Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có mức độ cạnh tranh cao vì số lượng thí sinh đông và số chỉ tiêu vào các trường công lập giảm, do đó các em cần phải thật sự tập trung và chuẩn bị tốt để có kết quả mong muốn.
Cô Nguyễn Tăng Vũ, Giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh riêng đối với môn Toán, các em lưu ý một số vấn đề sau trong giai đoạn ôn tập nước rút và và trong lúc làm bài.
Chuẩn bị kiến thức và kĩ năng làm bài đối với các bạn thi toán chung
Về kiến thức, hầu hết sẽ nằm trong chương trình lớp 9, tuy nhiên với môn Toán thì kiến thức có liên quan đến nhau rất nhiều nên ta phải ôn tập lại những kiến thức của các lớp dưới, tự mình hệ thống lại những kiến thức liên quan nhau để ghi nhớ. Các em chú ý những dạng toán sau:
- Các dạng tính toán, rút gọn căn thức, và các bài toán liên quan.
- Các dạng toán về hàm số bậc nhất y = ax +b, hàm số y =ax^2
- Các dạng toán về phương trình bậc hai, phương trình trùng phương, phương trình chứa căn thức dạng cơ bản. Hệ phương trình bậc nhất hai ẩn.
- Phương trình bậc hai chứa tham số, định lý Vieta và các bài toán ứng dụng.
- Các bài toán thực tế, các bài toán đố giải phương trình và hệ phương trình, bài toán về phần trăm, giá cả, số lượng,…
- Hình học thì các em chú ý phải ôn lại các kiến thức đã học từ lớp 6 đến 9, định nghĩa, tính chất và dấu hiệu nhận biết các hình thang, hình bình hành, hình thoi, hình chữ nhật, hình vuông. Công thức tính diện tích các hình, độ dài đường tròn, cung tròn, công thức tính thể tích một số hình không gian.
- Đối với các bạn thi vào lớp chuyên Toán, lưu ý không sử dụng kiến thức hay những bổ đề tính chất lạ của cấp ba, nhất là trong phần hình học, muốn sử dụng phải chứng minh lại.
Về kĩ năng làm bài thi Toán chuyên vào lớp 10
Trong lúc ôn tập, các em cần phải làm nhiều bài tập để tập phản xạ vì trong phòng thi không có nhiều thời gian. Các em cần phải làm nhanh và đúng kết quả, những bài sai kết quả thường bị thấp điểm.
Với mỗi bài toán ta cần phải đọc đề và làm đến kết quả cuối cùng, tránh trường hợp làm giữa chừng thấy được thì bỏ đó, thà làm ít mà hoàn thành bài toán còn hơn là làm nhiều bài giống nhau mà bỏ giữa chừng, tạo thành thói quen xấu.
Việc trình bày bài toán cũng rất quan trọng, nên các em rèn luyện bằng cách tìm các đề thi của các năm trước để làm và trình bày cẩn thận trong thời gian cho phép.
Khi làm đề cần phải tập trung trong thời gian cụ thể, tự tạo cảm giác như trong phòng thi. Lúc làm đề các em chú ý mình chọn câu dễ làm trước khó làm sau, ghi chép cẩn thận và tự dò với đáp án.
Dạng toán nào chưa làm được hay chỗ nào bị sai thì phải rèn luyện thêm và ghi chú ý lại, để tránh sai sót sau này.
Bài làm cần trình bày rõ ràng, từng bước, các bài hình thì nhớ chú ý hình vẽ, vẽ đúng hình, vì sai hình thì có thể không có điểm.
Đối với các bạn thi vào chuyên Toán, việc trình bày logic chặt chẽ càng quan trọng hơn.
Có những ý chỉ cần suy luận sai một chút của ý chính sẽ không được cho điểm, do đó các em phải tập trình bày bài toán cẩn thận, logic, ý tưởng rõ ràng.
Chuẩn bị tâm lí và sức khỏe
Giai đoạn này các em chú ý và sức khỏe, ăn uống bình thường, ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức quá khuya, tránh các trò chơi nguy hiểm dễ gây chấn thương…
Mỗi bạn đều đã chọn nguyện vọng trường cho mình rồi, nên các em phải tự tin vào khả năng của mình để làm bài tốt, tự tin lạc quan để hướng đến một kì thi thành công.
Một số lưu ý khi làm bài
- Chuẩn bị dụng cụ đầy đủ, thước, compa, thước đo độ,…
- Khi bắt đầu tính giờ làm bài các em đọc đề cẩn thận, đánh dấu các câu dễ, quen thuộc, gạch các từ khóa quan trọng, quen thuộc, làm trước.
- Vẽ và làm sớm bài hình, đừng trễ quá dễ vẽ hình sai.
- Bài nào làm được thì trình bày, rõ ràng, cẩn thận, tính toán đúng.
- Câu nào không làm được trọn vẹn nhưng có ý gì đúng, các em cứ viết ra, có thể trong đáp án có để được điểm ý đó.
- Sau khi làm bài xong (hoặc chưa kịp các câu khó) vẫn nên dành thời gian dò lại những câu đã làm được trước khi nộp bài.
Các sai sót thường gặp các em lưu ý: tính toán sai, thiếu điều kiện hoặc không so lại điều kiện để mất hoặc dư nghiệm, đọc sai hoặc thiếu ý của đề, trình bày vắn tắt cẩu thả, vẽ hình sai, vẽ thiếu nét hoặc thiếu tên điểm. Phải nhớ rằng các thầy cô chấm điểm thì chỉ chấm trên kết quả bài làm của các em, chứ các em không có ở đó mà giải thích ý làm bài của mình.
Sau khi các em thi xong môn toán, dù có làm bài tốt hay không thì vẫn phải tự tin lên để thi các môn khác, hoàn thành kì thi với kết quả tốt nhất.
Chúc các em một kì thi thành công.
Theo Vietnamnet