Hơn 2 năm nay, dù mưa nắng hay giông bão, tổ nấu cháo từ thiện chùa Diên Khánh vẫn đều đặn tới với bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ.
Bệnh nhân và người nhà của họ ở Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ vui mừng vì được phát cháo miễn phí
Thơm ngon đến tận... đáy nồi6 giờ sáng một ngày đầu tháng 10, tôi đến thăm chùa Diên Khánh. Trời lất phất mưa nhưng nhiều phật tử và tình nguyện viên (là hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên ở thị trấn Tứ Kỳ và một số xã trong huyện) vẫn có mặt đúng giờ để chuẩn bị nấu cháo từ thiện. Một phật tử khoảng 70 tuổi nhanh nhẹn xách túi rau củ vừa mua được ở chợ về và gọi mọi người cùng ra khu nhà bếp. Không ai bảo ai, họ bắt đầu tản ra làm việc. Người rửa nồi, người chuẩn bị nhóm bếp, người vo gạo, gọt khoai tây, cà rốt, người nhặt nấm, gừng, sả, chuẩn bị gia vị... Cả khu bếp chùa Diên Khánh bỗng trở nên nhộn nhịp, rộn rã tiếng nói cười. Bà Trịnh Thị Thuận (74 tuổi) ở khu La Tỉnh Nam - một trong những phật tử tham gia nấu cháo từ thiện tại chùa Diên Khánh từ những ngày đầu thông tin: “Chúng tôi đã chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có 8-10 người. Các nhóm luân phiên tổ chức nấu và phát cháo miễn phí cho bệnh nhân, mỗi nhóm 1 tuần. Hôm nay đến lượt nhóm tôi tổ chức nấu cháo. Việc đã phân công từ trước nên ai cũng biết mình sẽ phải làm gì”.
Sau hơn nửa tiếng, các nguyên liệu để nấu cháo đã cơ bản chuẩn bị xong. Gạo, rau xanh, nấm, củ quả, rau gia vị được rửa sạch để ở trên giá cao cho róc nước. Bà Thuận đi kiểm tra một lượt tất cả các nguyên liệu. Thấy một củ khoai tây vẫn chưa được khoét hết mắt, bà với con dao nạy cho bằng sạch rồi mang ra vòi nước rửa lại. “Bệnh nhân nghèo trong lúc ốm đau thường hay âu lo, suy nghĩ, sức khỏe yếu. Họ cần được ăn những đồ sạch sẽ, bảo đảm dinh dưỡng thì mới mau chóng phục hồi. Mọi nguyên liệu dùng để nấu cháo đều được sư thầy đặt mua ở siêu thị hoặc những địa chỉ có uy tín. Hôm nay thầy đi vắng chứ nếu ở chùa thì thế nào cũng xuống kiểm tra các thứ kỹ càng. Có lần 1 phật tử vô tình để rổ rau gia vị đã rửa sạch dưới nền gạch, thầy nhìn thấy liền nhắc nhở và tự tay rửa lại. Thầy dặn chúng tôi phải yêu thương bệnh nhân như chính người thân của mình và hãy thể hiện tình yêu thương ấy ngay từ những việc làm nhỏ nhất”, bà Thuận chia sẻ.
8 giờ, bếp củi chùa Diên Khánh rực lửa. Nấu xong, các phật tử tắt bếp và khiêng 3 nồi cháo vào trong nhà để ủ. Một tình nguyện viên cho biết chùa Diên Khánh chỉ nấu cháo chay chứ không nấu cháo xương hay cháo thịt phát cho bệnh nhân. Thường là cháo nấm. Để thay đổi khẩu vị cho bệnh nhân, thi thoảng sư thầy lại cho nấu cháo hạt sen, đỗ xanh nhưng mọi người thích ăn cháo nấm hơn. Tình nguyện viên này tiết lộ: “Cháo chay nhưng mà rất thơm ngon, bổ dưỡng anh nhé. Sư thầy trụ trì nhà chùa mời hẳn một sư cụ về truyền dạy cho chúng tôi công thức nấu cháo đấy, không phải tự nghĩ ra đâu ạ”.
13 giờ, khu nhà bếp chùa Diên Khánh nhộn nhịp trở lại. 3 nồi cháo được khiêng lên bếp hâm nóng. Lúc này cháo đã nhừ. Các phật tử xào nấm với gia vị, cho rau thơm, gừng, sả... vào các nồi và khuấy đều. Nồi cháo nóng hổi toát lên hương vị thơm nồng khó cưỡng.
Chúng tôi đã chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có 8-10 người. Các nhóm luân phiên tổ chức nấu và phát cháo miễn phí cho bệnh nhân, mỗi nhóm 1 tuần.
|
|
Cháo đã chín. Một người làm nhiệm vụ đứng bếp múc bát cháo nhỏ mời tôi ăn thử. Cháo chay quả thực rất thơm ngon. Tôi cảm nhận được trong đó hương thơm của gạo nếp, vị mát ngọt của nấm và rau củ, ấm nồng của gừng, sả... Đây là lần đầu tiên tôi được ăn bát cháo dung dị mà thơm ngon đến vậy.
15 giờ, tôi cùng mọi người trong nhóm nấu cháo từ thiện chùa Diên Khánh kéo xe cháo ra Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ cách đó chừng 1km. Các tình nguyện viên nhanh chóng đến từng khoa phòng để thông báo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến lấy cháo. Mọi người từ các khu điều trị với bát, cặp lồng, ca nhựa trên tay hân hoan tiến về phía xe cháo. Nhà chùa không giới hạn số lượng cháo phát cho mỗi người, ai muốn ăn bao nhiêu thì lấy từng đó, không phân biệt giàu nghèo. Bình quân mỗi buổi có khoảng 200 người đến nhận cháo từ thiện. Ngày trước chưa quen nhiều người còn dè dặt nhưng giờ cứ thấy xe cháo đến là họ ra ngay. Với những bệnh nhân nằm một chỗ, không có người thân ở bên, các phật tử mua cốc nhựa và mang cháo lên cho họ.
Khơi dậy tình yêu thươngNăm 2013, nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sư thầy Thích Như Thảo, trụ trì chùa Diên Khánh được một đội thiện nguyện ở TP Hải Dương phát cho 1 bát cháo miễn phí. Bát cháo ấy khiến thầy cứ nhớ mãi. Đầu năm 2014, một người phụ nữ quê ở xã Hà Kỳ nằm điều trị ở bệnh viện huyện, do không có tiền nên vào chùa xin cơm, xin nước. Sư thầy lại nghe phật tử bảo ở bệnh viện cũng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề. “Bát cháo mà tôi được phát khi còn nằm viện và những gì được nghe, được chứng kiến đã khiến tôi có ý tưởng sẽ tổ chức nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo. Rất mừng vì ý tưởng này vừa đưa ra đã nhận được sự đồng tình rất cao của lãnh đạo bệnh viện, của phật tử và các tình nguyện viên”, thầy Thảo tâm sự.
Ngày 1-10-2014, nồi cháo từ thiện đầu tiên do chùa Diên Khánh tổ chức nấu đã đến với các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ. Các thành viên tham gia nấu cháo ngày đầu còn ít nhưng hiện nay đã có vài chục người, gồm công nhân, nông dân, hưu trí, học sinh... Mỗi tuần 1 lần, nhà chùa tổ chức nấu cháo vào ngày thứ 3. Mọi chi phí nấu cháo do sư thầy lo, các thành viên chỉ cần góp công. Vậy nhưng, các phật tử cũng muốn chia sẻ với người nghèo. Thi thoảng họ vẫn mang những thứ sẵn có ở nhà như gạo, rau xanh, củ, quả, rau gia vị... đến chùa để góp vào với thầy nấu cháo cho bệnh nhân. Một số gia đình sống xung quanh chùa thấy vậy cũng mua mì chính, nước mắm, hạt nêm ủng hộ. Sẵn có vườn rộng, bà Ngô Thị Loãn (66 tuổi) ở khu La Tỉnh Nam trồng đủ các loại rau xanh, rau gia vị, vừa phục vụ cuộc sống hằng ngày, vừa có rau sạch để nấu cháo cho bệnh nhân. Nồi cháo từ thiện cũng vì thế mà càng thêm thơm ngon, chất lượng.
Từ ngày tham gia nấu cháo từ thiện đến nay, bà Phạm Thị Hình (58 tuổi) ở khu La Tỉnh Nam chưa nghỉ một buổi nào. Ngày giỗ chồng mà bà vẫn tranh thủ đến chùa cùng mọi người nấu cháo. Bà Hình chia sẻ: “Tôi vui và cảm thấy rất hạnh phúc vì những việc mình và các phật tử khác đang làm. Chừng nào sức khỏe còn cho phép tôi vẫn sẽ tham gia”.
TIẾN MẠNH