Chưa bao giờ thị trường BĐS lại trầm lắng kéo dài như thời điểm này. Nhiều chuyên gia nhận định tình hình này sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2012...
Thị trường trầm lắng, hàng loạt văn phòng môi giới nhà đất đóng cửa
Thị trường bất động sản (BĐS) Hải Dương mấy tháng gần đây rơi vào tình trạng người bán thì nhiều mà người mua thì ít. Chưa bao giờ thị trường BĐS lại trầm lắng kéo dài như thời điểm này. Nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" nhận quả đắng cho những phi vụ làm ăn của mình. Sự trầm lắng của thị trường BĐS thuộc các dự án ảnh hưởng cả đến những giao dịch nhỏ lẻ trong dân, vốn ít chịu tác động của yếu tố thị trường.
Anh Đào Quang Chuyện, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Đông Nam (TP Hải Dương) phân tích: Ngay từ cuối năm 2010, thị trường BĐS Hải Dương đã bắt đầu có dấu hiệu giảm giá. Nhưng phải từ tháng 4 - 2011, khi Nghị quyết 11 của Chính phủ đi vào cuộc sống, thị trường BĐS cả nước, trong đó có thị trường Hải Dương mới thực sự giảm sâu và kéo dài. Do chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng, cộng với lãi suất quá cao khiến dòng tiền đổ vào lĩnh vực BĐS giảm hẳn. Các nhà đầu tư không có tiền để triển khai các dự án mới. Đồng thời, nhiều khoản vay trước đó đã đến hạn phải thanh toán, buộc các nhà đầu tư phải giảm giá bán. Những nhà đầu tư không phải chịu áp lực từ các khoản vay thì chấp nhận giữ đất để chờ đợi. Trong khi đó, người dân có nhu cầu thực lại không thể vay được tiền. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến thị trường luôn ảm đạm. Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường BĐS ở Hải Dương cũng tùy từng khu vực và từng dự án khác nhau. Nếu như đất khu đô thị mới đều giảm từ 15 - 20% so với những tháng cuối năm 2010, thì đất xen kẽ trong các khu dân cư lại giữ giá hoặc giảm nhẹ. Những phường xa trung tâm thành phố, không thuận tiện về giao thông hoặc cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ như Ngọc Châu, Nhị Châu... giá đất giảm nhẹ từ 5 - 10%. Mặc dù giá thấp, nhưng không có nhiều giao dịch thành công do người dân ít có nhu cầu mua đất ở những khu vực này. Tại những phường như Tân Bình, Thanh Bình, Việt Hòa hoặc những phường trung tâm có vị trí đẹp, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, bệnh viện... được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, nên giá đất hầu như giữ nguyên.
Tình trạng ảm đạm kéo dài của thị trường BĐS khiến nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" nhận quả đắng. Anh Nguyễn Văn H. ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) như đang ngồi trên đống lửa khi món nợ gần 3 tỷ đồng chưa trả được. Cuối năm 2010, khi thấy giá đất có dấu hiệu giảm, mặc dù không am hiểu nhiều về thị trường BĐS, anh vẫn quyết định vay ngân hàng và huy động của anh em, bạn bè mua 4 lô đất khu Trường Thịnh thuộc khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương. Anh tính toán, chỉ cần một thời gian, khi giá nhích lên một chút là anh sẽ bán kiếm chút lời. Nhưng càng ngày giá càng giảm và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại. Giá 1m2 đất ở khu vực này đã giảm từ 16,5 triệu đồng xuống còn 13 - 14,5 triệu đồng. Hiện tại, anh chưa biết tính thế nào, bởi bán thì cầm chắc lỗ to, còn giữ đất lại thì khoản lãi vay phải trả hằng tháng anh không thể lo nổi. Gần 1 tháng nay anh bắt đầu rao bán, nhưng người xem để tham khảo là nhiều, còn những người có nhu cầu mua thì lại trả quá rẻ. Anh Vũ Kim Hoàng ở phường Tân Kim (TP Hải Dương) do phải chuyển việc lên Hà Nội nên rao bán ngôi nhà mới xây. Tuy nhiên, đã gần 2 tháng anh vẫn chưa thể bán được. Khách đến xem thì nhiều, nhưng phần lớn chỉ đến để tham khảo. Những người có nhu cầu thực sự thì lại trả giá quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu của anh. Anh Hoàng cho biết, nếu bán ngay bây giờ, tôi sẽ mất khoảng 200 triệu đồng so với thời điểm đầu năm 2010, nên tôi vẫn chưa quyết định bán, để đến cuối năm xem giá cả biến động thế nào rồi tính tiếp.
Ngoài nguyên nhân hạn chế cho vay BĐS của các ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Quân, Phó Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho rằng, một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường BĐS ảm đạm trong thời gian dài chính là tâm lý chờ đợi của người dân trong các giao dịch. Những người có đất thì chờ đợi thị trường hồi phục để thu lời. Ngược lại, người dân lại chờ đợi những đợt giảm sâu hơn nữa rồi mới mua. Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng cao, thị trường vàng liên tục biến động, nên nhiều người đã đem tiền gửi vào ngân hàng chứ không đầu tư vào BĐS như thời gian trước. Người tiêu dùng mong muốn giá đất trở về đúng với giá trị thực, bởi một thời gian dài thị trường BĐS bị thả lỏng, nên các nhà đầu tư mặc sức "thổi giá", đẩy giá đất lên quá cao, vượt quá khả năng của phần lớn người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng ảm đạm của thị trường BĐS có thể sẽ kéo dài đến nửa cuối năm 2012. Năm tới, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì các chính sách kiềm chế lạm phát. Và như vậy, dòng tiền đổ vào thị trường BĐS chắc chắn sẽ giảm. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng phải có thời gian để hồi phục. Bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cho biết, thời gian tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Và theo lộ trình, đến ngày 3 - 12, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất sẽ phải giảm xuống mức dưới 16%. Đây chính là thời điểm thuận lợi để những người có nhu cầu có thể mua một mảnh đất bởi giá cả hợp lý và người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.
VỊ THỦY