Có những bài thơ hay khi được chuyển thành văn xuôi, nó chỉ là một đoạn văn ngắn. Bài "Nỗi nhớ hai phương trời" của Trọng Việt là một bài thơ như thế.
Cái hay của bài thơ trước hết là ở biện pháp nghệ thuật trùng điệp hay còn gọi là nghệ thuật lặp (lặp hình ảnh, lặp từ ngữ, lặp cú pháp). Khổ thơ thứ hai như là lặp lại khổ thơ thứ nhất. Câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai là: "Sao anh cứ ngại ngùng" thì câu đầu của khổ thơ thứ nhất là: "Sao anh cứ ngập ngừng". So sánh tiếp các câu thơ còn lại của khổ thơ thứ hai với những câu thơ còn lại ở cùng vị trí của khổ thơ thứ nhất, ta thấy nó lặp tương tự như vậy cho nên có thể nói khổ thơ thứ hai chồng khít được lên khổ thơ thứ nhất. Và nếu ta đem khổ thơ thứ tư chồng lên khổ thơ thứ ba, ta cũng sẽ lại thấy sự chồng khít lý thú này.
Trở lại khổ thơ đầu: "Sao anh cứ ngập ngừng/Một lời chưa dám nói"... Và khổ thơ thứ hai: "Sao anh cứ ngại ngùng/Lời yêu chưa dám ngỏ"... ta có thể hiểu những câu thơ trên là những câu hỏi. Nhưng ai hỏi ai? Chàng trai đóng vai cô gái tự hỏi mình hay chính là lời cô gái hỏi chàng trai? Nghệ thuật thơ cho phép ta hiểu thế nào cũng đúng.
Đọc hai câu thơ sau đây ở khổ thơ thứ ba: "Nghe thôi thúc tình đời" và "Nghe con tim đằm thắm", ta không khỏi thắc mắc là: ai nghe? Nhưng qua câu thơ "Lửa lòng em thắp sáng" thì ta mới ngộ ra rằng người nghe là "em". Tình đời là cái gì mà người ta lại nghe được? Khi người ta đang yêu thì đôi tai người ta nhạy cảm lắm, người ta có thể nghe được cả dù không có âm thanh. Câu thơ "Lửa lòng em thắp sáng" là một câu thơ "thần" trong khổ thơ, vứt bỏ câu thơ này đi, khổ thơ sẽ hoàn toàn sụp đổ. Liên kết câu thơ này với các nhóm từ "thổn thức tình đời" và "con tim đằm thắm", ta hình dung ra được chân dung tinh thần của cô gái trẻ. Đó là một cô gái đẹp, đẹp ở tình đời, đẹp ở tấm lòng, đẹp ở con tim. Và cô đang tự tin bước vào tình yêu.
Theo cách hiểu như thế, ta mới thấy được câu thơ "Lửa lòng anh cháy rực" là câu thơ "thần" ở khổ thơ thứ tư. Hình ảnh "lửa cháy rực" và "mặt trời hồng" đã làm cho khổ thơ này trở nên chói chang rực rỡ nhất trong bài thơ. Và cũng chính những hình ảnh ấy đã vẽ nên chân dung tinh thần lành mạnh, khỏe khoắn, rất đáng yêu của chàng trai. Từ "Lửa lòng em thắp sáng" đến "Lửa lòng anh cháy rực" là một bước phát triển đến đỉnh điểm của tình yêu đôi lứa, cho nên đến đây bài thơ có thể khép lại được.
Một khi trai gái đã mặn nồng thắm thiết yêu nhau, thương nhau, không ai muốn xa nhau. Trọng Việt lại phải hóa thân vào người con trai (một nhân vật trữ tình trong bài thơ) để nói lên sự không ai muốn ấy ở hai khổ thơ cuối bài. Yêu nhau mà phải xa nhau (ái ly biệt) thì nhớ và buồn đó là một cái chuỗi tâm lý tiếp nối nhau rất bình thường, ai cũng dễ nhận biết, dễ cảm thông. Nỗi nhớ và buồn ấy dường như không có giới hạn, nó cứ dâng lên, nặng dầy lên theo thời gian năm tháng, làm cho người đọc cứ hồi hộp phập phồng dõi theo. Hình ảnh "Chớp xa xanh cuối trời" là gì? Có phải là ánh chớp tình yêu ở phương trời nơi em rất xa đang lóe về phương trời nơi anh không? Nếu không thì tại sao bài thơ lại mang cái tựa đề "Nỗi nhớ hai phương trời"?
Trong "Nỗi nhớ hai phương trời”, yếu tố thời gian và không gian được tác giả tô rất đậm. Thời gian cứ kéo dài đằng đẵng (đêm, ngày, hạ, thu, đông), không gian thì rộng lớn mênh mông (khoảng trời, phương trời, cuối trời). Đôi bạn trẻ trong bài thơ yêu nhau rất trong sáng giữa thanh thiên bạch nhật có cả bầu trời rộng lớn và mặt trăng trên cao kia chứng giám cho mối tình của họ. Mối tình ấy đã trải qua bao vất vả mà vẫn chưa đến được cái đích cuối cùng là sống bên nhau nên bài thơ đã gây cho người đọc một cảm giác bùi ngùi, thương cảm.
TRỌNG VIỆT
Nỗi nhớ hai phương trời
Sao anh cứ ngập ngừng Một lời chưa dám nói Để đêm về vời vợi Một khoảng trời cách xa
Sao anh cứ ngại ngùng Lời yêu chưa dám ngỏ Để ngày về đơn lẻ Cách xa hai phương trời
Nghe thôi thúc tình đời Lửa lòng em thắp sáng Nghe con tim đằm thắm Vành trăng chiều chơi vơi
Nghe giục giã tình đời Lửa lòng anh cháy rực Nghe thời gian thổn thức Mặt trời hồng trong tim
Mỗi ngày anh xa em Nặng dày thêm nỗi nhớ Mưa buồn nơi phố nhỏ Chớp xa xanh cuối trời
Ngày hạ nắng lên rồi Đêm thu tròn trăng sáng Đông về dâng khát vọng Ở phương trời nơi anh.
|
NGÔ VĂN HIỂU