Ai làm kế hoạch nhỏ?

02/10/2018 12:10

Cuối tuần vừa rồi, một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức thu góp giấy vụn để làm kế hoạch nhỏ.

Nhưng một số người lại phàn nàn rằng cách tổ chức phong trào Kế hoạch nhỏ hiện nay đã làm phong trào không còn ý nghĩa.

Từ lúc phát động cho tới lúc thu thường rất ngắn, có nơi chỉ chưa đầy 1 tuần nên để bảo đảm chỉ tiêu nộp cho nhà trường, hầu hết người thân trong gia đình đều phải tham gia thu thập giấy vụn cho con, cho cháu. Những gia đình có người lớn làm trong các cơ quan công sở thì còn dễ bởi lượng giấy loại của những nơi này thường khá lớn. Nhưng còn những gia đình mà bố mẹ đều làm công nhân, nông dân, buôn bán thì việc kiếm đủ giấy vụn cho con đem nộp trong một thời gian ngắn rất khó khăn. Vì vậy, có nhà đã mua lại giấy vụn của các bà, các chị hàng đồng nát để đem nộp.

Như vậy, người thực sự tham gia làm kế hoạch nhỏ ở nhiều nơi bây giờ không phải là đội viên nữa. Bởi thế, các em cũng không hiểu rõ được ý nghĩa thực sự của phong trào này. Mục đích của phong trào nhằm giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường... cũng mai một. Dường như liên đội các trường cũng chưa thật quan tâm tới công tác tuyên truyền để giúp đội viên, học sinh trong trường hiểu về ý nghĩa của phong trào rất đặc biệt này, một phong trào đã có bề dày 60 năm.

Phong trào Kế hoạch nhỏ là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây Nhà máy Nhựa thiếu niên tiền phong tại Hải Phòng. Không lâu sau đó, phong trào được mở rộng trên toàn miền Bắc. Năm1975, sau khi thống nhất đất nước, phong trào được thực hiện ở cả hai miền. Đội viên thiếu niên tham gia phong trào chủ yếu thu hồi giấy loại, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm... Tuy chỉ mang tên "Kế hoạch nhỏ" nhưng hiệu quả của phong trào này lại không hề nhỏ, đã góp phần cho ra đời đoàn tàu lửa mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, xây dựng Khách sạn Khăn quàng đỏ ở Thủ đô Hà Nội, xây dựng tượng đài và khu di tích kỷ niệm Kim Đồng ở tỉnh Cao Bằng...

Bản thân tôi mỗi khi nhớ về thời niên thiếu vẫn còn ấn tượng với phong trào Kế hoạch nhỏ. Ngày ấy, phong trào thường được liên đội phát động ngay từ đầu năm học và có thể thu làm 2 đợt: một đợt vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12 và một đợt vào dịp ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 15.5. Việc thu nộp được thực hiện làm 2 kỳ trong một năm học tương ứng với 2 học kỳ vừa sức với học sinh. Trong thời gian đó, học sinh chúng tôi đều có ý thức nhặt nhạnh giấy vụn phát sinh trong quá trình học tập, chai lọ, phế liệu... bỏ vào góc "kế hoạch nhỏ" của riêng mình. Ngày nào, tuần nào ý thức làm "kế hoạch nhỏ" cũng được nhắc nhở, duy trì thực hiện, như "mưa dầm thấm lâu" ngấm sâu vào mỗi học sinh. Tuy là tuổi nhỏ làm việc nhỏ, nhưng sự chung tay góp sức của chúng tôi đã góp phần xây dựng nên những công trình măng non có ý nghĩa. Sau này khi trưởng thành, chúng tôi đều thấy biết ơn bởi từ phong trào Kế hoạch nhỏ, chúng tôi đã học được cách tiết kiệm để vun vén cho cuộc sống của mình, gia đình mình ngày một tốt đẹp hơn.

Có thể khẳng định, "Kế hoạch nhỏ" là một phong trào nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Để không làm mất đi ý nghĩa của phong trào ấy, liên đội các trường cần tích cực tuyên truyền để các em thực sự hiểu được ý nghĩa của phong trào và tự giác tham gia. Thời gian thu giấy vụn của các trường cũng cần được bố trí hợp lý để các em có đủ thời gian và có thể tự mình thực hiện kế hoạch.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai làm kế hoạch nhỏ?