Nhưng những gia đình sống gần một số hồ điều hòa, kênh mương ở TP Hải Dương bị ám ảnh bởi sự ô nhiễm.
Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương thường xuyên cử người thu dọn rác trên kênh T2
nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế
Nhiều người mong muốn được sống gần nguồn nước để được hưởng không khí mát mẻ, trong lành. Nhưng những gia đình sống gần một số hồ điều hòa, kênh mương ở TP Hải Dương lại bị ám ảnh bởi sự ô nhiễm.
Kinh sợAi đã một lần đi qua đường Nhữ Đình Hiền (phường Lê Thanh Nghị) chắc chắn không thể quên được mùi hôi thối kinh khủng bốc lên từ kênh T2 nằm ngay cạnh. Tuyến kênh dài khoảng 2 km, bắt đầu từ khu đô thị Tuệ Tĩnh đến trạm bơm Bình Lâu cơ bản đã được kè hai bên, dòng nước đen đặc, thỉnh thoảng có chỗ rác nổi lềnh phềnh. Là người nhiều năm sinh sống gần con kênh nên ông Nguyễn Quang Ba, năm nay 76 tuổi ở số nhà 112, đường Nhữ Đình Hiền cảm nhận rõ nhất sự thay đổi của con kênh. Ông Ba cho biết: "Trước đây kênh rộng khoảng 7 m, nước trong, có nhiều tôm cá. Gần đây, nhiều người đã tự lấn chiếm bờ kênh để xây dựng nhà cửa, công trình phụ nên có những đoạn kênh chỉ còn rộng hơn 1m. Nước đen kịt một màu, ngoài muỗi thì không có một sinh vật nào có thể sống được ở đây. Nhất là những khi mưa xong, mùi hôi thối bốc lên còn đáng sợ hơn nhiều. Mặc dù chúng tôi đã đóng kín cửa nhưng vẫn không ngăn được mùi xú uế." Hiện nay vợ chồng ông Ba đều mắc bệnh về phổi.
Mấy tháng gần đây, hào thành ở khu dân cư số 3 (phường Phạm Ngũ Lão) đã bị bèo phủ kín. Anh Lê Thanh Nghị, một người dân sống gần đó cho biết: "Nhìn cứ tưởng là sạch nhưng chỉ cần nhấc một mảng bèo lên là mùi hôi thối bốc lên không thể chịu được, nước thì đặc sánh, đen kịt. Vào mùa mưa phùn đây là ổ muỗi. Quán của tôi chỉ khoảng 10 m2 nhưng trong một tháng mưa phùn, tôi phải phun hết cả chục lọ thuốc trừ muỗi". Mặc dù gia đình anh Nghị đã đóng kín các cửa nhưng vẫn không ngăn được muỗi bay vào trong nhà. Để con không bị muỗi đốt, anh thường phải mắc màn cho các cháu chơi trong đó. Mỗi lần quét nhà anh Nghị gom được cả nắm muỗi.
“Nhiều lúc muốn đi dạo quanh hồ hay mở cửa ra cho nhà thông thoáng mà không dám”.
|
|
Về tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực này, ông Nguyễn Mạnh Thống, Trưởng khu dân cư số 3 (phường Phạm Ngũ Lão) khẳng định: "Hào thành đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt của người dân vẫn đổ ra đây trong khi hào thành không có nguồn nước lưu thông, dẫn đến nước ngày càng ô nhiễm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Nhiều lúc muốn đi dạo quanh hào thành hay mở cửa ra cho nhà thông thoáng mà không dám".
Ô nhiễm do... thiếu vốnTheo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả quan trắc 9 hồ, kênh mương trên địa bàn TP Hải Dương cho thấy hầu hết các chỉ số về hàm lượng nitrit, chỉ tiêu COD, BOD5, hàm lượng amoni... đều vượt ngưỡng cho phép.
Nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm kéo dài trên hệ thống kênh, hồ của TP Hải Dương một phần là do thành phố chưa có kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải một cách đồng bộ, triệt để. Năm 2005, TP Hải Dương nhận được nguồn vốn ODA của Đức hỗ trợ để cải tạo một số hồ, kênh mương. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 500 ha, tập trung ở 5 phường gồm: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung và Trần Hưng Đạo. Các hồ nằm trong khu vực này như hồ Bình Minh, hồ Bạch Đằng, hào thành... và một số tuyến kênh đã được kè bờ, nạo vét chất thải, xây dựng hệ thống thoát nước, tình trạng ô nhiễm đã giảm. Tuy nhiên ở một số khu vực, do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế và ý thức của người dân còn kém, một số nhà dân chưa lắp đặt cống thoát nước của gia đình vào hệ thống nước thải chung mà vẫn xả thải trực tiếp ra hồ, hào thành nên nhiều nơi vẫn ô nhiễm.
Thành phố cũng như Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương chưa có vốn cải tạo những khu vực ngoài phạm vi dự án được tài trợ. "Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh T2 cũng như một số kênh, hồ trên địa bàn thành phố, chúng tôi cử công nhân thu gom toàn bộ rác thải để làm sạch bề mặt, dùng máy móc nạo vét để dễ dàng tiêu thoát nước mưa và nước thải. Đồng thời dùng tre, nứa kè bên bờ hồ, kênh tránh xói mòn và thực hiện các biện pháp để không cho người dân lấn chiếm, tránh làm hẹp dòng chảy, gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước", ông Đinh Đại Phong, Phó Giám đốc Xí nghiệp thoát nước (Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) cho biết.
Theo ước tính, để kênh T2 không còn bị ô nhiễm thành phố phải đầu tư khoảng 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải toàn bộ khu vực phía tây thành phố. Trong thời gian tới, thành phố sẽ cân đối ngân sách, bố trí vốn cải tạo hệ thống kênh T2, xây dựng kênh thu gom nước thải cho toàn bộ khu vực này và hệ thống xử lý nước thải cho TP Hải Dương.
Bên cạnh đầu tư của thành phố, để giảm bớt tình trạng ô nhiễm nguồn nước như hiện nay, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường sống cho chính mình. Những gia đình sống cạnh kênh, hồ không nên xả thải trực tiếp rác xuống lòng hồ, kênh mương.
NGỌC THỦY