Hơn 40 năm trước, khu vực Xa Mát, tỉnh Tây Ninh là nơi quân và dân Việt Nam đoàn kết với những người yêu nước Campuchia đánh trả quyết liệt với quân Pol Pot.
Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia Heng Samrin (bên phải) trao lá cờ của Mặt trận cho một đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ảnh: Nguyễn Dĩnh/TTXVN
Vùng chiến sự ác liệt năm xưa chỉ còn trong ký ức, giờ đây Xa Mát đã trở thành cửa khẩu quốc tế sầm uất về thương mại, là nơi giao lưu, kết nối của nhân dân hai nước.
Chiến trường ác liệt
Cũng như nhiều nơi khác trên tuyến biên giới Tây Nam lúc bấy giờ, đêm 24 rạng sáng 25.9.1977, quân Pol Pot bắt đầu tấn công đồn Xa Mát với lực lượng rất mạnh.
Mục tiêu của chúng là tiến công theo chiều hướng vừa thực hiện âm mưu tàn sát nhân dân ta, đồng thời ngăn sự chi viện và bao vây, để đánh chiếm đồn và trục lộ 22, làm bàn đạp tiến công lấn chiếm sâu vào đất của ta.
Lúc này, Ban Chỉ huy Đồn Công an nhân dân vũ trang Xa Mát (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát) đã kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ (thời điểm đó tại đây có tổng cộng 39 cán bộ, chiến sỹ) đồng thời báo cáo về Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) xin chi viện.
Sau 10 ngày phòng thủ, kiên cường đánh trả, ngày 5.10.1977, Đồn Xa Mát cùng lực lượng chi viện hợp đồng chiến đấu của Quân khu 7 đã đẩy lùi quân địch khỏi khu vực Xa Mát, ấp Bảy Bàu và khu vực Đập Đá. Suốt cả đợt, ta tiêu diệt 114 tên địch, thu giữ được nhiều vũ khí.
Theo Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tuy bị địch bao vây 4 phía, công sự bị ngập nước, đạn dược, lương thực cạn kiệt... nhưng 39 cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xa Mát vẫn kiên cường chiến đấu, đẩy lùi 22 đợt tấn công của địch, ngăn không cho chúng tiến quân theo trục đường 22.
Trong trận chiến đấu ác liệt này, có 13 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Đơn vị cũng đã tiêu diệt 114 tên địch, thu 22 súng các loại.
Giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với việc huy động 19/23 Sư đoàn chủ lực tấn công biên giới Việt Nam, Tập đoàn phản động của Pol Pot đã cho thấy đây không chỉ là hành động gây hấn mà chúng muốn tấn công xâm chiếm và tàn sát đồng bào ta.
Khu vực Xa Mát là một trong những nơi chịu sự tấn công, tàn phá mạnh mẽ nhất của chúng.
Nhớ lại thời kỳ ác liệt đó, Trung tá Võ Văn Mão, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát cho biết, khi đó ông đang công tác tại Đồn Biên phòng Chàng Riệc, sát bên Xa Mát nên hiểu rất rõ sự ác liệt khi đó.
Quân Pol Pot tấn công điên cuồng nhằm gây thiệt hại nặng nề cho quân và dân ta. Với sự bắn giết điên cuồng, quân Pol Pot đã tàn sát 460 người dân của ta khu vực Xa Mát, trong đó có 13 gia đình bị giết hết cả nhà.
Cũng trên phòng tuyến Lò Gò-Xa Mát, một sư đoàn mới thành lập đã hành quân từ Bình Phước sang chi viện cho Tây Ninh và chiến đấu anh dũng để bảo vệ tuyến biên giới quê hương.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, ngày 16.12.1977, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã quyết định thành lập Sư đoàn 2 (nay là Sư đoàn bộ binh 302).
Chỉ 3 ngày sau khi thành lập, Sư đoàn đã nhận nhiệm vụ bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam.
Năm 1978, Sư đoàn được lệnh hành quân về địa bàn biên giới Tây Ninh, làm nhiệm vụ giữ tuyến phòng thủ Xa Mát-Lò Gò (thay thế lực lượng Quân đoàn 3)
Trưa 7.1.1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
Theo Đại diện Sư đoàn 302, trải qua 150 ngày đêm chiến đấu phòng thủ kiên cường (từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 11/1978), cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 302 chịu đựng mọi gian khổ, hi sinh, đập tan các cuộc tiến công lấn chiếm của quân Pol Pot, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau khi giữ vững phòng tuyến, Sư đoàn 302 đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Campuchia.
Suốt một thập kỷ (1979-1989) làm chiến sỹ tình nguyện, vừa chiến đấu vừa giúp bạn như tham gia cứu đói, phục hồi sản xuất… cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 302 đã đến với bạn Campuchia bằng tình cảm quốc tế trong sáng, son sắt thủy chung.
Theo giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, chính sự anh dũng, kiên cường của quân và dân ta, bao gồm cả lực lượng tại chỗ và quân chi viện, đã giúp giữ vững phòng tuyến này.
Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi từ đó đã làm bàn đạp để ta phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tiến công quân Pol Pot và giải phóng Thủ đô Phnom Penh.
Vùng đất hữu nghị
Hiện nay, đến khu vực Cửa khẩu quốc tế Xa Mát sẽ nhìn thấy khu tưởng niệm các chiến sỹ hi sinh trong trận chiến tàn khốc năm xưa.
Đài tưởng niệm nằm giữa Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát cũ và mới. Đây là “chứng tích” cho sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xa Mát.
Chiến tranh đã lùi xa, Xa Mát giờ là vùng đất bình yên. Từ một chiến trường ác liệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, ngày nay Xa Mát đã là cửa khẩu quốc tế chuyên về trao đổi thương mại giữa hai nước.
Hai bên giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác giữ gìn biên giới, thắt chặt tình đoàn kết nhân dân hai bên biên giới; tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp giao lưu buôn bán.
Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát. Nguồn: vntrip.vn
Theo Đại úy Phan Đình Tố, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, hiện hoạt động giao thương cũng như giao lưu nhân dân tại khu vực này khá nhộn nhịp.
Hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam chủ yếu là gỗ thành phẩm; trong khi chúng ta đưa sang các mặt hàng nhu yếu phẩm, vốn rất cần thiết với người dân Campuchia. Chính sự trao đổi, mua bán thường xuyên đã gắn kết nhân dân hai bên.
Đơn vị đang duy trì tốt an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý, đăng ký người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu đảm bảo an toàn, nhanh chóng, chính xác, đúng thủ tục, quy định.
Trong năm 2018, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã bắt giữ một vụ vận chuyển 4kg ma túy đá, 3.250 gói thuốc lá ngoại; phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển 68.500 USD, 96 triệu rial (tiền Campuchia) qua biên giới; một vụ vận chuyển trái phép trên 9.000kg gỗ trắc và nhiều tang vật buôn lậu khác.
Đại úy Phan Đình Tố cho biết, đồn thường xuyên duy trì, trao đổi thông tin, giao ban định kỳ với lực lượng vũ trang và chính quyền xã đối diện của Campuchia (Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Trapeang Phlong và xã Trapeang Phlong, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tboung Khmum).
Trong đó, hai bên thường xuyên thông báo tình hình có liên quan đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Cùng với đó, Đồn Biên phòng Xa Mát tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và tổ tự quản tham gia bảo vệ đường biên giới, mốc giới.
Hai bên cũng thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, giúp đỡ, hỗ trợ và thăm hỏi lẫn nhau, qua đó thắt chặt tình đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân hai địa phương.
Trung tá Võ Văn Mão, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát chia sẻ, sau khi Campuchia giải phóng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ để bạn khôi phục và tái thiết đất nước.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xa Mát cũng thường xuyên qua lại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ địa phương giáp ranh trong công tác xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng cũng như hỗ trợ người dân địa phương.
Chính những việc làm ý nghĩa này đã khiến người dân Campuchia cảm kích và tin tưởng Việt Nam, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam, qua đó góp phần củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Theo TTXVN