40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Bài 2: Cái chết của người sinh viên năm nhất

13/02/2019 07:55

"Trốn" lên biên giới, vừa làm quen đồng đội, chưa kịp nhận quân phục, Phạm Quang Thành, sinh viên năm nhất Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã chết với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người.



Di ảnh liệt sĩ Phạm Quang Thành

Tháng 2.1980, tức một năm sau cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, khi làm thống kê chính trị cho Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn bộ binh 3 (Quân đoàn 14), sĩ quan Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Phương Đông) chú ý đến các di vật của sinh viên tên Phạm Quang Thành.

Đơn chiến đấu

Đó là vài bức ảnh, mấy lá thư của người yêu và đặc biệt là lá đơn viết tay ngày 19.2.1979. Nội dung lá đơn như sau:

"Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam.

Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi xin trình bày một việc sau đây: Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng 17.2.1979, bọn phản động Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt.

Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu.

Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc nào.

Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình.

Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại, tôi càng tự hào bao nhiêu thì càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng.

Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó...".

Đơn được viết tại Hà Nội, ngày 19.2.1979.

Mặt sau lá đơn có dòng chữ: "Hi sinh anh dũng ngày 22.2.1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng" - đó là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1.

Đơn viết ngày 19.2.1979, tức chỉ ngày thứ hai sau khi Trung Quốc xâm lược nước ta.

Liệt sĩ Phạm Quang Thành (hàng thứ hai, dấu *) cùng các bạn sinh viên trong lớp - Ảnh tư liệu gia đình

Con người dũng cảm

"Nhìn ảnh chụp có ghi lớp dự bị A-1978 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và thẻ thương binh loại 1, tôi đoán Thành đi chống Mỹ, bị thương, vào lớp dự bị xong đợi có kỳ thi mới vô chính thức.

Đã là thương binh loại 1, lại đang là sinh viên một trường đại học danh giá lại còn tình nguyện đi chiến đấu.

Thành đã là thương binh nên rất khó xin đi chiến đấu. Vì vậy anh ấy mới viết đơn rồi quyết tâm từ Hà Nội lên thẳng Lạng Sơn, ra chiến trường tìm đến đơn vị nào đó xin vào để được chiến đấu.

Đó là người rất can đảm. Tôi đoán khi lên đến Lạng Sơn, Thành đã phải đi bộ ít nhất 17km mới đến được đồn Thâm Mô - nơi đơn vị tôi đang đóng quân để xin được vào chiến đấu" - tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Sự dũng cảm đặc biệt của người thanh niên ấy đã khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng - cũng là một người lính trận - đau đáu, trăn trở.

Theo những thông tin còn lưu giữ, Phạm Quang Thành ở đại đội bộ binh 3, tiểu đoàn 1. Đó là đại đội bộ binh chiến đấu rất giỏi vì đại đội trưởng, trung đội trưởng đều trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh chiến đấu.

Ông Hùng đã tìm gặp người chỉ huy và những đồng đội còn sống trong đại đội 3 để nghe câu chuyện về Thành.

Đồng đội kể tối 21.2, đơn vị đang chiến đấu ở đồn Thâm Mô thuộc huyện Văn Lãng, phía nam Đồng Đăng thì thấy một thanh niên mặc thường phục.

Thời chiến, thấy người lạ đi đúng vào chỗ mình đang chiến đấu nên anh em bộ đội bắt giữ lại đưa đến gặp chỉ huy.

Anh ấy nói mình là sinh viên, muốn nộp đơn xin tham gia chiến đấu và trình cả thẻ thương binh, thẻ sinh viên. Lúc đó thật giả lẫn lộn nên anh em bộ đội cảnh giác vì sợ Hán gian trà trộn vào.

Nhưng khi xem các giấy tờ và nhìn dáng vẻ của Thành, chỉ huy đơn vị liền đưa súng cho Thành và nói: "Vậy cậu hãy chiến đấu cùng chúng tôi!".

Khi đó ở đồi Thâm Mô, tiểu đoàn 1 đã kiên cường chiến đấu chống lại hỏa lực quá mạnh của Trung Quốc xâm lược suốt từ ngày 17.2.

Đến rạng sáng 22-2, đơn vị tổ chức phản công giành lại đồi Thâm Mô, đồi Chậu Cảnh.

Đó là một trận chiến rất ác liệt. Đại đội 3 hi sinh và bị thương nhiều nhất so với các đại đội khác trong Tiểu đoàn 1.

Gặp nhau mới chập choạng tối hôm trước, đến sáng hôm sau trở về sau cuộc chiến khốc liệt, đồng đội không thấy Thành đâu nữa...

Anh đã hi sinh chỉ sau mấy tiếng đồng hồ làm quen với đồng đội. Đơn vị còn chưa kịp cấp quân phục. Thành chết với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người.

"Thành hi sinh, không có giấy báo tử gửi về nhà. Tôi bảo mình phải nỗ lực làm hồ sơ mau chóng xác nhận liệt sĩ cho Thành. Thành hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh như bao liệt sĩ khác đã ngã xuống" - tiến sĩ Hùng bồi hồi nhớ lại.

Ông cất công về trường nơi liệt sĩ Thành học tìm chủ nhiệm khoa, rồi tìm gặp các chỉ huy Đại đội 3, nhờ họ xác nhận để hoàn chỉnh hồ sơ, lập báo cáo gửi Ban Chính sách Trung đoàn 2 đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Thành.

Mười tháng sau, vào một ngày rét buốt, gia đình nhận giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Quang Thành.

Giấy báo tử do Trung đoàn 2 ký ngày 16.12.1980. Anh được công nhận liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng 3.

Trong giấy báo tử, Thành được công nhận là hạ sĩ của Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 với ngày tái ngũ là 19.2.1979.

Đó là ngày anh viết đơn ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) trong lúc chờ tàu đến lên Lạng Sơn...

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: MY LĂNG

"Em là thanh niên, không thể ngồi yên"

Đầu tháng 2.2019, ông Phạm Quang Lập (71 tuổi, hiện ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, anh trai liệt sĩ Phạm Quang Thành) cho biết tháng 2.1979, anh Thành là sinh viên năm nhất khoa toán, còn ông Lập khi đó đang học năm tư khoa văn.

Ông Lập kể: "Sáng 19.2.1979, trường phát động mít tinh phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Thành gọi tôi đi uống nước rồi nói: "Mai em đi chơi xa mấy ngày, anh ở nhà cứ ăn cơm trước đừng đợi em".

Ngày hôm sau tôi mở hòm gỗ ra mới thấy một lá thư viết ngắn gọn thế này: "Em là thanh niên, Tổ quốc đang lâm nguy, em không thể ngồi yên nhìn quân Trung Quốc xâm lược giày xéo đất nước mình nên em nguyện ra đi chiến đấu. Anh ở nhà chăm sóc bố mẹ".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Bài 2: Cái chết của người sinh viên năm nhất