Tập thơ "Kẹo gừng mùa đông" bao gồm 69 bài thơ, 69 vị ấm ngọt nhiều cung bậc, có chút hoang hoải trong cô đơn...
Ai đã từng sống ở miền quê Việt có mùa đông lạnh, cho dù đi khắp bốn phương trời, nếm bao hương vị nhân gian, nhưng chắc không thể quên được vị cay cay ngọt ngọt như tan từ lưỡi, rồi tỏa khắp người cảm giác nóng ấm dễ chịu của viên kẹo gừng.
Cũng không phải là vô lý khi dân gian Việt đã đúc kết trong câu ca “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, diễn tả vị cay ấm của gừng, như một chất xúc tác lưu giữ trong tâm hồn những kỷ niệm trong đời người mãi mãi không phai...
Tập thơ "Kẹo gừng mùa đông" |
Khi cầm trên tay tập thơ “Kẹo gừng mùa đông”- Nhà xuất bản Văn học, của nhà thơ trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tôi bất chợt như có một dòng điện chạy trong người, cảm giác như bắt gặp một điều gì đó thân thuộc mà lâu nay chính mình đã lãng quên, đã bỏ qua trong nhiều bận rộn công danh sự nghiệp… Kẹo gừng…
Ừ, bao lâu rồi mình đã không nếm vị kẹo gừng ngọt ấm cay cay, như câu thơ mở đầu tập thơ nghe nỗi buồn xao xác của vị nhớ đã xa xôi: Mùa đông vào thành phố/ Thèm chút kẹo gừng xưa/ Bây giờ tìm không có/ Khó như tìm trăng mưa… - Kẹo gừng mùa đông.
Giống như đang được ngậm viên kẹo gừng, hay chính là vị ấm ngọt cay cay của kẹo gừng hoài niệm đã dẫn dắt, để tôi đọc một mạch cả tập thơ trong một tâm trạng nhiều rung cảm đồng điệu.
69 bài thơ, 69 vị ấm ngọt nhiều cung bậc, ấm ngọt có chút hoang hoải trong cô đơn, ấm ngọt như có như không hư thực trong khắc khoải thế sự, ấm ngọt bồng bềnh dịu dàng trong những cảm xúc tình yệu, ấm ngọt nôn nao bồn chồn trước vẻ đẹp bốn mùa xuân hạ thu động…, gợi bao hoài niệm của những ngày xưa, ngày chưa xa và ngày vừa mới hôm qua của “Kẹo gừng mùa đông”.
Cái vị kẹo gừng của nhân gian thế sự thật sự ám ảnh ở rất nhiều bài thơ: “Đừng lảng tránh”, “Đôi khi”, “Vô hồn”, “Canh bạc”, “Có bao ô cửa vẫn sáng đèn”, “Cuộc chiến vỉa hè”, “Nhạc vàng”, “Bạc”, “Thị phi”, “Thường thôi”, “Ngày mai luôn bất ngờ”, “Miền quên lãng”, “Hiệp sĩ về tròi”…
Có những câu thơ đọc mà thấm thía thế sự, mà đau như dao cứa, mà như cảnh báo cái ác, cái thiện đang song hành trên đường đời đầy đắng đót, gập ghềnh, nhiễu nhương. …Anh nằm xuống/ Trong tư thế/ Kẻ nghĩa nhân/ Phóng khóang xả thân/ Không mưu cầu tư lợi…- Hiệp sĩ về trời.
69 bài thơ là 69 vị ấm ngọt nhiều cung bậc |
Không chỉ những bài thơ thế sự nhìn thẳng, nói thật, mà còn ở cả những bài thơ tình, nói về tình yêu nhưng lại như ngầm ý đưa thông điệp cuộc sống, một cuộc sống cũng bộn bề lo toan, tính toán, có ngọt, có đắng, có chân tình, có giả dối, có tự mình răn mình sống sao cho đẹp…
Nấp vào đá/ Nên chẳng cần mạnh mẽ/… Giống như em/ Ở phía những ngày xưa/ Nấp vào anh/ Để rồi thành yếu đuối/…Và một ngày/ Đôi chân dần mạnh mẽ/ Lại thấy anh/ Yếu đuối biết chừng nào…- Cỏ
“Kẹo gừng mùa đông” còn có những không gian hoài niệm đẹp như giấc mơ trong ngăn ký ức. Tôi thích cách gơi lại những kỷ niệm xưa của tác giả Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, như những hồi ức đẹp.
Một miền quê Phú Yên đẹp như thơ trong thơ: Nắng vàng vàng đến hanh hao/ Gió lùa lùa đến xanh xao bãi bờ/ Đồng khô khô đến phạc phờ/ Mà trong lòng phố vẫn ngờ ngợ vui/ Như sông đợi nước về xuôi/ Ruộng nương chờ ấp ủ mùi mạ non- Phú Yên
Một Hồ Gươm cổ xưa buồn trong cổ tích: Hồ Gươm Chiều thu/ Rách tươm nỗi nhớ!/ Mưa Tình nhân/ Nấp vào phố cổ/ Húp ngụm vối thừa/ Ngơ ngác tường rêu- Chiều Hồ Gươm
Hay Sài Gòn bàng bạc hoài niệm chiều, hoài niệm mùa ngâu:…Guốc thời gian/ Ken sỏi đá/ Cứa vào nhau/ Chiều Sài Gòn/ Ngồi quán Nâu/ Mắt xưa đâu/ Tìm hoài/ Chẳng thấy…Chiều Sài Gòn, …Sài Gòn/ Mưa chìm phố chợ/…Khuấy đáy ly sâu/ Ngậm gờ muỗng nhỏ/ Nhấm nháp vị mùa/ Thấm ngọt/ Đến ngàn thâu- Sài Gòn ngâu
Tình yêu trong “Kẹo gừng mùa đông” dù chỉ là những hoài niệm, thậm chí rất buồn, cho dù là tình mất, tình tan, tình tàn, tình đến, đều phảng phất vị ấm ngọt của kẹo gừng đâu đó, để không thành bi lụy, không thành kẻ thất tình mềm yếu.
Không ân hận một khi yêu là hiến tặng chân tình, không cần nhận, cho dù là ngộ nhận, cho dù ai ghen hận, sân si… Có một thứ dấn thân/ Đời gọi là hiến tặng/ Không đợi chờ đón nhận/ Vẫn nhẹ nhàng trao đi- Phải tình yêu không em. Nhắc đến “người xưa” vẫn rất ngọt ngào chúc phúc: …Biết rằng em vẫn còn nhiều cay đắng/… Nguyện cho mai vẫn yên bình em nhé- Người xưa
Có một vị kẹo gừng rất ấm áp, rất ngọt ngào, như nguồn năng lượng ngầm nhưng mạnh mẽ để bao bọc, để nâng đỡ, để đi- về mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tâm hồn nhiều nhiễu loạn cuộc đời... Chỉ là 2 bài: “Trở về thăm mẹ mình thôi”, “Sợi bạc”, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong cả tập thơ, nhưng tình yêu Mẹ vẫn cứ thẫm đẫm cảm xúc yêu thương từng câu từng chữ. …Trở về thăm mẹ mình thôi/ Lỡ mai gió dập cát vùi mẹ đi/ Muốn ôn lại khúc xuân thì/ Nắm đôi tay mộc có khi muộn màng- Trở về thăm mẹ ta thôi.
Tác giả “Kẹo gừng mùa đông” còn trẻ, nhưng có lẽ là một Thạc sĩ Luật, nên cái nhìn về nhân tình thế thái rất nhân hậu, ấm áp, đặc biệt là với những con người có số phận ít may mắn, ít thành đạt, những người đã qua một thời tuổi trẻ…
Từ một “Cô phụ”,“Dở dênh”… đến “Người đàn ông cũ”, “Này cô gái sắp già”…, đều cảm nhận một chân tình đồng cảm, sẻ chia, như một lời tâm tình của tri kỷ, khích lệ họ đối diện với cuộc đời một cách tích cực.
Không kiểu cách phức tạp trong cấu trúc ngôn ngữ thơ, không làm điệu thơ, “Kẹo gừng mùa đông” giản dị, chân phương, theo thể thơ truyền thống, cho thơ như gần gũi hơn, dễ đồng cảm chia sẻ cảm xúc, giống như chính vị ấm ngọt cay cay của vị kẹo gừng.
Cái cách ngắt đoạn từng câu thơ ở các bài thơ, hay cách biến tấu chút xíu thể thơ dân gian truyền thống lục bát thành câu 6-9 chen vào, lại cho cảm giác thơ khá hiện đại, và tạo cho bài thơ như một kiểu sắp đặt ngôn ngữ thú vị.
Riêng tôi, chắc chắn sẽ đi tìm vị kẹo gừng của ngày xưa sau khi đọc tập thơ này…Rảo bước về phố đêm/ Chợt nghe lời rao bán/ Bên gánh hàng rong nhỏ/ Có vị gừng rất quen - Kẹo gừng mùa đông.
Theo VOV.vn