Chứng kiến những bệnh nhân phải mua cháo vừa nguội vừa đắt ở cổng bệnh viện, chị Linh chạnh lòng.
Nồi cháo tình thương
Nồi cháo được đặt sát mép đường ngay đầu hẻm 660 Lê Hồng Phong (phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh nồi cháo là một thùng nước trà đá cùng tấm biển "cháo thịt bằm miễn phí".
Một anh chạy xe ôm ghé lại, lấy chiếc ly nhựa mở nắp nồi múc cháo một cách tự nhiên rồi cho vào túi mang lên xe.
Chị bán bánh tráng dạo tìm đến nồi cháo miễn phí
Sau đó, một cụ già cũng đến xin cháo. Ngồi trên ghế đá bên trong hẻm, cụ múc từng muỗng cháo ăn một cách ngon lành...
Chỉ trong khoảng 1 giờ đã có gần 10 người đến múc cháo. Họ múc vừa đủ để mang về hoặc ăn tại chỗ. Những người đến với nồi cháo này đều là những người nghèo.
Một đứa bé chừng 10 tuổi, con của một chị bán vé số, nhìn nồi cháo một cách thèm thuồng. Một chị hỏi bé: "Có ăn không con?", bé gật đầu. Chị múc cho bé một ly. Bé đưa hai tay nhận và cúi đầu cảm ơn...
Chị Linh và người bảo vệ gần đó múc cháo cho người nghèo
Một chị nói với chúng tôi, nồi cháo này đã có từ cách đây 8 tháng. Chiều nào cũng vậy, khoảng 14 giờ, nồi cháo được mang đến và đặt ở vị trí trên. Người nào khỏe mạnh thì tự múc, người bệnh hoặc trẻ em sẽ được múc hộ. Nhờ nồi cháo này mà nhiều người nghèo bớt đói...
Chị nói tiếp: "Tôi đi bán tới giờ này thì bụng cũng đã đói. Mình lớn còn chịu được chứ như con tôi, cháu không chịu nổi. Nếu không nhờ nồi cháo này, tôi phải tốn 10 - 15.000 đồng mua quà vặt cho cháu.
Bán vé số cả ngày kiếm được cao nhất khoảng 100.000 đồng. Chồng tôi bị bệnh, con lại đông nên tôi tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi cũng đói nhưng không dám ăn bởi người nghèo còn rất nhiều. Tôi chỉ xin một ly cho con thôi còn để phần người khác nữa chứ".
Những người khó khăn cơ nhỡ luôn nghĩ về nhau. Chị bán vé số cho biết thêm, chủ nhân của nồi cháo là một người phụ nữ bán cà phê vỉa hè ...
Cô hàng cà phê và con hẻm từ thiệnChị bán cà phê chưa rảnh tay vì khách đông. Chị làm không ngưng nghỉ. Chúng tôi đến đến hỏi thăm về những việc chị làm và được biết chị là Nguyễn Thị Hoàng Linh, 38 tuổi.
Chị Linh kể: "Tôi ôm ấp làm các công việc từ thiện từ trước đó rất lâu. Hàng ngày, tôi gặp nhiều người sống rất khổ, miếng ăn hàng ngày còn không có đủ. Tôi thương lắm.
Chị mua ve chai tự múc cháo cho mình
Gần đây, ba tôi bị bệnh phải vào điều trị tại bệnh viện, Ở đây, tôi chứng kiến nhiều người bệnh đã phải mua những chén cháo vừa nguội vừa đắt. Thế là trong đâu tôi nghĩ: "Tại sao mình không nấu một nồi cháo thịt để hàng ngày tặng người nghèo?".
Sau đó, ba ra viện, tôi sắm xoong nồi, mua gạo thịt về để chuẩn bị cho nồi cháo đầu tiên. Tôi nhờ người khiêng ra trước đường căng biển "cháo thịt bằm miễn phí". Vừa xong việc thì ba tôi lên cơn bệnh nặng. Tôi đành phải nhờ người trông coi nồi cháo để đưa ba vào viện cấp cứu".
Từ đó, ngày nào chị cũng nấu một nồi cháo như thế. Có lần, chị bận quá không nấu được. Bà con theo thói quen đến nhận cháo nhưng không có đành ra về. Không chịu được ánh mắt buồn thiu của họ nên sau đó dù có bận thế nào chị cũng phải cố nấu cháo để không phụ lòng bà con...
Một nồi cháo, giá trị không lớn nhưng tấm lòng người thực hiện thật cao cả. Một chén cháo không nuôi sống được một đời người nhưng sẽ ấm lòng những mảnh đời khốn khó. Công việc của chị Linh khiến nhiều người xúc động.
Chị Linh hàng ngày bán cà phê vỉa hè để mưu sinh
Nhiều mạnh thường quân đến gặp chị, mỗi người ít nhiều đều góp phần vào với chị để làm việc thiện. Hằng ngày, chị Linh vẫn nấu cháo bằng tiền của mình.
Phần đóng góp của những người hảo tâm được chị gom lại. Chị cùng bà con trong xóm chung tay thực hiện mỗi tuần một lần cháo và một tháng một lần cơm chuyển tới các bệnh viện, trợ giúp những người nghèo.
"Cả xóm chung tay cùng làm với Linh. Tuần sau đến tuần nấu cơm. Con hẻm này là hẻm cụt, chỉ có khoảng 4 gia đình cư ngụ nên những lần nấu cháo, nấu cơm cả xóm bày ra đầy hẻm. Nấu xong việc chuyên chở đến bệnh viện được giao cho một anh chạy xe ba gác đảm trách", một cụ già trong hẻm nói với chúng tôi.
Chị Hoàng Linh không giàu. Cả xóm 660 cũng vậy. Tấm lòng của họ đối với những người cùng khổ thật đáng trân trọng.
TRẦN CHÁNH NGHĨA (Vietnamnet)