Hơn 50 nghị sĩ đảng Dân chủ tuyên bố không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Cùng với đó là hàng loạt nghệ sĩ lớn hoặc từ chối, hoặc hủy bỏ lịch diễn tại buổi lễ.
Các khâu chuẩn bị đã được hoàn tất tại nơi ông Trump sẽ tuyên thệ trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ - Ảnh: Reuters |
Hàng chục nghị sĩ Mỹ đã tuyên bố công khai sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. "Tôi sẽ không chúc mừng người cổ súy cho một thứ chính trị gây chia rẽ và thù hận", nghị sĩ Keith Ellison bang Minnesota tuyên bố trên Twitter.
"Hãy bỏ qua lễ nhậm chức đi. Nghị sĩ John Lewis (người bị ông Trump chỉ trích mới đây) là một anh hùng hoạt động vì nhân quyền. Việc trở thành Tổng thống của nước Mỹ là một trách nhiệm vô cùng lớn lao. Tôi tôn trọng điều đó, không thể dung thứ cho sự vô lễ", nghị sĩ Anthony G Brown bang Maryland giải thích lý do tẩy chay của mình trên Twitter.
Số các nghị sĩ lên tiếng tẩy chay lễ nhậm chức của ông Trump ngày càng tăng lên, tuy nhiên điều đó vẫn không khiến ông Trump dừng lại việc công kích nhà hoạt động nhân quyền John Lewis cho đến tận ngày 17-1.
Mặc dù những gì liên quan tới ông Trump trước nay thường được cho là chưa từng có tiền lệ, nhưng việc tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống cũng từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
Theo sử gia Brooks Simpson của Đại học bang Arizona, trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 1973 của Tổng thống Richard Nixon, đã có 80 nghị sĩ từ chối tham gia để tỏ thái độ phản đối.
Nghị sĩ John Lewis cùng một số nghị sĩ khác cũng từng không tham gia lễ nhậm chức năm 2001 của tổng thống George W. Bush.
Giới nghệ sĩ cũng tẩy chay
Theo hãng tin Reuters, nhiều ca sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn như Elton John và Charlotte Church, đã từ chối lời mời tham gia biểu diễn trong lễ nhậm chức của ông Trump.
Ngôi sao của sân khấu Broadway Jennifer Holliday mặc dù ban đầu đã nhận lời tham gia, tuy nhiên sau đó rút lại quyết định vì bị các fan chỉ trích dữ dội.
Sử gia Jim Bendat, người từng viết một cuốn sách về các lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ, nhận định: "Người ta thực sự không thể tìm ra một tiền lệ nào cho chuyện đó".
Ủy ban tổ chức buổi lễ của ông Trump cho biết đã cố tình không mời các nghệ sĩ hàng đầu. "Chúng tôi may mắn là đã có một ngôi sao vĩ đại nhất thế giới, đó chính là Tổng thống đắc cử", ông Tom Barrack, chủ tịch ủy ban tổ chức giải thích với báo giới tại tòa nhà Trump Tower tuần trước.
Ông Barrack nêu rõ chi tiết: "Vậy nên thay vì cố gắng mời các nghệ sĩ hạng A có mặt quanh ông ấy, chúng tôi chỉ tạo ra một không khí nhẹ nhàng cho buổi lễ".
Khoảng 800.000 người dự lễ
Ước tính sẽ có khoảng 800.000 - 900.000 người có mặt tại thủ đô Washington trong ngày 20-1 để dự lễ tuyên thệ của ông Trump. Tuy nhiên giới hữu quan khẳng định chưa rõ những người này có mặt để chúc mừng hay phản đối ông Trump.
Tám năm trước, lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama đã thu hút khoảng 1,8 triệu người tham dự.
Người đồng dẫn chương trình phát thanh BackStory về lịch sử Mỹ, ông Brian Balogh bình luận: "Điểm có lẽ sẽ là khác biệt đặc trưng hơn cả trong buổi lễ nhậm chức của ông Trump sẽ là số lượng những người biểu tình".
Cục công viên quốc gia Hoa Kỳ đã cấp phép biểu tình cho 27 nhóm. Một ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump, dự kiến có khoảng 200.000 người tham gia biểu tình phản đối ông theo kế hoạch của phong trào Women's March.
Các kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỉ lệ công chúng ủng hộ ông Trump thấp nhất trong lịch sử của các cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ. Một thăm dò của ABC News/Washington Post cho thấy chỉ 40% người Mỹ ủng hộ ông Trump, trong khi năm 2009 ông Obama nhận được 79% tỉ lệ ủng hộ. Một thăm dò khác của CNN/ORC công bố ngày 17-1 cũng cho thấy ông Trump chỉ nhận được 40% tỉ lệ ủng hộ, so với ông Obama năm 2009 là 84%. Thăm dò của hãng Gallup thực hiện hai tuần trước lễ nhậm chức cho biết 51% những người được hỏi không đồng tình với cách giải quyết quá trình chuyển giao quyền lực của ông trump và chỉ có 44% người dân ủng hộ. |
D. KIM THOA (Tuổi trẻ)