Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh ở thôn An Đông, xã Thái Hòa (Bình Giang) gây ô nhiễm môi trường từ năm 2010.
Các thùng phuy, bể chứa vẫn lênh láng dung dịch màu đen và bốc mùi tanh
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng đến nay cơ sở này vẫn khiến người dân bức xúc.
Người dân bức xúcNgười dân ở thôn Nhữ Thị, xã Thái Hòa (Bình Giang) phản ánh xưởng tái chế bùn thải công nghiệp của gia đình ông Nhữ Đình Tám ở thôn An Đông thời gian qua vẫn tiếp tục xả khói, nước thải gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước tại địa phương. Xưởng tái chế bùn thải này là một khâu hoạt động của Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh An Dương đóng trên địa bàn thôn An Đông. Công ty thành lập từ tháng 7-2009, bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2010 với ngành nghề kinh doanh chính là xử lý, tái chế rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, bùn thải công nghiệp. Công ty mua bùn thải sau quá trình điện phân kẽm của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên, rồi nghiền nhỏ và nấu kết hợp với a-xít sun-phua-rích, xỉ kẽm để lọc lấy đồng sun-phát. Tháng 6-2011, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện công ty gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu phải tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, người dân địa phương vẫn thường xuyên phải ngửi loại khí có mùi khét nồng, nguồn nước trong ao tiếp tục bị ô nhiễm và không thể nuôi cá. Ông N.V.T ở thôn Nhữ Thị cho biết: “Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, công ty đã ngừng hoạt động nhưng chỉ được hơn 2 tháng mùi khét, tanh của khí thải đã xuất hiện trở lại, chủ yếu vào ban đêm. Lần gần đây nhất là đêm 3-12, mặc dù chúng tôi đã đóng kín cửa nhưng mùi khét vẫn len lỏi vào trong nhà, rất ngột ngạt. Gần 40 gia đình bị ảnh hưởng từ mùi tanh, khét mà xưởng tái chế đã thải ra”.
Anh Nguyễn Văn Duy ở thôn Nhữ Thị có 1,1 mẫu ao nuôi cá cạnh xưởng tái chế bùn thải. Từ khi xưởng đi vào hoạt động năm 2010 đến nay, gia đình anh đã 3 lần thả cá nhưng chưa một lần nào được thu hoạch. Anh Duy cho biết: “Tháng 11-2012, gia đình tôi đã gạn nước, hút bùn ở đáy ao, phơi khô trong 4 tháng và rắc vôi khử trùng. Sau khi thả cá được hơn 1 tháng, nước trong ao có màu trắng, sau đó chuyển dần sang màu đen, cá bị chết nổi lênh láng trên mặt nước. Đầu tháng 11 vừa qua thì cá trong ao bị chết gần như hoàn toàn, bốc mùi tanh, thối. Gia đình đã bỏ ra 200 triệu đồng mua cá giống, thức ăn nhưng không được thu hoạch”.
Nguồn nước sinh hoạt của người dân ở thôn An Đông và Nhữ Thị hiện nay vẫn lấy từ giếng khơi. Từ khi Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, hầu hết các gia đình đều hạn chế sử dụng nước giếng trong sinh hoạt mà phải tận dụng nguồn nước mưa. Trước đây, ao cá phía sau gia đình anh Tám là nơi để người dân địa phương lấy nước tưới rau, rửa chân tay hoặc các phụ huynh cho con em tập bơi. Đến nay, nước trong ao đã chuyển màu đen, thi thoảng có cá chết nổi lên, người dân không dám sử dụng. Mùi khét của khí thải cũng khiến nhiều gia đình phải gửi trẻ nhỏ ở nơi khác. Chị N.T.H ở thôn An Đông cho biết: “Có khi nửa đêm, gia đình tôi cũng phải đưa các con sang bên ngoại ở xã Tân Hồng vì mùi khét nồng không thể chịu được”.
Doanh nghiệp phủ nhậnÔng Nhữ Đình Hát, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: “Gần đây, xã cũng nhận được phản ánh của người dân về việc xưởng tái chế bùn thải của gia đình ông Nhữ Đình Tám hoạt động trở lại. Tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra nhưng không phát hiện dấu hiệu vi phạm. Trường hợp xưởng chỉ hoạt động vào ban đêm thì xã chưa nắm được”. Phóng viên Báo Hải Dương đã cùng ông Vũ Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa đến “mục sở thị” cơ sở sản xuất này. Một phần của xưởng đã chuyển thành trang trại nuôi lợn. Phần còn lại là lò nấu bùn thải và các bể chứa dung dịch vẫn chưa được xử lý. Vừa bước vào khu vực nấu bùn thải, chúng tôi đã thấy mùi tanh nồng rất khó chịu. Các thùng phuy và can đựng a-xít nằm la liệt trên nền gạch, trong đó có những thùng phuy vẫn còn chứa dung dịch. Các bể chứa vẫn lênh láng loại dung dịch màu đen lọc ra từ bùn thải. Một bể chứa dung dịch đã cạn nước nhưng tấm bạt xanh trải ở dưới đáy vẫn ướt và còn nguyên những vũng nước nhỏ màu đen. Ao nước bên cạnh xưởng có màu xanh, váng và sủi bọt. Ngay cạnh ao nước này là ao thả cá của gia đình anh Nguyễn Văn Duy. Khi mưa xuống, nước trong ao tràn ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước xung quanh.
Tháng 12-2011, Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh An Dương ngừng sản xuất, lãnh đạo công ty cũng rời khỏi địa phương. Tuy nhiên, nhà xưởng vẫn chưa được tháo dỡ và nguyên liệu sản xuất vẫn để ở đây. Anh Nhữ Đình Tính, con trai của ông Nhữ Đình Tám hiện đang quản lý xưởng sản xuất cho biết: “Xưởng hiện còn khoảng 100 m3 dung dịch được lọc ra từ bùn thải. Chúng tôi chủ yếu bơm lên bể và phơi khô cho dung dịch kết tinh thành chất rắn, sau đó đóng bao và chuyển đi. Hiện vẫn chưa có cách xử lý triệt để. Gia đình đã ngừng sản xuất sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng, chuyển sang chăn nuôi khoảng 200 con lợn”.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở xưởng của Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh An Dương.
Ngày 14-6-2011, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hải Dương, Công an huyện Bình Giang, Công an xã Thái Hòa kiểm tra, lấy mẫu nước thải tại Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh An Dương để thử nghiệm. Kết quả cho thấy, hàm lượng đồng trong nước thải chiếm 10,47 mg/l, vượt 5 lần mức cho phép; kẽm chiếm 253,3 mg/l, vượt trên 200 lần. Sau đó, tháng 12-2011, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang cho biết, doanh nghiệp này đã dừng sản xuất, tháo dỡ nhà xưởng và di dời đi nơi khác.
|
|
XUÂN NGÂN