Theo luật, nếu hút thuốc trong nhà có thể bị phạt tới 300 nghìn đồng. Tuy nhiên tại các nhà hàng, nơi hút thuốc trong nhà nhiều nhất thì Luật chưa vào được và cũng chưa đủ mạnh...
100 người chết mỗi ngày vì thuốc lá
Ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì hút thuốc lá và hơn 6 triệu người chết vì hút thuốc mỗi năm trên toàn thế giới. Những con số trên phần nào minh chứng cho tác hại của thuốc lá đối với cơ thể con người.
Những người không hút thuốc nhưng lại phải chung sống hay cùng làm việc với những người nghiện thuốc lá, đặc biệt là đối tượng trẻ con vẫn có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động. Công nhân làm cho các nhà máy sản xuất thuốc lá cũng bị những nguy cơ tương tự.
Khói thuốc có thể gây ra các bệnh lý như ung thư phổi, viêm phế quản phổi mạn tính với những đợt cấp, bệnh lý về Tai – Mũi – Họng, nhức đầu.
Hút thuốc thụ động đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Luật Phòng chống Tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 5/2013 quy định rõ nhà hàng là địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn khu vực trong nhà, và trong nhà là chỉ cần có 1 bức tường và mái che là đã được coi là khu vực trong nhà rồi. Về xử phạt cũng đã có quy định rõ ràng trong Nghị định 176, cá nhân vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị xử phạt 100.000 VNĐ đến 300.000VNĐ và nếu các cơ sở có quy định cấm mà không triển khai thì chủ đơn vị của các địa điểm trên sẽ bị xử phạt.
Theo quy định thì nhà hàng phải treo biển cấm hút thuốc và phải có nhân viên nhắc nhở khách hàng, trong trường hợp khách hàng không hợp tác có thể nhờ cơ quan chức năng xử phạt. Thực tế có rất nhiều nhà hàng đã thực hiện rất tốt quy định không hút thuốc lá ngay cả khi chưa có Luật ban hành. Tuy nhiên còn rất nhiều nhà hàng kinh doanh luôn cả sản phẩm thuốc lá.
Thực hiện nhà hàng không khói thuốc
Anh Đỗ Văn Long - chủ nhà hàng lẩu nấm Ashima chia sẻ, nhà hàng của anh thực hiện nhà hàng không khói thuốc. Theo anh Long bản thân anh cũng là người nghiện thuốc lá nhưng khi sang Singapore, anh không dám hút vì sợ bị phạt, thứ hai là vì môi trường của họ quá sạch sẽ mình cũng không dám hút làm ô nhiễm, và thứ ba là Luật của họ rất nghiêm. Đây thực sự là một kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt ở Việt Nam.
Anh Long cho biết nhà hàng của anh có treo biển cấm hút thuốc lá. Hơn nữa, nhân viên sẽ nhắc nhở nếu có người hút thuốc. Một vài khách hàng họ cũng phản ứng mạnh, nhất là những bàn có trẻ em và phụ nữ. Thực tế anh Long cho biết khi thực hiện không khói thuốc trong nhà hàng, cũng có trường hợp khách hàng phản ứng lại gay gắt họ vẫn cứ hút và coi mình là thượng đế nhưng trường hợp này không nhiều.
Điều quan trọng nhà hàng không bán thuốc lá và không cho các công ty thuốc lá, PG vào giới thiệu hàng ở trong nhà hàng.
Theo anh Long trong thời gian tới, phải để thực hiện được cấm hút thuốc trong nhà thì các quy định phải được thực hiện một cách đồng bộ, từ Luật, giá thuốc cao, tuyên truyền, cấm hút thuốc và không bán thuốc, không cho quảng cáo.
Đối với các nhà hàng: nên tác động trực tiếp vào chủ cơ sở vì ngay cả cơ quan chức năng đến nhưng cũng khó xử phạt được người hút, nhưng nếu phạt chủ cơ sở thì chủ cơ sở phải có ý thức nhắc nhở khách. Các nhà hàng phải có biển báo, không bày gạt tàn, không bán thuốc lá và có người nhắc nhở khách hàng. Biển báo phải to, rõ ràng, dễ nhìn thấy. Tác động đến chủ nhà hàng là việc rất quan trọng, chủ nhà hàng kiên quyết thì sẽ có biện pháp truyền đạt đến nhân viên và cảnh báo khách hàng.
Anh Phạm Văn Hải – đại diện nhà hàng Bánh tôm Hồ Tây cho biết nhà hàng cũng treo biển cấm hút thuốc ở trong phòng điều hòa. Thực tế, khách cũng không hút vì nếu họ hút nhân viên chưa nhắc nhở đã có người khách khác phản ứng ngay. Cho đến nay, nhà hàng đang đưa ra các tiêu chí nhà hàng không khói thuốc.
Tại Hà Nội có rất nhiều nhà hàng treo biển không hút thuốc ngay từ cửa ra vào. Điều này cũng giúp giảm tác hại của thuốc lá, nhất là khả năng gây bệnh từ hút thuốc lá thụ động.
Theo Infonet