Các chuyên gia cho rằng kinh nghiệm thi đấu và cọ xát với những đội bóng hàng đầu châu Á ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 sẽ giúp tuyển Việt Nam duy trì vị trí số 1 Đông Nam Á.
Việc thi đấu với các đội bóng hàng đầu châu Á sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá cho tuyển Việt Nam khi bước vào AFF Cup 2020 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Từ tháng 9 đến nay, tuyển Việt Nam thi đấu 6 trận gặp Nhật Bản, Úc, Saudi Arabia (2 trận), Oman và Trung Quốc. Không ngoa khi nói rằng đây là số lượng trận đấu quốc tế và những đối thủ mơ ước của các đội bóng Đông Nam Á.
Các đội tuyển ở Đông Nam Á thiếu thực chiến
Thực tế này trở nên rõ ràng khi 3 tháng trở lại đây, các đội tuyển Thái Lan, Myanmar không có trận giao hữu quốc tế nào. Malaysia khá hơn một chút khi kịp tham dự 2 trận giao hữu gặp Uzbekistan và Jordan. Tương tự, Singapore cũng có 2 trận giao hữu quốc tế gặp Kyrgyzstan và Morocco. Trong khi đó, Indonesia tuy có 2 trận đấu quốc tế nhưng chỉ gặp được một đối thủ là Đài Loan (play-off vòng loại Asian Cup 2023).
Có thể thấy, các đối thủ ở Đông Nam Á kém xa tuyển Việt Nam về số lượng các trận đấu cọ xát trong 3 tháng qua. Về chất lượng đối thủ cũng không thể sánh với tuyển Việt Nam. Nguyên nhân lớn khiến các đội bóng Đông Nam Á "khan hiếm" các trận đấu quốc tế là vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Việc lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã giúp tuyển Việt Nam có cơ hội thường xuyên thi đấu và đặc biệt hơn là được gặp các đối thủ mạnh bậc nhất châu lục. Nhờ đó, tuyển Việt Nam có nhiều thời gian gắn bó cùng nhau và chuẩn bị chu đáo cho AFF Cup 2020 hơn. Kinh nghiệm thực chiến với những đối thủ hàng đầu châu lục giúp các tuyển thủ Việt Nam trưởng thành về kỹ, chiến thuật cũng như bản lĩnh thi đấu.
Khó khăn chờ đón tuyển Việt Nam
Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Những trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là cơ sở giúp các đối thủ tìm hiểu và nghiên cứu kỹ tuyển Việt Nam. Nếu không có thay đổi đủ lớn, thầy trò HLV Park Hang Seo hoàn toàn có thể bị đối thủ bắt bài tại AFF Cup 2020. Điều tích cực sau 6 trận thua liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là tuyển Việt Nam biết được họ đang ở đâu, không tự mãn và sẽ giữ đôi chân trên mặt đất tại AFF Cup 2020.
Tuy nhiên, việc thua trận liên tiếp khiến các tuyển thủ Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý và gánh chịu sức ép thành tích để bù đắp những thất bại. Chưa biết mặt tích cực hay tiêu cực sẽ biểu hiện nhiều hơn ở AFF Cup 2020.
Một điều nữa cũng rất đáng lưu tâm là tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch AFF Cup. Ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục khẳng định vị thế khi vượt mặt Thái Lan, Malaysia và Indonesia để giành vé đi tiếp. Do đó, tại AFF Cup 2020, các đội bóng Đông Nam Á sẽ quyết tâm hạ bệ tuyển Việt Nam. Khó khăn với tuyển Việt Nam, vì vậy, tăng lên gấp bội.
Bài học từ tuyển Thái Lan
Năm 2018, tuyển Thái Lan đã vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2018 và được đánh giá có vị thế tương tự Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Thái Lan đã bị Malaysia loại khỏi bán kết AFF Cup 2018 và giải đấu này là điểm khởi đầu cho một cơn khủng hoảng thành tích của Thái Lan cho đến tận bây giờ.
Do đó, tuyển Việt Nam cần tránh đi vào vết xe đổ của tuyển Thái Lan cách đây 3 năm. Tín hiệu tích cực với tuyển Việt Nam là dù thua ở vòng loại nhưng vẫn rất tin tưởng vào HLV Park Hang Seo. Nó không giống với cái cách Thái Lan đối xử bất công với HLV Kiatisak Senamuang.
Theo Tuổi trẻ