Ai làm lỡ nhịp nâng hạng môi trường kinh doanh?

16/03/2021 18:28

7 năm, Chính phủ ban hành 7 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với liên tiếp nhiều nghị quyết 19. Nhưng nhiều chỉ số vẫn không đạt mục tiêu hoặc tụt hạng.

Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính giúp người dân, doanh nghiệp giảm được 18 triệu ngày công/năm. Trong ảnh: sôi động xuất nhập hàng hóa tại một doanh nghiệp FDI phía Nam

Chuyên gia cảnh báo nếu Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ mới sắp tới không tiếp tục đẩy mạnh cải cách, Việt Nam sẽ khó lọt vào tốp 4 môi trường kinh doanh (MTKD) tốt nhất ASEAN, tệ hơn có thể bị bỏ lại phía sau khi các nước cải cách mạnh hơn.

Nhiều chỉ số giật lùi

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu MTKD và năng lực cạnh tranh quốc gia, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM - thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đơn vị soạn thảo nhiều báo cáo về cải cách MTKD trình lên các phiên họp Chính phủ - khẳng định MTKD hiện nay đã tốt hơn rất nhiều sau 7 năm Chính phủ miệt mài cải cách.

Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2019, với 190 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam từ vị trí 135 đã vọt lên 27 trên bảng xếp hạng MTKD toàn cầu, tăng tới 108 bậc (năm 2020 Ngân hàng Thế giới không xếp hạng MTKD do ảnh hưởng dịch COVID-19).

Tương tự, chỉ số xếp hạng về nộp thuế và bảo hiểm xã hội từ vị trí 173 lên 109, tăng 64 bậc; chỉ số khởi sự kinh doanh có cải cách nhưng còn chậm từ vị trí 125 lên vị trí 115, tăng 10 bậc; chỉ số tiếp cận tín dụng từ vị trí 36 lên vị trí 25, tăng 11 bậc...

Tuy nhiên, các chỉ số như cấp phép xây dựng từ vị trí 22 đã giảm xuống vị trí 25, giảm 3 bậc. Chỉ số về đăng ký tài sản vẫn là điểm yếu của MTKD, giảm sâu từ vị trí 33 xuống vị trí 64, tụt 31 bậc; chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới từ vị trí 75 xuống 104, tụt tới 29 bậc.

Dường như cơ quan tư pháp đang lỡ nhịp quá trình cải cách MTKD. Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng từ vị trí 47 tụt xuống vị trí 68, tụt 21 bậc; chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp từ vị trí 104 xuống vị trí 122, tụt 18 bậc.

Như vậy trong 10 chỉ số về cải thiện MTKD theo Doing Business, có 5 chỉ số cải cách của Việt Nam tăng hạng, 5 chỉ số tụt hạng. Các chỉ số tụt hạng đôi khi không hẳn do các bộ, ngành không cải cách, mà nhiều khi do tốc độ cải cách của các bộ, ngành trong nước chậm hơn tốc độ cải cách của các nước trong khu vực.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, để lọt vào tốp 4 MTKD hấp dẫn nhất khu vực ASEAN, thời gian tới các bộ, ngành phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Đã có đột phá, cần luồng gió mới

Cũng theo đánh giá của CIEM, trong 7 năm qua, mỗi lần ban hành nghị quyết về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ không ngừng mở rộng lĩnh vực, phạm vi cải cách.

Năm 2014, lần đầu tiên Chính phủ ban hành nghị quyết 19/2014, đề ra 5 chỉ số cải cách môi trường đầu tư kinh doanh với các bộ, ngành. Bà Thảo cho biết khi đó nhiều bộ, ngành phản ứng vì mục tiêu cải cách quá cao, các bộ không theo kịp. Bộ Tài chính là bộ phản đối nhiều nhất về tiến trình cải cách đó thì đến nay lại là bộ cải cách thuộc dạng tốt nhất.

Đến nghị quyết 19/2015, Chính phủ mở rộng ra việc thực hiện đủ 10 chỉ số cải cách MTKD theo bảng xếp hạng Doing Business. Năm 2016, Chính phủ mở rộng cải cách ra các chỉ số khác theo nhiều chuẩn mực quốc tế. Trong đó, có các nội dung về đơn giản thủ tục quản lý chuyên ngành của 13 bộ, ngành; cải cách thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh bộ chỉ số cải cách của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ đã giao các bộ, ngành tự nghiên cứu để đưa ra mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh. Và ngay khi ban hành Luật Đầu tư 2014, Chính phủ đã quy định rõ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với tư duy "chọn bỏ". 

Điều này có nghĩa rằng chỉ những ngành nghề trong nhóm 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới có điều kiện kinh doanh, còn lại doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.

Từ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó, CIEM đã phối hợp với nhóm nghiên cứu độc lập rà soát tất cả các điều kiện kinh doanh liên quan. Kết quả cho thấy có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh đối với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Qua rà soát, nhóm nghiên cứu phát hiện có một nửa số điều kiện kinh doanh không cần thiết, can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp, cần điều chỉnh theo hướng đơn giản hơn. Vì vậy đã đề xuất Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh trong các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Thảo, việc cắt giảm hơn 3.000 điều kiện kinh doanh thời gian qua chỉ là kết quả bước đầu, nhưng việc ban hành nghị quyết hằng năm về cải thiện MTKD của Chính phủ đã khiến các bộ, ngành phải thận trọng, không dám tùy ý ban hành quy định pháp luật.

Theo đại diện CIEM, việc cắt giảm số lượng đến nay cơ bản hoàn thành, thời gian tới cần đi sâu vào chất lượng với từng ngành nghề, nếu thấy cần thiết sẽ bổ sung thêm, không cần sẽ cắt giảm đi.

Vấn đề thứ 2 là đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cách thức quản lý chuyên ngành phải thay đổi theo hướng quản lý rủi ro, dựa trên sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và rủi ro hàng hóa, khuyến khích doanh nghiệp tự tuân thủ. "Kiểm tra chuyên ngành cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm" - bà Thảo đề nghị.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai làm lỡ nhịp nâng hạng môi trường kinh doanh?