Album của năm: Chân dung, tầm vóc nghệ sỹ qua những sản phẩm mới mẻ

13/04/2019 19:05

Năm nay, hạng mục Album của năm (Giải Âm nhạc Cống hiến) có 6 đề cử, cho thấy bảng màu đa sắc của nhạc Việt cùng nỗ lực thể nghiệm, làm mới chính mình của nghệ sỹ trong năm vừa qua.

Bìa album "Chat với Mozart 2"

Số lượng đề cử ở hạng mục Album của năm (Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 14 - năm 2019) tăng lên so với những mùa giải trước góp phần cho thấy xu hướng vận động mới trong đời sống nhạc Việt cũng như sức bao quát của giải thưởng này.

Cụ thể, ở các mùa giải trước, mỗi hạng mục giải thưởng có năm đề cử. Tuy nhiên, năm nay, hạng mục Album của năm có sáu đề cử, cho thấy bảng màu đa sắc của nhạc Việt cùng nỗ lực thể nghiệm, làm mới chính mình của nghệ sỹ trong năm vừa qua.

Tầm vóc nghệ sỹ

Nhà báo Hữu Trịnh, Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết, sự thay đổi này xuất phát từ thực tiễn đời sống âm nhạc năm vừa qua khi lĩnh vực nói trên phát triển sôi động. “Điều quan trọng hơn là, đi kèm với số lượng, chất lượng các album và chương trình âm nhạc được khẳng định, nâng lên rõ rệt,” ông Hữu Trịnh cho hay.

Mỹ Linh tiếp tục khẳng định đẳng cấp diva với "Chat với Mozart 2"

Sáu album được đề cử ở hạng mục Album của năm là những sản phẩm thể hiện rõ cá tính, góp phần quan trọng làm nên “gương mặt nghệ thuật” của ca sỹ và êkíp sản xuất: “Chat với Mozart 2” (Mỹ Linh), “Dramatic” (Bích Phương), “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang” (Đức Tuấn), “Saigon Feel” (Hồ Trung Dũng), “Stardom” (Vũ Cát Tường) và “Thiên thần sa ngã” (Bùi Lan Hương).

Trong những năm gần đây, thay vì đầu tư làm những album quy mô, nghệ sỹ có xu hướng thu âm bài hát đơn hay thực hiện music video (MV). Tuy nhiên, năm 2018, thị trường âm nhạc Việt Nam chứng kiến sự trở lại của album với nhiều sản phẩm được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng; trong đó, các đề cử nói trên là những ví dụ tiêu biểu. Những sản phẩm này là cột mốc quan trọng trên con đường nghệ thuật của nghệ sỹ.

“Album là dự án mà nghệ sỹ thể hiện tầm vóc, định hình tên tuổi, cái tôi của mình rõ nhất. Khi muốn khẳng định thương hiệu, nghệ sỹ cần làm album,” ông Hữu Trịnh bày tỏ.

“Chat với Mozart 2” là một minh chứng rõ nét. Đó là bước tiếp nối “Chat với Mozart” (sau 13 năm) trong việc đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Nhạc sỹ Dương Thụ là người viết lời Việt cho hai trong tổng số bảy ca khúc và Mỹ Linh là người hoàn thành việc đặt lời Việt cho những tác phẩm còn lại trong “Chat với Mozart 2.”

Thay vì chọn R&B để hòa điệu cùng nhạc cổ điển như ở album đầu tiên, lần này Mỹ Linh và êkíp sản xuất kết hợp với blue jazz, mang đến cho album màu sắc mới mẻ, hơi thở đương đại. Ở đó, Mỹ Linh tiếp tục ghi điểm với cách xử lý bài hát tinh tế, những quãng phiêu được khóa lại một cách êm ái, nhẹ bẫng.

Ngoài ra, sự xuất hiện của cô gái Mỹ Anh với giọng ca trong trẻo ở “Nắng sớm” hay rapper Hà Lê với sự phá cách trong “Bài ca tự do” đã thổi vào sản phẩm phòng thu thứ sáu trong sự nghiệp âm nhạc của diva Mỹ Linh sự tươi mới, trẻ trung.

Dấu ấn thể nghiệm

Những đề cử khác trong hạng mục Album của năm cũng cho thấy rõ dấu ấn “cống hiến,” thể nghiệm của các nghệ sỹ. “Dramatic” với phong cách pop/electro, hòa âm hiện đại, nhạc điện tử pha trộn cùng âm hưởng dân gian phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.

Trong những năm đầu sự nghiệp ca hát, tên tuổi Bích Phương thường gắn liền với những bản ballad với ca từ buồn sầu. Việc phát hành “Dramatic” đã cho thấy hướng đi mới, chứng minh khả năng biến hóa linh hoạt (với nhiều sắc thái buồn, vui, hờn giận, yêu thương, khóc, cười…) của Bích Phương trên con đường âm nhạc.

Cũng trên hành trình khám phá bản thân, Bùi Lan Hương thừa nhận thực hiện album “Thiên thần sa ngã” không theo khuynh hướng thị trường mà theo sở thích cá nhân. Thế nhưng, tên Bùi Lan Hương cùng sản phẩm độc đáo của mình vẫn được đánh giá là nhân tố mới, triển vọng của làng nhạc Việt.

“Thiên thần sa ngã” thể hiện rõ tinh thần thể nghiệm (khám phá, chinh phục thể loại nhạc khá mới mẻ ở Việt Nam - dream pop) và cuộc đối thoại với chính mình của cô ca sỹ trẻ qua ca từ đậm chất tự sự, giai điệu lạ tai. Từ sự tò mò về những điều khác biệt, vẻ ma mị, mông lung của “Thiên thần sa ngã,” người nghe bị cuốn vào chiều sâu của những suy tư.

Tuy Vũ Cát Tường không phải là “tân binh” của làng nhạc như Bùi Lan Hương nhưng trong năm 2018, giọng ca “Vết mưa” xuất hiện với diện mạo mới bằng album “Stardom.”

“Stardom” tiếp tục khẳng định vai trò ca sỹ kiêm nhạc sỹ sáng tác của Vũ Cát Tường nhưng màu sắc âm nhạc có nhiều khác biệt. Album cho thấy sự trưởng thành và đổi mới rõ nét của Vũ Cát Tường. Nếu như những sản phẩm âm nhạc trước đó của Vũ Cát Tường thường mang chất trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng thì lần này, chất rap được sử dụng nhiều hơn để tạo không khí sôi động, trẻ trung.

Cách hòa âm, phối khí trong “Stardom” được đánh giá là bắt kịp xu hướng âm nhạc trên thế giới, thể hiện gu âm nhạc hiện đại của Vũ Cát Tường. Hơn nữa, ngay từ việc đặt tên nhan đề album, Vũ Cát Tường cũng bộc lộ rõ khát vọng “hướng ngoại,” chinh phục thị trường quốc tế, mở rộng đối tượng khán giả.

Màu sắc khác biệt

Ở một phương diện khác, hạng mục Album của năm là một bảng đấu khó đoán khi có sự góp mặt của hai đề cử nặng ký: “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang” (Đức Tuấn) và “Saigon Feel” (Hồ Trung Dũng). Đó là những album mang màu sắc khác biệt - lịch lãm, tươi tắn, lãng mạn và tràn đầy hy vọng.

Hồ Trung Dũng đã làm mới nhiều ca khúc quen thuộc (như “Từ khi em đến,” “Quán cóc,” “Tình 2000,” “Xích lô”…) và tạo được dấu ấn riêng, lịch lãm nhưng cũng khá trẻ trung trong những ca khúc mới (“Gõ cửa thiên đường,” “Sài Gòn có mùa Thu”…).

Nhạc sỹ Võ Thiện Thanh và ca sỹ Hồ Trung Dũng có sự kết hợp ấn tượng trong "Saigon Feel"

Câu chuyện về Sài Gòn trải dài theo năm tháng được kể với nhiều cung bậc cảm xúc, đầy ngẫu hứng, lạc quan và hy vọng. Sài Gòn không chỉ có sự ồn ào, náo nhiệt, hoa lệ mà còn mang vẻ trầm lắng, sâu sắc.

Đến “Saigon Feel,” Hồ Trung Dũng đã vượt khỏi giới hạn của chính mình. Anh vốn là giọng ca chuyên trị những bản pop ballad đậm chất trữ tình, lãng mạn. Thế nhưng, với album này, Hồ Trung Dũng không chỉ thể hiện nội lực, xúc cảm của giọng hát mà còn cho thấy khả năng biến hóa linh hoạt với nhiều thể loại: swing, blues, jazz pha lẫn hip-hop, R&B. Hồ Trung Dũng đã có màn kết hợp ấn tượng, đầy phá cách với nhóm MTV ở “Sài Gòn có mùa Thu” trong một điệu swing đòi hỏi kỹ thuật cao.

Đức Tuấn rất “chịu chơi” khi thực hiện “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang,” thu âm cùng dàn nhạc giao hưởng. Theo dõi những bước đi trên con đường âm nhạc của Đức Tuấn, khán giả không khó để nhận thấy sự luôn nỗ lực của anh để định hình một lối trình diễn mới, khác lạ đối với những dòng nhạc, ca khúc đã quen thuộc.

Trong “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang,” bên cạnh việc thể hiện những ca khúc thuộc gắn liền với tên tuổi của nhạc sỹ Phú Quang (“Em ơi Hà Nội phố,” “Mơ về nơi xa lắm,” “Nỗi nhớ mùa đông,” “Biển, nỗi nhớ và em”…), Đức Tuấn lựa chọn những nhạc phẩm chưa được thể hiện nhiều (“Phiêu diêu,” “Quạnh hiu,” “Kỷ niệm của tôi”…). Có thể nói, đó là một lựa chọn “tỉnh táo” của Đức Tuấn để tiếp cận với những khán giả yêu nhạc Phú Quang và định hình con đường đi riêng so với những nghệ sỹ từng thể hiện thành công những nhạc phẩm của Phú Quang.

Với album này, công chúng yêu nhạc cũng thấy một Đức Tuấn rất khác khi hát nhạc Phú Quang. Trước đây, lối hát, phong cách trình diễn và những sản phẩm làm mới nhạc xưa của Đức Tuấn thường cho thấy sự ảnh hưởng của nhạc kịch hiện đại (sôi động, nhiều màu sắc…). Còn lần này, khi hát nhạc Phú Quang, Đức Tuấn cho thấy sự nhẹ nhàng, tĩnh tại, sâu lắng - tâm thế của người lữ khách trên hành trình tìm về ký ức xưa. Những bản hòa âm của “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang” cũng được thực hiện theo phong cách hoài cổ, mang âm hưởng của thập niên 1980s.

Sau một thời gian nhạc Việt “bội thực” MV, pop ballad vẫn là dòng chủ lưu, nhiều ca khúc, nghệ sỹ mới xuất hiện trên các bảng xếp hạng rồi nhanh chóng bị lãng quên… thì sự trở lại của những album chất lượng, được đầu tư bài bản cùng việc thể nghiệm những thể loại nhạc mới, kén người nghe và định hình những cá tính âm nhạc khác biệt là tín hiệu tích cực cho thấy quá trình vận động hướng đến sự đa dạng, cân bằng hai yếu tố chuyên môn và giải trí.

Giải Âm nhạc Cống hiến là giải thưởng thường niên do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức nhằm vinh danh những nỗ lực của các nghệ sỹ trong năm.

Danh sách đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 14 bao gồm chín hạng mục: Nhà sản xuất của năm, Bài hát của năm, Music Video (MV) của năm, Nghệ sỹ mới của năm, Album của năm, Chương trình của năm, Chuỗi chương trình của năm, Nhạc sỹ của năm, Ca sỹ của năm. Các đề cử được lựa chọn theo tiêu chí: “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng.”

Dự kiến, lễ trao Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 14 sẽ diễn ra vào tối 16.4 tại TP Hồ Chí Minh.

AN NGỌC (Vietnam+)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Album của năm: Chân dung, tầm vóc nghệ sỹ qua những sản phẩm mới mẻ