn lồng, múa kỳ lân, văn nghệ, phá cỗ, trông trăng... Đêm hội thu hút hàng nghìn thiếu nhi cùng nhân dân trong và ngoài xã. Rước tiến sĩ là nét đẹp văn hoá riêng ở An Bình so với các vùng quê khác, song ở đây vẫn hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng chung của ngày Tết Trung thu. Đó là múa lân, rước đèn ông sao, đèn lồng và hình ảnh chú Cuội, chị Hằng qua tranh vẽ và các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm được chuẩn bị chu đáo. Cả 3 trường ở An Bình, cùng với niềm vui của những ngày đầu tựu trường, các em háo hức tập luyện các tiết mục văn nghệ để đón Tết Trung thu.
Để tổ chức tốt lễ hội Trung thu năm nay, xã An Bình đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ đến từng thành viên và huy động nguồn lực xã hội hoá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người, mọi nhà cùng tích cực chuẩn bị cho Tết Trung thu được tổ chức chu đáo, vui vẻ và an toàn. Ngoài nguồn kinh phí huyện hỗ trợ và trích ngân sách xã, An Bình đã huy động trên 70 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cho hoạt động đón Tết Trung thu.
Chính từ sự quan tâm ấy sẽ tạo động lực để các em phấn đấu chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
NGUYỄN NHƯ HUẾ