Từ đầu năm đến nay, mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm sâu, nhưng giá nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ liên quan vẫn không giảm, hoặc giảm nhỏ giọt.
Các siêu thị vẫn niêm yết theo giá cũ mặc dù giá xăng dầu giảm sâu
Cước vận tải giảm "nhỏ giọt"Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng Ron 92 giảm 4 lần liên tiếp với tổng mức giảm 2.650 đồng/lít, tương ứng giảm 16%. Giá dầu diezen 0,05S giảm 3 lần với tổng mức giảm 2.400 đồng/lít, tương ứng giảm 20%. Vào thời điểm cuối năm 2015, khi giá xăng dầu giảm mạnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh, Sở Tài chính đã có văn bản triển khai đến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn đề nghị tính toán, điều chỉnh giá cước phù hợp với biến động giá nhiên liệu. Đến cuối tháng 1-2016, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh giảm giá cước về Sở Tài chính theo yêu cầu. Tuy nhiên, theo kê khai của các doanh nghiệp, mức giảm của các hãng taxi chỉ dao động từ 200-400 đồng/km, tương đương giảm khoảng 2 - 4%. Với việc giá dầu giảm từ 15 - 20%, giá cước vận tải phải giảm tương ứng từ 5 - 6% mới phù hợp. Từ thời điểm thực hiện kê khai gần nhất đến nay, giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu. Hiện tại, giá xăng dầu giảm gần 50% so với thời điểm đầu năm 2015. Vì vậy, Sở Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy định về quản lý cước vận tải, đồng thời thực hiện rà soát, tính toán lại chi phí, đặc biệt là chi phí về nhiên liệu để làm cơ sở xác định lại giá thành sản phẩm dịch vụ và thực hiện kê khai, điều chỉnh giảm giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng dầu như hiện nay. Đến hết ngày 2-3, mới có 14 trong tổng số 55 doanh nghiệp vận tải gửi phương án điều chỉnh cước về Sở Tài chính theo yêu cầu. Cũng như lần điều chỉnh trước, mức giảm lần này của các doanh nghiệp vận tải ở mức rất thấp, chỉ từ 300 - 500 đồng/km, tương ứng giảm từ 3 - 4%. Điều đáng nói là việc giảm cước hầu như chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp taxi, xe buýt tuyến cố định, còn các doanh nghiệp vận tải hàng hóa gần như vẫn giữ nguyên.
"Án binh bất động"Chị Nguyễn Thị Mai quê ở Thanh Hà hiện có 1 kios ở chợ đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), là đầu mối bán buôn hoa quả nhiều năm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Chị cho biết: "Mặc dù giá hoa quả giảm từ 20 - 30% so với thời điểm này năm ngoái, nhưng nguyên nhân không phải do giá xăng dầu giảm. Thông thường giá hoa quả được điều chỉnh căn cứ vào thời vụ và nhu cầu của thị trường. Đã thành quy luật, hoa quả đầu vụ, cuối vụ bao giờ cũng đắt hơn so với thời điểm chính vụ do nguồn cung hạn chế. Những loại hoa quả được vận chuyển từ miền Nam ra cũng ít phụ thuộc vào giá xăng dầu".
Tại chợ nông sản Gia Lộc, giá dưa hấu vận chuyển từ miền Nam ra đang có dấu hiệu tăng so với thời điểm sau Tết. Ông Đoàn Văn Huấn, đầu mối chuyên cung cấp dưa hấu cho nhiều đại lý hoa quả trong tỉnh cho biết: Dưa hấu loại ngon có giá 10.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; loại thường có giá 7.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với thời điểm cách nay 2 tuần. Thời tiết bắt đầu nắng ấm, nhu cầu tiêu thụ dưa hấu cao. Vì vậy, mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng giá do các đầu mối phía Nam ấn định nên giá bán tại chợ vẫn tăng.
Gạo là mặt hàng được tiêu thụ tương đối lớn nhưng giá cũng chưa có dấu hiệu giảm. Theo ông Nguyễn Xuân Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tuyên Du (Tứ Kỳ), giá các loại gạo vẫn tương đối ổn định. So với thời điểm trước Tết, giá gạo giảm nhẹ. Việc giá xăng dầu giảm cũng không tác động tới giá bán gạo. Thông thường, giá bán gạo tăng hay giảm phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Thời điểm sau Tết, lượng tiêu thụ gạo không tăng nên các đại lý buộc phải giảm giá bán để tăng lượng tiêu thụ. Ngoài ra, giá gạo còn phụ thuộc vào giá do các nhà cung cấp ấn định. Nếu nhà cung cấp ấn định giá cao, các đại lý gạo cũng không thể giảm giá bán.
Khảo sát một số siêu thị trên địa bàn TP Hải Dương như Intimex, BigC, Vinmart... chúng tôi thấy các mặt hàng ở đây vẫn được niêm yết theo giá cũ. Bà Vũ Thị Sen, Phó Giám đốc BigC Hải Dương cho biết giá cả của gần 22.000 mã hàng đang niêm yết tại BigC Hải Dương cơ bản ổn định. Sau khi giá xăng dầu giảm, BigC Hải Dương vẫn chưa điều chỉnh giá niêm yết do phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nếu nhà sản xuất không giảm giá bán, BigC cũng không thể giảm giá vì có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong kinh doanh. Chỉ có một số ít mặt hàng giảm theo chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất hoặc thực hiện chương trình bình ổn giá của Sở Công thương. Tại siêu thị Intimex Hải Dương, tình hình cũng tương tự như vậy. Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc siêu thị này cho biết giá xăng dầu giảm chưa tác động tới giá niêm yết các mặt hàng ở đây trừ một số mặt hàng giảm giá theo chương trình của nhà sản xuất. Do nhà cung cấp chưa giảm giá nên Intimex Hải Dương vẫn niêm yết theo giá cũ.
Giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, là cơ sở để giá cả hàng hóa giảm theo. Mặc dù khi giá xăng dầu liên tiếp giảm, cơ quan chức năng đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giảm giá các mặt hàng. Tuy nhiên, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại trên văn bản giấy tờ, vẫn còn thiếu một công cụ quản lý hiệu quả nên doanh nghiệp không thực hiện. Các nhà cung cấp lại cho rằng vì doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước nên việc giảm giá hàng hóa sẽ không thể thực hiện được. Các lý do nêu trên đều là ngụy biện. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những doanh nghiệp không thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm tạo công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
LÃ VỌNG