Chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm giá trị dinh dưỡng để tái tạo sức lao động...
Cán bộ Công đoàn Các khu công nghiệp kiểm tra chất lượng bữa ăn ca tại Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát
Khoảng thời gian nghỉ buổi trưa ngắn nên đa phần công nhân lao động phải ăn ca ngay tại nơi làm việc. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng bữa ăn ca (BAC) của người lao động (NLĐ) tại nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa bảo đảm giá trị dinh dưỡng để tái tạo sức lao động, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để công nhân "tự xoay"Theo một khảo sát mới đây của các công đoàn cấp trên cơ sở, toàn tỉnh có 558 doanh nghiệp (chiếm hơn 91,1% số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở) có tổ chức BAC cho NLĐ. Trong đó 210 doanh nghiệp tự tổ chức BAC tại chỗ theo hình thức tự nấu và bố trí nhà ăn cho NLĐ, 116 doanh nghiệp thuê nhà cung cấp từ ngoài mang đến, 220 doanh nghiệp phát tiền hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để NLĐ tự lo BAC, số còn lại hỗ trợ theo các hình thức khác. Con số này cho thấy còn nhiều doanh nghiệp "thả nổi", buộc NLĐ phải tự xoay xở lo BAC. Điều này gây khó khăn cho NLĐ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm chất lượng bữa ăn về cả dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều NLĐ không còn sự lựa chọn nào khác đành phải sử dụng thức ăn ngay tại vỉa hè cạnh nơi làm việc... Điển hình như Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách) hiện có hàng nghìn lao động nhưng chỉ phát tiền để NLĐ tự lo bữa ăn trưa. Chị Nguyễn Thị T., công nhân của công ty cho biết, phần lớn mọi người ăn uống nhiều thứ linh tinh từ các quán bán hàng di động ngoài cổng. Một số công nhân có điều kiện thì tập trung thuê nhà dân gần đó nấu ăn với mức giá theo thỏa thuận. Cũng có người vì tiết kiệm hoặc ngại đi ra ngoài thì mang thức ăn nấu sẵn từ nhà với cơm, lạc rang muối, rau luộc... vì đây là những món đồ ăn không bị ôi thiu khi phải để từ sáng sớm đến trưa.
Việc không tổ chức BAC tại chỗ cho NLĐ được nhiều chủ doanh nghiệp lý giải là do không có mặt bằng để xây dựng nhà ăn tập thể, chưa có kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ nấu ăn, chi trả tiền thuê nhân công... Tuy nhiên, có thể thấy nếu không tổ chức BAC tại chỗ cho NLĐ, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều. Họ chỉ trả tiền trực tiếp cho NLĐ mà không phải vừa "rước việc vào thân", vừa mất thêm các khoản chi phí khác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng có một số nơi, NLĐ chấp nhận cầm tiền tự lo chứ không đồng ý với phương án để công ty tổ chức BAC. Lý do là trước đó công ty đã từng lo BAC nhưng chất lượng quá kém.
Chất lượng hạn chếTrong số doanh nghiệp có tổ chức BAC cho NLĐ kể trên vẫn có 110 đơn vị chi mức ăn ca cho NLĐ thấp hơn 15.000 đồng/người/bữa, điển hình như các Công ty TNHH: Nam Yang Delta ở khu công nghiệp Đại An (12.200 đồng), Namlee International ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) (13.000 đồng), Samil Hà Nội Vina ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) (13.000 đồng)... Một số doanh nghiệp tuy có mức chi 15.000 đồng/người/bữa nhưng lại tính cả giá của những dịch vụ kèm theo như thuê người (hoặc thuê đơn vị cung cấp nấu), tiền điện, ga, công vận chuyển... khiến cho giá trị thực của BAC bị giảm rất nhiều. Do đó, nhiều NLĐ phải mua thêm đồ ăn vặt từ các quán hàng rong ngoài cổng hoặc mang thêm thức ăn từ nhà để ăn kèm.
Nhiều cuộc đình công của NLĐ trong thời gian gần đây đều xuất phát từ nguyên nhân chất lượng bữa ăn không bảo đảm. Cụ thể, vào tháng 4-2016, hơn 500 công nhân, lao động của Công ty TNHH Four Well Vina (chuyên gia công hàng may mặc) ở thôn Trung Quê, xã Lê Lợi (Chí Linh) đã đình công vì chất lượng bữa ăn quá kém. Đến trung tuần tháng 8 vừa qua, hơn 400 công nhân Công ty TNHH May Ever - Glory (khu công nghiệp Nam Sách) đình công cũng nêu lý do BAC tại công ty không đạt yêu cầu, khiến NLĐ phải "nhắm mắt nuốt" để lấy sức làm việc. Còn vụ dòi bò ra từ miếng thịt trong BAC của công nhân tại Công ty TNHH Công nghiệp ForViet (Bình Giang) vào tháng 7 vừa qua cũng cho thấy chất lượng BAC của NLĐ rất kém cả về giá trị dinh dưỡng và khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Trước tình trạng tổ chức BAC cho NLĐ ở nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, không bảo đảm đủ chất dinh dưỡng để tái tạo sức lao động, ngày 25-2-2016, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 07 về "Chất lượng bữa ăn của NLĐ". Nghị quyết nêu rõ, doanh nghiệp phải bảo đảm bữa ăn cho NLĐ với mức tối thiểu từ 15.000 đồng/người/bữa trở lên, đồng thời đưa mức quy định BAC vào trong các bản thỏa ước lao động tập thể.
So sánh với mức trên thì rõ ràng ở Hải Dương nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được. Toàn tỉnh mới chỉ có 284 trong tổng số 558 doanh nghiệp được khảo sát đưa nội dung BAC của NLĐ vào trong bản thỏa ước lao động tập thể. Vì vậy, theo Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, việc cần làm lúc này là các công đoàn cơ sở phải nâng cao vai trò, tích cực tham mưu, phối hợp với chủ doanh nghiệp đưa nội dung của BAC cho NLĐ vào ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Tùy theo từng thời điểm để thương lượng nâng mức giá trị bữa ăn cho phù hợp với nhu cầu. Tốt nhất là nên vận động doanh nghiệp tổ chức BAC tại chỗ cho NLĐ theo phương pháp tự nấu hoặc thuê các nhà thầu uy tín cung cấp. Công đoàn cơ sở phải tiến hành những việc làm cụ thể để kiểm soát chất lượng BAC tại đơn vị mình. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ, công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên có quyền khởi kiện giám đốc doanh nghiệp.
NGỌC THANH