95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Dấu son lịch sử - truyền thống vẻ vang

21/06/2020 10:04

Trải qua 95 năm, báo chí cách mạng đã trở thành một công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, chế độ, lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Báo Thanh niên đánh dấu sự ra đời của nền báo chí Cách mạng Việt Nam

Những dấu son lịch sử

- Ngày 15.4.1865, tờ báo quốc ngữ Việt Nam đầu tiên - Gia Định báo - ra số 1 tại Sài Gòn, đánh dấu cột mốc khởi nguyên của báo chí Việt Nam; tháng 5.1888, phát hành số 1 nguyệt san Thông loại khoá trình - tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên; ngày 1.2.1918, tuần báo Nữ giới chung - tờ báo Việt Nam đầu tiên chuyên về phụ nữ xuất bản số đầu tiên tại Sài Gòn.

- Ngày 21.6.1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, mở đường cho báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển. Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 2.5.1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21.6 hằng năm là "Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam".

- Ngày 5.8.1930, Tạp chí Cộng sản - tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ban đầu có tên là Tạp chí Đỏ. Trong giai đoạn 1930-1945, nhiều tờ báo cách mạng ra đời, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, đồng hành cùng các sự kiện, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu, như: Báo Búa liềm, Báo Đỏ, Báo Tranh đấu, Báo Cờ Vô sản, Tạp chí Bôn-sê-vích, Báo Việt Nam độc lập, Báo Cứu quốc, Báo Cờ giải phóng và báo chí của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương như: Công nhân, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ... Tuy tên gọi của Tạp chí có lúc khác nhau, nhưng Tạp chí luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng. Qua những chặng đường phát triển, Tạp chí Cộng sản không ngừng trưởng thành, đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận dụng, phát triển, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng.

- Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945), hai cơ quan báo chí quan trọng ra đời, đó là: Đài Tiếng nói Việt Nam (7.9.1945) và Thông tấn xã Việt Nam (15.9.1945).

75 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, kết nối triệu triệu con tim người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Từ 90 phút phát sóng ngày đầu tiên đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành cơ quan truyền thông quốc gia đầu tiên hội đủ 4 thể loại báo chí: phát thanh, truyền hình, báo viết và báo điện tử; phủ sóng rộng khắp trong nước và quốc tế.

75 năm qua, Thông tấn xã Việt Nam không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm và phương thức cung cấp thông tin phục vụ công chúng trong và ngoài nước, trở thành trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí đầu tiên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… 

- Đầu năm 1946, những người viết báo Việt Nam đã tập hợp lại trong một tổ chức gọi là Đoàn Báo chí Việt Nam - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay. Ngày 21.4.1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là dấu mốc ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam.

- Tháng 4.1949, lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng được Đoàn Báo chí kháng chiến mở để đào tạo cán bộ báo chí, thu hút gần 60 học viên. Đây là lớp học báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

- Tháng 7.1950: Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) (Đại hội lần thứ III) họp ở Phần Lan kết nạp Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

- Ngày 20.10.1950, Báo Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ra số đầu tiên tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. 70 năm qua, Báo Quân đội nhân dân luôn đồng hành, bám sát và phản ánh kịp thời tới bạn đọc trong và ngoài nước các sự kiện lớn của đất nước và quân đội.

- Ngày 11.3.1951, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc. Trong suốt quá trình phát triển, Báo Nhân Dân luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trên các ấn phẩm, theo đúng tôn chỉ, mục đích; đúng định hướng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời, chính xác, khách quan mọi mặt đời sống xã hội trong nước và quốc tế. Thông tin trên Báo Nhân Dân luôn bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội, không để xảy ra sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục dòng chủ lưu phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch.

- Ngày 7.9.1970, Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo hình ở Việt Nam. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, từ chiếc camera Ngựa Trời tự lắp đặt trong buổi sơ khai, từ một bộ phận trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, phù hợp với xu thế toàn cầu. Cùng với đó, đội ngũ gần 4.000 cán bộ, viên chức, người lao động đang ngày đêm hăng say lao động, cống hiến, mang đến những chương trình truyền hình chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú của khán giả trong nước và quốc tế.

- Ngày 28.12.1989, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VIII quyết định thông qua Luật Báo chí, có hiệu lực từ năm 1990. Ngày 12.6.1999, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Sau đó, ngày 5.4.2016, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Có đến 9 điểm mới trong các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, đặc biệt là các điểm mới liên quan đến liên kết trong hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo... Những điểm mới này là cần thiết, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

- Tháng 4.1995, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức là thành viên Liên đoàn Báo chí các nước trong Hiệp hội Đông Nam á (CAJ).

- Ngày 6.2.1997, Tạp chí Quê hương điện tử (thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao) phát hành số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo điện tử ở Việt Nam.

- Ngày 3.4.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Truyền thống vẻ vang

Trải qua 95 năm, báo chí cách mạng đã trở thành một công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam; là những nhà báo gạo cội như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang… với những bài báo khai phá, mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao. Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Hôm nay, chúng ta tự hào về đội ngũ trên 41.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 24.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ngày nay, nhiều nhà báo tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ…; làm phóng sự điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Có nhà báo đã hy sinh, bị hành hung, thương tích trong khi làm nhiệm vụ báo chí thời bình, như nhà báo Đinh Hữu Dư hy sinh khi tác nghiệp đưa tin bão lũ tại Yên Bái. Nhiều nhà báo đã có nhiều bài viết hay, có ý nghĩa thiết thực trên các mặt đời sống xã hội, đạt giải cao trong các giải báo chí toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng; thông tin đối ngoại…

Ghi nhận những cống hiến to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), Huân chương Sao Vàng (năm 2010). Hội Nhà báo Việt Nam đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (năm 2000) và bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, sáng tạo, bản lĩnh, đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (2010)…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Dấu son lịch sử - truyền thống vẻ vang