Triều Vân vừa cho ra mắt tập thơ thứ sáu trong khoảng 8 năm trở lại đây. Tập thơ này hứa hẹn nhiều điều mới lạ. Trước hết mới ở cái tiêu đề thơ “Trời đêm không có chân”. Chân ở đây trước hết là phần phía dưới của mọi vật trong vũ trụ. Người ta vẫn gọi là: chân trời, chân mây… Trời đêm vẫn có thể có chân, nếu là một đêm trời trong, trăng sáng. Tiêu đề của tập thơ được lấy từ một câu trong bài Trời đêm. Cái trời đêm cụ thể ấy không có chân thật, vì “Mây ngụy trang đêm”. Như vậy cái tiêu đề của tập thơ dường như có một ẩn ý, một ẩn dụ “Khát ban mai”. Quả thật ở tập thơ này ta bắt gặp một người chứa chất một nỗi niềm, một suy tư, trăn trở, một khát vọng… Cái suy tư, trăn trở ấy có lúc tác giả buột miệng nói ra không hề che giấu “ngày tận thế” và cái khát vọng ấy cũng được nói ra “cài then ngày tận thế”.
Điều mà người đọc cảm nhận được ở Triều Vân qua tập thơ này là ý thức muốn vượt, thoát ra khỏi cái cũ dễ dãi trong tư duy và ngôn ngữ thơ. Ý thức đã rõ và rất đáng ghi nhận. Tôi nhớ có ai đó đã nói "Người làm thơ cũng như người làm xiếc". Người làm xiếc cứ lặp đi lặp lại trò cũ không có gì đổi mới thì người xem sẽ nhàm chán. Người làm thơ là người làm xiếc với từ ngữ. Từ ngữ là vốn từ vựng của dân tộc, nhà thơ không thể sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng, vì nó là công cụ giao tiếp của cộng đồng. Sáng tạo của nhà thơ là làm sao chọn được từ thích hợp đặt vào chỗ đắc địa để diễn tả ý tưởng của mình một cách chính xác nhất, ý tưởng và cảm xúc của nhà thơ và bạn đọc được cộng hưởng, thăng hoa. Đây là xu hướng tìm tòi có ý nghĩa lôi kéo sáng tạo đọc (đọc sáng tạo) được các nhà thơ trẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, mức độ thành công còn tùy vào khả năng của từng người. Đi theo xu hướng này, Triều Vân cũng đã có những thành công nhất định. Trước hết là anh đã giúp người đọc thấy được “Trời đêm không có chân” là một hướng tìm tòi tích cực mang tính nghệ thuật. Anh luôn có ý thức làm mới câu thơ, tìm ra cách mới lạ trong diễn tả ý tưởng để gây cảm xúc, mạnh dạn dùng những từ kỹ thuật cách ngắt dòng để câu thơ không rơi vào khuôn sáo. Ví dụ: Tầng Ôzôn loang lổ (Nét duyên đã mất); Bầu trời cận thị không đeo kính/Dắt thiên thạch gõ cửa nhân gian (Ngày tận thế); Vũng nước đóng cũi mặt trời (Nắng mưa); Đêm ấy/Trăng công chứng (Vì sao); Xóc ốc/Định vị vỏ/Hình thành/Tổ hợp (Sắp đặt)...
Xu hướng thơ này càng ngày có vẻ xa rời truyền thống. Nó có thể đứng lại trong lòng người đọc từng câu, từng chữ. Ít ai có thể thuộc được cả bài, càng không thể ngâm lên thành thơ ca. Tuy nhiên, đây cũng là một phương thức giao tiếp mang tính nghệ thuật trong thời đại toàn cầu hóa.
Mặc dầu vậy, tôi vẫn thích Triều Vân khi anh trở về bằng những câu thơ dân tộc hoặc có sự cách tân đổi mới trên cái nền của thơ truyền thống. Thơ lục bát được coi là thể thơ truyền thống dân tộc. Nếu không có tài làm thơ lục bát, bài thơ sẽ rơi vào vè hoặc giả chỉ là một bài diễn ca. Không phải chỉ gieo đúng vần là thành thơ lục bát. Một nhà thơ nước ngoài đã nói “có máy gieo vần chứ không thể có máy làm thơ". Thơ là do tài năng và tâm hồn của một chủ thể. Tài năng và hồn thơ ấy là sự hun đúc của tri thức, tư duy triết học, những trải nghiệm trong cuộc sống và “một tấm lòng”. Trở về với thể thơ dân tộc, Triều Vân có những câu thơ lục bát thật tài hoa giàu gợi cảm: "Bếp ai khói bảng lảng bay/Chuồn chuồn ớt đã đậu cay mép rào". Hay: "Chân đi ngang dọc đất trời/Về làng chợt thấy một thời ấu thơ". "Nỉ non cởi áo mà thề/Lim dim con mắt nẻo vê hội Lim"; "Một nhành lục bát tặng nhau/Mong anh vun xới… mai sau mãi còn". Có những câu thơ ẩn chứa nhiều triết lý mà không rơi vào khô khan:
"Lá vàng rơi ngược cánh diều/Tôi ngồi thương cả phận bèo lênh đênh"; "Ngàn năm vui kiếp thường dân/Còn hơn gối mỏi một lần... làm quan"; "Bao ngày qua bến phà này/Rủi, may thường trực đợi đầy mép sông"...
Đọc các tập thơ trước (Khoảng riêng, Nửa tôi gió chiều, Nửa em nắng sáng, Nhịp tháng giêng, Tự tình thu) và ngay cả trong tập thơ này, ta cảm giác như Triều Vân vẫn đang có sự dùng dằng giữa níu kéo của thể thơ dân tộc và ý thức muốn thoát khỏi những gì mòn cũ. Dường như anh muốn làm cái gạch nối giữa thơ truyền thống và hiện đại. Nhiều lúc sự cách tân đổi mới vẫn bị quán tính của thơ lục bát chi phối. Ví dụ:
Thôi thì
Mặt cứ quay vào
Còn lưng
Ta gửi lời chào nhân gian.
(Bác thợ cắt tóc)
Hay:
Hai chân
Chưa hẳn là người
Trăm ngàn
Vạn cớ
Nụ cười… đốn nhau.
(Không vết)
Bé tí
Mà dám trở trời
Cỏn con
Đã để người đời xuýt xoa. (Ớt chỉ thiên)
Những cố gắng đổi mới ấy rõ ràng có những kết quả nhất định. “Thành công chưa nhiều nhưng lại nhiều hứa hẹn" - tôi đồng ý với đánh giá ấy của nhà thơ Vũ Quần Phương.
HỒ TRỌNG XÁN