Trong kho tàng ca dao viết về mẹ, ít có bài hay đến thế. Lời thơ không cầu kỳ trau chuốt, mà tự nhiên trôi chảy, giàu sức biểu cảm, dịu dàng chứa đựng cả một trời tâm sự của mẹ. Lời ru con đầy chất dân ca làm cho tình mẹ trong bài ca dao sáng ngời những đức tính tốt đẹp của người mẹ Việt Nam.
Người mẹ tần tảo, lam lũ, hết lòng vì con hiện lên với một điều ước thánh thiện: “Ước gì mẹ có mười tay” điều ước mới kỳ lạ làm sao? Nhưng khi được nghe hết lời ru con này ta mới thấm thía sự có lý của điều ước. Cuộc sống khốn khó, bao vất vả nhọc nhằn vây bọc, để chăm chút gia đình, nuôi dạy được đứa con khôn lớn, người mẹ phải lo toan bao công việc, từ “bắt cá”, “ bắn chim” , “làm ruộng”, “tìm hái rau”, “ôm ấp con đau”, “vay gạo”, “cầu cúng ma” đến “khung cửi guồng xa”, “bếp nước”, “lo cửa nhà nắng mưa”, “đi củi, muối dưa”, thậm chí để: “van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn” trước những thế lực áp bức. Có bao nhiêu việc mẹ phải làm và muốn làm cho con và gia đình, bao nỗi lo toan và điều ước có được “mười tay” của mẹ với một mong ước duy nhất là làm thế nào bảo vệ và nuôi con khôn lớn nên người.
Trong cảnh sống nhiều cơ cực ấy, một trong những điều mẹ luôn phải lo lắng ngày đêm là: “Tay nào để giữ lấy con”, cho con một mái ấm bình yên, an toàn trước bao tác động của cuộc sống phức tạp và đầy bất trắc, bởi vậy “mười tay” mẹ ước dường như vẫn không đủ để chăm chút toan lo. Điệp khúc “tay kia'”, “tay này”, rồi lại “một tay”, “một tay”... cứ vang lên day dứt với biết bao công việc hiện ra bề bộn, liên tiếp, dồn dập như một chuỗi dài khổ cực vô tận dồn lên đôi vai gầy của mẹ.
“Ước gì mẹ có mười tay” nhưng thực ra mỗi người mẹ chỉ có hai tay. Vậy mà mẹ đã làm tất cả mọi việc cho con, vì con, đó là đôi bàn tay đảm đang vén khéo, đó là đôi bàn tay tần tảo chai sần… nhờ có nghị lực vô song của trái tim yêu thương nên mẹ có một sức mạnh phi thường để vượt lên tất cả. Nếu điều ước mẹ có nhiều tay trở thành sự thật, mẹ vẫn thấy: “Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay”, mẹ nuốt những dòng nước mắt khổ đau, tủi hờn vào lòng, dành cho con tất cả những điều tốt đẹp, lòng vị tha và sự hy sinh ấy thật là cao cả. Đó cũng là phẩm chất cao quý của những người mẹ trên thế gian này.
Cuộc sống và sự vận động của khách quan không ngừng trôi chảy, “Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời”, giữa cái vạn biến ấy vang lên lời ru da diết của mẹ, lời ru tự đáy lòng: “Bồng bồng con nín con ơi” rồi “Bồng bồng con ngủ cho say”. Lời ru bình dị mà sâu lắng ngân mãi trong lòng những đứa con suốt cuộc đời, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, là điểm tựa vững chắc cho con. Câu danh ngôn bất hủ: “Tuyệt tác của tạo hóa là trái tim người mẹ” bắt nguồn từ tình yêu vô bờ bến, sự hy sinh không cùng của người mẹ như thế này chăng ?
Bài ca dao “Mười tay” đậm chất thi ca, rất độc đáo, mỗi câu, mỗi chữ đều trĩu nặng tình cảm sâu nặng của mẹ. Hình ảnh người mẹ nhân từ, bao dung, hết lòng hy sinh vì con yêu có khác nào Phật Bà nghìn mắt nghìn tay cứu độ chúng sinh hiện lên cao đẹp vô cùng. Tình mẹ cao cả không bến không bờ, sâu nặng không gì đong đếm được, lòng mẹ là vô tận như suối nguồn tưới mát cuộc đời con. Tình mẹ là biểu tượng thiêng liêng cao đẹp nhất trên thế gian này.
Mười tay Bồng bồng con nín con ơi Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay Ước gì mẹ có mười tay Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim Một tay chuốt chỉ luồn kim Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau Một tay ôm ấp con đau Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma Một tay khung cửi guồng xa Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa Một tay đi củi muối dưa Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn Tay nào để giữ lấy con Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay Bồng bồng con ngủ cho say Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời (Ca dao dân tộc Mường, Cầm Giang dịch) |