Với sự chăm chỉ, cần mẫn, sáng tạo, anh Nguyễn Đình Toản (sinh năm 1972, ở thôn Độ Trung, xã Đại Hợp, Tứ Kỳ) được đánh giá là người nuôi cá nước ngọt hiệu quả nhất tỉnh.
Trang trại nuôi cá nhà anh Toản thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm
Đầu tư bài bảnĐam mê nuôi cá có trong anh Toản từ nhỏ. Khác với bạn cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Toản không học tiếp mà ở nhà phát triển kinh tế theo hướng nuôi thủy sản. Năm 2003, khi phong trào chuyển ruộng cấy lúa bấp bênh sang đào ao nuôi cá phát triển mạnh, anh Toản mua thêm đất của các hộ xung quanh cùng với ruộng của gia đình được hơn 1 mẫu để đào ao thả cá. Do đất đai ở xã Đại Hợp chật hẹp, không có khả năng mở rộng nên sau vài năm nuôi cá khá thành công, anh Toản tìm vùng đất mới để mở rộng chăn nuôi.
Với quyết tâm làm giàu từ con cá, không quản vất vả, khó khăn, anh Toản chọn xã Quảng Nghiệp làm nơi dừng chân. Ngoài chút vốn liếng tích lũy được sau nhiều năm, anh vay thêm bạn bè và ngân hàng để có tiền mua đất gây dựng vùng nuôi thủy sản rộng 3,7 ha. Năm 2015 khi xã Quang Phục có chủ trương cho thuê đất do nhân dân bỏ hoang, anh Toản lại “khăn gói” đến thuê đất. Khác với trước, để phù hợp với quy định, anh Toản không đào mà làm ao nổi nuôi cá. Trang trại ở xã Quang Phục của anh Toản rộng 12 ha. "Sau này không muốn nuôi nữa thì việc quay lại trồng cây hoặc cấy lúa sẽ dễ dàng hơn vì bề mặt ruộng không thay đổi", anh Toản cho biết.
Hai trang trại ở xã Quảng Nghiệp và Quang Phục được anh Toản đầu tư bài bản, ao nào cũng có đường đi, đường chính giữa rộng trên 4 m, giữa 2 đầu ao có hệ thống mương máng để thuận tiện cho việc lấy và thoát nước. Anh Toản chia ra nhiều loại ao để thuận tiện cho việc ương, nuôi cá giống cũng như cá thịt.
Hiệu quả lớnĐể nuôi cá cho năng suất cao, theo anh Toản điều đầu tiên phải chọn được nguồn nước sạch. Hai trang trại của anh đều được xây dựng gần sông ngoài. Khi nuôi cá, không được nuôi thêm bất kỳ loại con nào khác cũng như trồng cây ở bờ ao. Đây là cách giữ môi trường ao được trong lành cũng như tạo được sóng tự nhiên, góp phần tăng ô-xi hòa tan trong nước. Ao cá không nên làm quá sâu, khoảng 1,2-1,3 m nước là phù hợp. Sau mỗi lần thu hoạch, nên phơi ao khoảng 1 tuần để các khử trùng vi sinh vật gây hại trong ao. Trước khi nuôi nên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước. Nên chọn cá rô phi từ 2-3 lạng/con, cá trắm từ 1-2kg/con, cá chép từ 0,8-1kg/con... để nuôi, tăng tỷ lệ sống cũng như rút ngắn thời gian nuôi.
Bờ ao nhà anh Toản được xây kiên cố đối phó với mùa mưa lũ
Ông Nguyễn Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Hiện nay năng suất nuôi cá chung của tỉnh đạt 6,2 tấn/ha/năm và là một trong những tỉnh có năng suất nuôi cá cao ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Thế nhưng năng suất cá của gia đình anh Toản còn đạt tới 25 tấn/ha/năm, cao gấp trên 4 lần. Đây là một trong những hộ nuôi cá tiêu biểu của tỉnh".
Để làm hết các công việc ở 2 trang trại, anh Toản thuê thêm 3 lao động với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập 2 trang trại của anh Toản, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. "Tôi mong thuê được nhiều đất để mở rộng trang trại ở xã Quang Phục lên 50 ha, từ đó làm ra nhiều sản phẩm, góp phần giảm giá bán, có lợi cho người tiêu dùng", anh Toản nói.
NGỌC THỦY