8 nhu cầu cảm xúc trong một mối quan hệ lành mạnh

23/02/2022 13:56

Tình yêu dành cho nửa kia không phải là yếu tố duy nhất cần thiết trong một mối quan hệ lành mạnh. Thêm vào đó, việc duy trì sự kết nối giữa hai người còn cần thêm nhiều yếu tố khác như sự an toàn, sự thấu cảm và tin tưởng lẫn nhau.

1. Tình yêu thương

Tình yêu thương giữa con người với con người có rất nhiều biểu hiện: những cái vuốt ve, lời nói âu yếm, sự quan tâm dịu dàng trong từng cử chỉ… Những điều này giúp bạn nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi và chất lượng.

Dẫu vậy, không phải ai cũng thể hiện tình cảm giống nhau, mỗi người sẽ có cách bộc lộ tâm tư của riêng họ. Nếu tình yêu đủ lớn, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra tình cảm của đối phương trong mỗi hành động của họ. Một số người thể hiện tình cảm qua những lời yêu, số khác lại chọn cách yêu lặng thầm, tỉ mỉ quan tâm người mình thương.

Điều này giải thích vì sao những mối tình một chiều, những người yêu thầm luôn có cảm giác bất an, xa cách với người kia. Nếu bạn nhận thấy sự xa xách trong mối quan hệ của mình, hãy thẳng thắn ngồi xuống để cả hai cùng tâm sự, gỡ rối tơ lòng và đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

2. Sự chấp nhận

Được chấp nhận bởi người mình yêu giúp bạn có cảm giác được thuộc về. Sự chấp nhận ở đây không chỉ là họ chấp nhận “bạn”, mà là chấp nhận toàn bộ con người bạn, từ vẻ ngoài tới nội tâm và bạn biết cả hai phù hợp với nhau.

Một số người không dễ mở lòng mình với người khác vì những lý do chủ quan và khách quan. Bởi vậy, nếu cả hai không thực sự hiểu và chấp nhận nhau, các bạn sẽ dần đánh mất mối quan hệ này vì cảm giác lo sợ bị người ấy đánh giá và không thấy được tầm quan trọng của mình với người ấy.

Để tìm thấy sự chấp thuận, cặp đôi có thể trò chuyện để hiểu rõ nhau hơn và cho người bạn yêu thấy rằng ý kiến của họ thực sự có ảnh hưởng tới các quyết định trong đời của bạn.

Ảnh minh họa


3. Tự do cá nhân

Yêu càng lâu, các cặp đôi càng có xu hướng bị ảnh hưởng bởi những sở thích của nhau trong cuộc sống thường nhật. Rõ ràng, điều này là minh chứng cho một mối quan hệ hòa hợp và hạnh phúc.

Tuy vậy, mối quan hệ có lâu bền tới đâu thì những sở thích và quyền quyết định những vấn đề cá nhân vẫn đóng vai trò cần thiết trong việc gìn giữ tình cảm. Bởi vì, nếu cả hai quá giống nhau trong từng suy nghĩ hay hành động, các bạn có thể mất dần sự tò mò muốn khám phá người ấy nhiều hơn. Từ đó, chuyện tình yêu có thể trở nên nhạt nhẽo khi các bạn không còn điều gì để chia sẻ với nhau, đôi khi bạn còn cảm thấy ngột ngạt nếu không thể tự đưa ra những quyết định theo ý mình.

Bên cạnh đó, việc duy trì không gian cá nhân cũng tạo ra sự riêng tư để bạn có cơ hội nhìn nhận bản thân mà không bị tác động bởi đối phương.

4. Cảm giác an toàn

Mối quan hệ lành mạnh sẽ cho bạn cảm giác an tâm. Điều này được thể hiện ở việc cả hai tôn trọng những ranh giới của nhau, thoải mái khi chia sẻ những suy nghĩ thầm kín của mình và luôn ủng hộ nhau một cách đúng đắn. Chỉ cần có người ấy ở bên, bạn cũng có cảm giác bình yên từ sâu thẳm tâm hồn, được che chở và được tiếp thêm tự tin để làm mọi thứ vì bạn biết họ luôn là bến đỗ vững chãi dù có thể nào đi nữa

Nếu bạn không cảm nhận được sự an toàn, có thể cả hai không đủ tin tưởng về nhau. Trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể bạn đã bị bạo hành tinh thần và thể chất. Bạn cần phải liên hệ với những người bạn uy tín và các tổ chức liên quan để được bảo vệ.

5. Niềm tin

Niềm tin và cảm giác an toàn trong mối quan hệ luôn song hành cùng nhau, là gốc rễ cho mối tình lành mạnh. Sự tin tưởng không được gây dựng trong phút chốc, nó là kết quả của một thời gian dài bồi đắp. Khi niềm tin tan vỡ, bạn có thể hàn gắn được, thế nhưng, điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cả hai phía. Dẫu vậy, ngay cả khi niềm tin được tìm lại, nó vẫn để lại những vết sẹo khó lành trong trái tim.

Ngay khi bạn nhận diện được những biểu hiện lừa dối của đối phương, hãy chủ động mang chủ đề này ra cùng bàn bạc. Nếu bạn để nghi vấn trong lòng càng lâu, vết thương càng khắc sâu và tác động tiêu cực tới tinh thần của bạn.

Bên cạnh đó, một cặp đôi tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể ở cạnh nhau. Vì thế, khó tránh khỏi cả hai có những băn khoăn về người kia – mầm mống của sự bất an. Để ngăn chặn điều này, các bạn hãy bộc bạch mọi thắc mắc của mình và cho nhau những lời xác nhận hợp lý. Khi ấy, sự tin tưởng sẽ càng được củng cố.

6. Sự thấu cảm

Thấu cảm tức là tâm hồn cả hai được đồng điệu, bạn có thể cảm nhận được những cảm xúc mà người ấy phải trải qua và hiểu được suy nghĩ của họ. Sự đồng cảm giúp hai người có thể vỗ về tâm hồn của nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn và nắm tay tới hạnh phúc. Phải có sự thấu cảm, bạn mới biết cách tôn trọng, biết cách vị tha và yêu thương.

7. Cảm giác được kết nối

Thật tuyệt vời khi được làm mọi thứ cùng người mình yêu. Tuy nhiên, việc duy trì các mối quan hệ và sở thích riêng biệt cũng đóng vai trò quan trọng. Điểm cần chú ý là dù các bạn có làm việc riêng, thỏa mãn những sở thích cá nhân, các bạn vẫn cảm thấy an tâm và được thấu hiểu. Sự thiếu kết nối về cảm xúc cũng giống như “đồng sàng dị mộng” – dù ở cạnh nhau nhưng lại thấy tâm hồn và suy nghĩ muôn trùng cách xa.

Nếu các bạn đang ở trong tình trạng này, cùng người ấy thử những điều chưa bao giờ làm sẽ là một giải pháp hữu ích. Hoặc, bạn hãy thử đặt mình vào góc nhìn của người yêu để hiểu rõ tâm hồn họ.

8. Nhận được sự ưu tiên từ người mình yêu

Khi người yêu bạn luôn dành cho bạn sự ưu tiên đặc biệt, điều này cho thấy bạn đóng vai trò quan trọng trong mỗi quyết định và suy nghĩ của đối phương. Nếu bạn cảm thấy bị phớt lờ, chứng tỏ họ không đề cao và trân quý sự hiện diện của bạn trong cuộc đời mình. Dần dà, nếu bạn chỉ cho đi mà không được nhận lại, chính bạn sẽ là người phải chịu nhiều tổn thương.

Hãy chủ động giãy bày tâm tư, những lo âu mà bạn đang gặp phải với người yêu nếu bạn đang ở trong tình huống này. Đôi khi, đây chỉ là sự hiểu lầm không đáng có, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu cho việc kết thúc mối tình này.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    8 nhu cầu cảm xúc trong một mối quan hệ lành mạnh