"Vực dậy" các làng nghề

07/05/2014 03:19

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, huyện Gia Lộc đã có nhiều biện pháp nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại các làng nghề...



Từ đầu năm đến nay, lượng giày bán được của các cơ sở sản xuất giày ở xã Hoàng Diệu đã đạt gần 3 triệu đôi,
tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013


Thời gian qua, nhiều làng nghề của huyện Gia Lộc bị mai một do sản phẩm làm ra không phù hợp với nhu cầu thị trường. Làm thế nào để có chỗ đứng cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống đang là trăn trở của cả người dân làng nghề và chính quyền địa phương.

Tìm hướng mới

Đến đầu làng Đức Đại ở thị trấn Gia Lộc, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cưa, tiếng đục rộn rã. Trung tuần tháng 3 vừa qua, làng nghề này đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề mộc. Cả làng Đức Đại có hơn 400 hộ dân thì hơn 80% số hộ làm nghề mộc. Do năng động tìm kiếm thị trường nên trong khi nhiều làng nghề mộc khác đang gặp khó khăn trong tiêu thụ thì sản phẩm mộc của làng nghề Đức Đại vẫn bán chạy. Chứng kiến sự phát triển của làng nghề hiện nay, ít ai biết 3 năm trước, nghề mộc ở Đức Đại phát triển tự phát, thiếu liên kết. Sản phẩm làm ra ế ẩm. Nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh cọc tre, thức ăn chăn nuôi... Trước nguy cơ mất nghề, UBND thị trấn đã tổ chức họp bàn các cơ sở sản xuất của làng để tìm cách tháo gỡ khó khăn. UBND thị trấn đã tổ chức cho người dân làng nghề đi tham quan các mô hình sản xuất đồ mộc hiệu quả tại một số làng nghề mộc của Hà Nội, Bắc Ninh. Trung tâm Tư vấn khuyến công và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương tỉnh) đã xây dựng mô hình trình diễn khuyến công nghề mộc tại 3 cơ sở làm mộc lớn của làng. "Nhờ đó mà chúng tôi đã thay đổi tư duy và cách làm. Chúng tôi tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng, mẫu mã phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay", ông Nguyễn Văn Thanh, chủ một xưởng mộc trong làng nói. Ông Nguyễn Hữu Vang, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cho biết: "Trước những khó khăn, thay vì ngồi chờ sự hỗ trợ của huyện và tỉnh, người dân làng nghề mộc quê tôi đã tự mình thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Trước đây, các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mỗi sản phẩm có giá bán từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Hiện nay, các hộ làm nghề đã tập trung sản xuất đồ mộc bình dân. Sản phẩm chủ yếu là bàn, ghế, giường, tủ có mẫu mã đơn giản, giá bán phải chăng nên sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó".

Năm 2013, sản lượng giày tiêu thụ được của các làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu chỉ dừng lại ở con số hơn 5 triệu đôi, giảm 10% so với những năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do giày Hoàng Diệu khó tìm được thị trường tiêu thụ trong nước khi hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt xuất hiện trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Huân, chủ cơ sở sản xuất giày Thu Hà cho biết: "Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra đầu tiên cho những người thợ làm nghề của làng phải thay đổi tư duy". Đây cũng là nhận thức chung của nhiều người làm nghề. Người làm giày ở Hoàng Diệu đang tập trung thay đổi mẫu mã, chất lượng, nâng thương hiệu sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc; gấp rút hoàn thành những thủ tục cần thiết để sản phẩm giày da của các làng nghề sớm được bảo hộ về nhãn hiệu và thương hiệu. Ngoài ra từ đầu năm đến nay, người làm nghề ở Hoàng Diệu còn tích cực đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở khu vực phía Nam thay vì tập trung tại thị trường phía Bắc như trước đây. Thị trường mới, mẫu mã được thay đổi thường xuyên nên từ đầu năm đến nay, lượng giày bán được của các cơ sở trong làng đã đạt gần 3 triệu đôi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ  năm 2013.

Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Gia Lộc, toàn huyện hiện có 9 làng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp gồm: 4 làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu, 2 làng nghề bún, bánh đa ở xã Tân Tiến, 1 làng nghề thêu ren - mây tre đan ở xã Phương Hưng, 1 làng nghề thêu ren và mộc ở xã Gia Hoà và 1 làng nghề rèn và thêu ren ở xã Thống Kênh. Hiện nay, một số làng nghề đã mai một dần như rèn Đồng Tái (Thống Kênh), thêu ren ở Phương Hưng... Tuy nhiên, những năm gần đây trong huyện cũng đã du nhập một số nghề mới, thu hút nhiều lao động tham gia như: đan ghế mây, sợi nhựa, gò tôn... Ông Nguyễn Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết: "Du nhập thêm nghề mới cũng là cách cho làng nghề ở Gia Lộc phát triển. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích người dân làng nghề tìm đường xuất khẩu cho sản phẩm".

Để phát triển bền vững


Để phát triển làng nghề bền vững huyện Gia Lộc đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng nghiên cứu năng lực sản xuất của các làng nghề trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, huyện định hướng quy mô phát triển phù hợp. Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cũng đã chủ động "kéo" các dự án khuyến công về với các làng nghề. Đặc biệt, năm qua huyện đã đầu tư làm mới 4 tuyến đường vào các làng nghề ở xã Hoàng Diệu, Tân Tiến, Thống Kênh, tạo điều kiện phát triển du lịch làng nghề.

Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, để làng nghề truyền thống của Gia Lộc phát triển trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, huyện Gia Lộc còn nhiều việc phải làm. Riêng với làng nghề sản xuất bún thôn Đông Cận, xã Tân Tiến, huyện sẽ quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường. Trong năm nay, huyện sẽ phối hợp với UBND thị trấn Gia Lộc thực hiện quy hoạch làng nghề mộc Đức Đại, thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất mộc ra địa điểm riêng, ngoài khu dân cư. Làm được điều này sẽ giải quyết được 2 vấn đề ở thị trấn Gia Lộc là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư và bảo đảm hành lang an toàn giao thông cho quốc lộ 37.  Đây sẽ là mô hình điểm để Gia Lộc quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng mới, giúp phát triển bền vững làng nghề.   

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vực dậy" các làng nghề