50 năm Ngày Môi trường Thế giới (5/6/1972-5/6/2022): “Chỉ một Trái đất”

04/06/2022 14:04

Cách đây 50 năm, Hội nghị đầu tiên về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockhom, Thụy Điển đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và môi trường, với thông điệp “Chỉ một Trái đất” để thống nhất cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Đến nay, thông điệp này vẫn luôn đúng. Hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, nơi có nguồn tài nguyên hữu hạn mà nhân loại cần phải bảo vệ.

 “Chỉ một Trái đất”

Trái đất là cái nôi của sự sống, là hành tinh xanh mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người. Con người đã cải tạo Trái đất nhưng cũng chính con người lại khai thác thiên nhiên quá mức, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống của mình. Hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước đã biến mất, diện tích nhiều khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng cũng bị thu hẹp dần. Con người còn làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh.

Đặc biệt, trong những thập kỷ gần đây, cuộc sống của con người ngày càng phát triển thì các hệ sinh thái của Trái đất - cơ sở sinh tồn cho sự sống - lại ngày càng suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Theo Liên hợp quốc, tốc độ suy thoái này đã chạm ngưỡng không thể đảo ngược, do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là từ hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các số liệu do Diễn đàn Liên chính phủ của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy thực trạng rất đáng quan ngại. Hiện một triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm…

Không chỉ có vậy, mỗi năm, con người còn thải ra một khối lượng rác thải nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho các sinh vật biển. Ước tính, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa. Với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Trong khi đó, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, các chất thải nhựa cùng các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và sức khỏe của con người.

Con người không chỉ khiến các hệ sinh thái trên Trái đất bị suy thoái mà còn làm cho tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn, gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Đây được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ XXI, tác động nghiêm trọng và trực tiếp đến Trái đất. Từ năm 2015, nhiệt độ toàn cầu đã ấm lên trung bình 1 độ C, làm gia tăng tần suất các đợt nắng nóng, gây hạn hán cũng như các cơn bão nhiệt đới, nước biển dâng... Các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu đã khiến hàng chục triệu người phải di dời nơi ở và gây thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD. Các nhà khoa học cũng dự báo rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 65 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới giảm trung bình 20% vào năm 2050 và giảm 64% vào năm 2100, nếu mức tăng nhiệt của Trái Đất lên tới 2,9 độ C. Ngay cả khi mức tăng nhiệt trên Trái Đất được hạn chế ở mức 1,5 độ C theo đúng như mục tiêu đề ra trong COP 21, thì tăng trưởng GDP của các nước này vẫn giảm 12% vào năm 2050 và giảm 33% vào cuối thế kỷ này.

Bên cạnh đó, theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại, nhưng chúng ta hiện chỉ có một Trái đất.

Chính vì vậy, một lần nữa “Chỉ một Trái đất”, với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên”, tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2022. Đây cũng là chủ đề trọng tâm của Hội nghị đầu tiên do Liên hợp quốc tổ chức về môi trường tại Stockholm, Thụy Điển, cách đây 50 năm. “Chỉ một Trái đất” đến nay vẫn luôn mang tính thời sự, bởi hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là không gian cho sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên, nơi có nguồn tài nguyên hữu hạn mà nhân loại phải bảo vệ và gìn giữ.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm môi trường là hồi chuông cảnh tỉnh con người phải có những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.

Việt Nam cam kết “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên”

Việt Nam đã hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động từ năm 1982. Đến nay, việc hưởng ứng này đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác, như: đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng trên buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân.

Đặc biệt, tuyên bố mạnh mẽ về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam, khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, cam kết về môi trường. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”.

Để chuyển hóa được những thách thức trên, trong bài phát biểu tại Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Lễ phát động ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới 2022, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương: trước hết cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.

Hai là tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Ba là có kế hoạch cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP 26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước.

Bốn là thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng một tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

Năm là tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; tăng cường các hoạt động phòng, chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.

Sáu là tăng cường sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ý chí và quyết tâm của tất cả chúng ta cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như thực hiện thành công các cam kết quốc tế. Mỗi chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai “ngôi nhà chung - Trái đất”, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người.

Theo TTXVN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    50 năm Ngày Môi trường Thế giới (5/6/1972-5/6/2022): “Chỉ một Trái đất”