50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Ký ức không phai

19/12/2022 08:00

Ngày 18.12.1972, Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không chính thức mở màn. 50 năm trôi qua, ký ức về những ngày thủ đô đỏ lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính từng tham gia.


Đại tá Nguyễn Đình Kiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thứ hai từ trái) tại buổi gặp mặt 50 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”


“Máy bay cháy rồi”

Tháng 12.1972, đại tá Nguyễn Đình Kiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân khi ấy là sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn Tên lửa phòng không 57. Nhớ về chiến thắng B52 đầu tiên của đơn vị, ông Kiên kể: Ngày 18.12.1972, Tiểu đoàn tên lửa của chúng tôi tham gia đánh 6 trận nhưng chưa diệt được chiếc B52 nào, trong khi đó một số tiểu đoàn khác đã hạ gục được siêu pháo đài bay của Mỹ càng khiến chúng tôi thôi thúc quyết tâm. Tối 19.12.1972, kíp trực của tôi bước vào trận đánh mới. Sau khi Tiểu đoàn trưởng thông báo tình hình trên không và nhận định đêm nay địch sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập kích đường không mang B52 đánh vào Hà Nội, tôi quay một vòng ăng ten kiểm tra nhiễu, sau đó đưa ăng ten về hướng tiểu đoàn, phát hiện có nhiễu chứng tỏ địch đang tổ chức đánh. Tiểu đoàn trưởng chỉ thị cho tôi chọn một dải nhiễu sáng ít quét, tốc độ ổn định để giao cho trắc thủ bám sát và tiến hành kiểm tra đồng nhất. Công tác chuẩn bị sẵn sàng, chỉ huy hạ lệnh tôi lập tức phóng tên lửa, 2 quả đạn lao thẳng trên bầu trời Hà Nội ở cự ly 28 và 27 km. Tên lửa thứ nhất đi đến cự ly 22 km thì lao thẳng vào B52. Ngay lúc đó, trắc thủ hô vang: Máy bay cháy rồi! Cả kíp trực chúng tôi lúc đó vỡ òa sung sướng”.

Sau khi hạ gục chiếc B52 đầu tiên vào tối 19.12.1972, ngày 20 - 21.12.1972, tiểu đoàn của ông Kiên tiếp tục hạ gục thêm 2 chiếc B52 trên hướng bắc - tây bắc. Ông Kiên là người đã nhấn nút phóng đạn. 

Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng trong những ngày diễn ra chiến dịch 12 ngày đêm, ông Lê Xuân Điệp (88 tuổi, ở thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng, Gia Lộc), nguyên Trợ lý Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh thủ đô đã chứng kiến toàn bộ sự tàn khốc của cuộc chiến. Ông Điệp kể từ tối 18.12.1972, nhiều tốp máy bay B52 đã liên tiếp dội bom xuống các khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội)... Bộ Tư lệnh thủ đô đã ra lệnh báo động toàn thành phố. Còi báo động từ Nhà hát Lớn, Quảng trường Ba Đình… nổi lên khẩn cấp. Hàng loạt tiếng bom nổ lớn kéo dài. Nhiều khu vực của thành phố mất điện. Chiến dịch bắt đầu mở màn. 

Sau khi địch ngừng ném bom, ông Điệp cùng đồng đội tỏa đi các ngả để cứu người bị thương, dọn dẹp đống đổ nát. “Hà Nội khi đó thật khủng khiếp. Ở khu vực Khâm Thiên, nhiều gia đình không ai sống sót. Tôi chạy đến gia đình người bạn thân (cùng quê Gia Lộc) làm công nhân đường sắt đang sống ở dãy tập thể ở khu Khâm Thiên. Tới nơi, tôi ngã sụp bởi toàn bộ dãy tập thể đã bị xóa sạch. Gia đình bạn tôi gồm vợ và hai con nhỏ cũng bị bom đạn vùi lấp", ông Điệp xúc động nhớ lại.

Bà Bùi Thị Thúy Hòa nhớ lại những ngày dưới hầm chỉ huy theo dõi đường bay của máy bay địch

Không mắc mưu địch

Là chiến sĩ báo vụ tiêu đồ thuộc Trung đoàn 26, Quân chủng Phòng không - Không quân, trong 12 ngày đêm cuối cùng của tháng 12.1972, bà Bùi Thị Thúy Hòa (ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) vẫn nhớ như in ký ức kinh hoàng của những trận máy bay B52 Mỹ ném bom xuống Hà Nội và các vùng lân cận. Bà Hòa kể từ ngày 18.12.1972, Mỹ bắt đầu đưa máy bay chiến thuật F4, F105,  F111 và B52 rải bom phía ga Yên Viên, Gia Lâm. Lúc đó bà được giao nhiệm vụ trực báo vụ tiêu đồ, thu phát điện theo dõi đường bay của máy bay địch, máy bay ta, ghi lại thông tin về máy bay địch do ra đa thu thập tổng hợp qua tổng đài của phòng không - không quân. Bà Hòa nhớ nhất trận chiến đêm 20, rạng sáng ngày 21.12, sau khi vào kíp trực (khoảng 8 giờ tối) từng tốp máy bay địch bắt đầu lao vào khu vực Yên Viên (Gia Lâm), sân bay Nội Bài... lùng sục các trận địa tên lửa của ta để dọn đường. Sau khi nghe tín hiệu từ ra đa, bà nhận định đây là máy bay F4, F105 mà địch đưa vào trước để rải nhiễu nhằm đánh lừa lực lượng của ta. Bà nhanh chóng đánh dấu mục tiêu, báo cáo cấp trên nên không một tiểu đoàn tên lửa nào bị đánh nhầm. Đến rạng sáng 21.12, khi nhận dạng tín hiệu một tốp B52 gồm 6 chiếc đang từ hướng Yên Viên vào trung tâm thủ đô, ngay lập tức kíp trực của bà đã đánh dấu mục tiêu đường bay, báo cáo cấp trên chỉ đạo kịp thời các lực lượng đánh B52. Trong trận đánh này, bà Hòa và những chiến sĩ báo vụ tiêu đồ đã góp phần cùng các đơn vị tên lửa bắn rơi hàng chục máy bay, trong đó có B52.

12 ngày đêm tham gia chiến dịch, bà Hòa và các đồng đội thường xuyên phải làm việc với cường độ cao. “Thông thường 1 phiên trực của chúng tôi chỉ khoảng 6 tiếng nhưng khi vào chiến dịch 12 ngày đêm mỗi phiên trực kéo dài tới 12 thậm chí 14 tiếng. Với cường độ làm việc cao, căng thẳng, trong hầm chỉ huy thiếu ánh sáng, ô xy, các cổ tay của chiến sĩ báo vụ tiêu đồ bị mỏi nhừ nhưng vẫn chắc tay bút, đánh dấu chính xác nhất đường đi của máy bay”, bà Hòa kể. 

50 năm trôi qua, không chỉ những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tự hào về những thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc mà mỗi thế hệ và người dân Việt Nam đều nhớ và biết ơn những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc.
Đầu tháng 12.1972, Mỹ đình chỉ việc ký Hiệp định Paris. Tổng thống Mỹ Nixon đe dọa sẽ ném bom hủy diệt Hà Nội nhằm buộc chúng ta chấp nhận những điều khoản có lợi cho Mỹ trên bàn Hội nghị Paris. Ngày 17.12, Nixon chính thức ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng, chiến dịch mang tên Linebacker II. Đêm 18.12, Mỹ huy động 90 lần máy bay B52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B52 có 8 lần chiếc F 111 và 127 lần máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội. 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm 300 người chết.

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Ký ức không phai