"Ngõ quê" - Dự báo tình quê thời hiện đại

20/03/2010 06:56

Hà Cừ

Ngõ quê

Trong mơ tôi lại tìm về

Ngõ quê vấn vít bộn bề rạ rơm

Ấy là những lúc mùa lên

Bát cơm gạo mới nhà bên thơm lừng.

Ngõ quê thương nhớ quá chừng

Bờ tre, bụi duối… tủi mừng đón tôi

Ấy là những lúc xa xôi

Người Nam, kẻ Bắc đôi nơi tìm về.

Ngõ quê nặng những lời thề

Chiến tranh đã hết người về, người không

Ấy là tôi nhớ tôi mong

Ngõ quê như cũng long đong phận người.

Ngõ quê nước mắt nụ cười

Thân sơ chín bỏ làm mười cho nhau

Ấy là tình nghĩa trước sau

Đói no vẫn trọng những câu chào mời…

Dù đi cuối bể chân trời

Vẫn thương nhớ lắm một thời… ngõ quê!

Đếm cuối thu 2009

Viết về làng quê thì nhiều người đã khai thác ở nhiều khía cạnh, nhưng viết về cái con ngõ nhỏ, heo hút ở làng quê thì chưa nhiều. Con ngõ nhỏ vắng vẻ, nhất là vào những hôm mưa dầm gió bấc… Khác với những bến đò, cây cầu, cái chợ, những con ngõ quê như thế cho đến nay vẫn còn heo hút lắm trong thơ ca, nhất là mươi năm lại đây thì ngày càng thưa vắng. Phải thế chăng mà khi đọc lần đầu bài "Ngõ quê" của nhà thơ Hà Cừ tôi đã gặp ngay sự đồng cảm, đồng điệu bởi cái chất dân dã, mộc mạc, chân tình và đắm say đến từng con chữ, vần điệu của bài thơ. Lại thêm một giọng thơ hồn nhiên, người viết như không để tâm vào việc gọt giũa câu chữ, mà chỉ cảm sao viết vậy, viết cái tự lòng mình, như một nét chấm phá đầy rung động của bức tranh tình cảm.

Bài thơ là nỗi lòng của người đi xa, lấy cái cớ "trong mơ" để trở lại quê nhà. Ngay từ lúc bước chân vào con ngõ nhỏ đã vụt thức dậy trong lòng bao kỷ niệm xốn xang. Điều làm người ta nhớ nhất, nhớ đến day dứt con ngõ nhỏ nhà mình, ấy là những khi mùa gặt đến, đường ngõ ngập rạ rơm, đến đi bộ cũng vướng víu, đừng nói đạp xe thì rơm rạ còn quấn vào vành bánh không sao đạp nổi. Và như thế mới gọi là ngõ quê, "Ngõ quê vấn vít bộn bề rạ rơm". Chính cái sự "vấn vít" ấy mỗi mùa gặt hái rơm rạ ngập đầy, mà làm bao người đi xa mỗi khi nhớ đến quê nhà là nhớ ngay đến con ngõ nhỏ. Bởi cũng con ngõ ấy đã mang bao ký ức một thời gắn bó với mỗi người, nên giờ chẳng những người ở, người đi mà đến cỏ cây cũng trào nên bao niềm xúc động: "Ngõ quê thương nhớ quá chừng/ Bờ tre bụi duối... tủi mừng đón tôi". Chỉ với tâm trạng "tủi mừng" gặp lại nhau thôi, đã nói thay bao lời về những ngày chia xa, về tình nghĩa xóm giềng thắm thiết bền lâu lắm lắm. Không những thế, con ngõ nhỏ quê nhà còn là nơi chứng kiến bao cuộc chia tay, kể cả những cuộc chia tay lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng hôm nay khi những "Người Nam, kẻ Bắc đôi nơi tìm về", thì những người ra đi chiến đấu lại "Chiến tranh đã hết người về, người không". Đấy là thực, một sự thực xót xa nhưng vẫn luôn phải nhớ, cũng như hôm nay làng quê đã có bao thay đổi, thậm chí con ngõ nhỏ hôm qua không còn nữa, mà thay vào là con ngõ rộng trải bê-tông phẳng lỳ, xe chạy bon bon, nhưng chớ có quên một thời "Ngõ quê như cũng long đong phận người".

Cũng chính con ngõ nhỏ vấn vít rạ rơm, mỗi khi mùa về một nhà mở nồi cơm mới cả ngõ thấy mùi thơm thoảng bay trong gió, đến cả bờ tre, bụi duối cũng biết reo vui mừng mừng, tủi tủi đón người đi xa về, thì chính con ngõ ấy cũng mang đậm nghĩa tình của những người cùng chung ngõ xóm, dù họ có là máu mủ ruột rà, hay chỉ là người dưng nước lã, thì mỗi khi có niềm vui nỗi buồn, công to việc nhỏ đều cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, tối lửa tắt đèn có nhau:

Ngõ quê nước mắt nụ cười
Thân sơ chín bỏ làm mười cho nhau
Ấy là tình nghĩa trước sau
Đói no vẫn trọng những câu chào mời.


Đó là cái gốc, cái nền kết nên sự bền chặt nghĩa tình của những người láng giềng cùng chung con ngõ nhỏ, mà dù hôm nay hay mai sau, dù ở nhà hay đi xa, ai đó chớ nên nhạt lòng hướng về con ngõ nhỏ quê nhà:

Dù đi cuối bể chân trời
Vẫn thương nhớ lắm một thời... ngõ quê!


Câu thơ da diết làm sao. Bởi biết đâu, trong làn sóng đô thị hoá một ngày nào đó tìm về chốn quê không còn nhận ra cái làng mình đâu nữa, đừng nói đến ngõ quê, khi ấy chắc sẽ không còn. Thơ như một nỗi ám ảnh da diết cõi lòng mỗi khi nhớ về quê, nghĩ đến quê trong thì hiện tại, và cả tương lai!

Bài thơ mộc mạc, giản dị mang dấu ấn một thời làng quê còn nghèo khó nhưng đầy ắp tình người. Bài thơ còn mang tính dự báo về tình cảm đối với quê hương thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Rồi sẽ ra sao, tình người trong con ngõ nhỏ còn không, một khi ngay từ bây giờ văn hoá làng xã ở nhiều vùng đang có nguy cơ bị lùi bước trước cái gọi là văn minh thị thành đang xâm nhập ồ ạt.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Ngõ quê" - Dự báo tình quê thời hiện đại