Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) là đối tượng có nguy cơ suy dinh dưỡng cao với tỉ lệ khoảng 10% trong cộng đồng và có thể lên đến 50% khi nằm viện.
Tuổi càng cao, sống một mình, uống nhiều thuốc, có bệnh lý nền, sa sút trí tuệ, đi lại hạn chế thì nguy cơ suy dinh dưỡng càng cao, đặc biệt là những người trên 80 tuổi.
Làm sao biết bị suy dinh dưỡng?
Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh, nhập viện, nằm điều trị dài ngày, dễ tái nhập viện, xuất hiện các biến chứng khi đang điều trị (nhiễm trùng bệnh viện, bục vết mổ, chậm lành vết thương, loét da…) và tăng nguy cơ tử vong.
Người có BMI nhỏ hơn 18,5kg/m2 được chẩn đoán suy dinh dưỡng (tính BMI bằng cách lấy cân nặng (kg) chia chiều cao (m) bình phương). Nhưng suy dinh dưỡng không chỉ dựa vào cân nặng mà còn được chẩn đoán bằng các yếu tố khác như sụt giảm chế độ ăn, sụt giảm khối mỡ dự trữ, teo cơ, khả năng di chuyển và vấn đề tâm thần kinh…
Nguy cơ suy dinh dưỡng ở người cao tuổi thường được sàng lọc bằng công cụ Mini Nutrition Assessment (MNA-SF) với 6 câu hỏi. Đây là bảng câu hỏi quốc tế phổ biến nhất dùng trong sàng lọc và chẩn đoán suy dinh dưỡng ở người cao tuổi đang sống tại cộng đồng, nhà dưỡng lão và đang điều trị trong bệnh viện.
Bảng câu hỏi được thực hiện bằng cách chấm điểm cho từng vấn đề (từ 0 đến 3 điểm) và điểm cuối cùng là tổng điểm các câu cộng lại. Điểm tối đa là 14 điểm. Điểm dưới 11 là có nguy cao suy dinh dưỡng và điểm dưới 7 là có suy dinh dưỡng.
Bảng câu hỏi sàng lọc tình trạng dinh dưỡng MNA-SF:
Người cao tuổi suy dinh dưỡng cần được cung cấp chế độ ăn vừa đủ năng lượng nhưng giàu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Người cao tuổi thường có suy nghĩ là nhu cầu dinh dưỡng giảm nên hay ăn uống qua loa. Điều này không đúng, rõ ràng là nhu cầu năng lượng có giảm dần theo tuổi (do chuyển hóa cơ bản và khối cơ giảm) nhưng nhu cầu chất đạm, vitamin và khoáng chất khác thì không thay đổi mấy so với người trưởng thành.
Do đó người cao tuổi phải có chiến lược “ăn ít nhưng chất lượng” với 1 chén cơm lưng mỗi bữa, trung bình 200 gram thịt cá mỗi ngày, 3 phần trái cây, 3-4 phần rau và 2 ly sữa hoặc tương đương mỗi ngày.
Ngoài ra người cao tuổi còn cần tăng cường vận động thể dục thể thao vừa sức 30 phút mỗi ngày, tiếp xúc ánh nắng mặt trời 15 phút mỗi ngày.
Ăn uống, vận động hợp lý không chỉ giúp người cao tuổi phòng chống suy dinh dưỡng mà còn giúp phòng chống loãng xương, sụt giảm khối cơ và giảm nguy cơ té ngã dẫn đến gãy xương bệnh lý.
Thức ăn của người cao tuổi cần được nấu mềm dễ nhai, chia nhỏ bữa ăn, ăn thêm bữa phụ. Đừng quên trình bày thức ăn đẹp mắt, đảm bảo nhiệt độ thức ăn phù hợp (nóng hoặc lạnh); sử dụng chén dĩa, đũa muỗng phù hợp; ăn chung bữa với người thân... để tăng khẩu vị, kích thích người cao tuổi ăn uống đầy đủ.
Bên cạnh đó có thể sử dụng thêm sữa giàu năng lượng và khám tư vấn dinh dưỡng nếu ăn uống quá kém không đủ nhu cầu.
Theo Tuổi trẻ