"Làn gió Thanh Bình" ở Hải Dương

24/10/2010 08:59

Ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương có một phụ nữ cũng tên là Thanh Bình. Bà được người dân trong tỉnh yêu quý gọi là “chị Bình 8-3”, “làn gió Thanh Bình” vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vinh danh.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 mới đây, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 Phụ nữ Hải Dương (gọi tắt là Trung tâm 8-3) Hoàng Thị Thanh Bình đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) trao tặng danh hiệu Phụ nữ VN tiêu biểu 2010. Ở Hải Dương, chuyện bà Bình và trung tâm dịch vụ việc làm do bà gây dựng được nhiều người xem là một kỳ tích. “Làm được điều gì tốt cho chị em thì vất vả mấy tôi cũng chịu được” – bà tâm sự.

Tay trắng làm nên

Đến Trung tâm 8-3 một ngày sau khi Giám đốc Hoàng Thị Thanh Bình được Hội LHPN VN vinh danh, chúng tôi đã thấy bà tất bật trong bộn bề công việc. Vùi đầu vào những kế hoạch việc làm, dạy nghề, đào tạo kỹ năng... cho chị em, 10 năm nay, bà luôn quần quật như vậy.

Đang làm Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm LĐLĐ Hải Dương, bà Bình chấp nhận thử thách khi đứng mũi chịu sào ở một trung tâm trợ giúp phụ nữ do Hội LHPN tỉnh mở cách đây 10 năm. Với hai bàn tay trắng và chút ít kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, việc làm, bà Bình lao vào công việc mới. “Tháng 6-2002, trung tâm được cấp 126 m2 nhà sắp sập để làm cơ sở vật chất ban đầu. Khi đó, tôi vừa là giám đốc vừa là nhân viên”- bà Bình nhớ lại.

Không chịu để khó khăn về vật chất bó buộc tư duy và tâm huyết giúp chị em, bà Bình quyết định bỏ tiền túi mua 30 máy may và mở lớp dạy nghề may. Bà sôi nổi kể về những ngày đầu gian khó: “Tôi nhận thấy phải có giáo viên đứng lớp, trung tâm mới hoạt động được. Chưa mở được lớp nhưng tôi đã quyết định tuyển 8 giáo viên các bộ môn tin học, ngoại ngữ, thêu móc...”. Đây có thể coi là một quyết định liều lĩnh của bà Bình bởi lúc đó, nhiều trung tâm dạy nghề còn phải đỏ mắt tìm học viên và hoạt động rất cầm chừng.

 Bà Hoàng Thị Thanh Bình thăm hỏi học viên một lớp dạy nghề của Trung tâm 8-3

Mở lớp rồi, bà Bình phải bươn chải đến các phường, xã để khảo sát tình hình việc làm và nghề phụ của lao động phụ nữ nông thôn. Bà nhận ra rằng phụ nữ chỉ sống dựa vào nghề nông thì không đói cũng rất nghèo. “Nghèo tới mức khi cần 1.000 đồng mua vở viết cho con cũng không có. Phải làm gì để họ thoát nghèo là suy nghĩ luôn thôi thúc khiến tôi thức trắng nhiều đêm”- bà Bình tâm sự.

Thêu móc là nghề phụ của ngành may mặc, khi đó các doanh nghiệp may có nhu cầu rất nhiều. “Tôi đã chứng minh cho lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thấy rằng thêu móc là con đường đưa chị em phụ nữ thoát nghèo hiệu quả”- bà Bình cho biết.

Vận động chị em học nghề, tìm đơn hàng để họ làm..., khi học viên ngày càng đông, bà Bình tiếp tục tìm hiểu nhu cầu thị trường để mở rộng sản xuất và đào tạo... Có những lúc thiếu giáo viên, bà còn tự mình đứng lớp.

Cái tên Thanh Bình bây giờ đã được chị em phụ nữ Hải Dương thuộc nằm lòng. Nhiều người yêu quý gọi bà là “chị Bình 8-3”, thậm chí có người còn xem bà như “làn gió thanh bình” thổi đến những cảnh đời nghèo khổ, khó khăn. Tuy nhiên, chuyện làm giàu cho mình và chị em từ hai bàn tay trắng của bà Bình không phải trải đầy hoa hồng.

Mô hình điểm cả nước

Mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tư vấn việc làm cho lao động nông thôn, bà Bình trực tiếp đưa nhân lực đến tận tay nhà tuyển dụng. Hồi đó, bà chỉ có chiếc xe máy cà tàng mà đã giúp được không biết bao nhiêu chị em có việc làm, nuôi sống gia đình.

Cùng một cộng sự, bà Bình đã đi khắp các khu công nghiệp, từ Hải Dương đến Hà Nội để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp rồi về tìm hướng đào tạo cho chị em. “Có giai đoạn cả tháng trời, ngày nào chúng tôi cũng đi tới 200 km, từ sáng sớm đến 24 giờ mới về đến nhà. Đi nhiều, giúp chúng tôi nhận ra rằng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp rất lớn, nguồn cung cũng nhiều nhưng lại thiếu người chắp nối hai điều này”- bà Bình phân tích.

Bà Bình trao tặng xe lăn cho trẻ khuyết tật

Sớm nhận thấy không thể sống mãi với thêu móc, bà Bình liền mở các lớp dạy thêu, mây tre đan, đính cườm..., thu hút nhiều lao động và tạo cho họ đời sống khá hơn hẳn chỉ trông chờ vào việc đồng áng.

Nhưng nếu chỉ với chừng đó thì Trung tâm 8-3 cũng chưa thể vượt ngoài tầm vóc một cơ quan môi giới việc làm của Hội LHPN tỉnh. Nhạy bén trong tư duy kinh tế, bà Bình đã hợp tác với những doanh nghiệp lớn trong việc đào tạo, đưa lao động nữ có kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài.

“Bà tiên” của trẻ khuyết tật

Trung tâm 8-3 và Giám đốc Hoàng Thị Thanh Bình không lúc nào sao nhãng nhiệm vụ chính là tạo việc làm, đào tạo nghề cho chị em phụ nữ với tinh thần thiện nguyện. Bà Bình chia sẻ: “Càng làm nhiều việc, tôi lại càng có thêm quan hệ và mạng lưới để hỗ trợ mục đích lớn nhất khi trung tâm ra đời”.

Bà Bình còn xây dựng Trung tâm 8-3 thành ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật. Bà mời giáo viên dạy nghề miễn phí cho con em phụ nữ khuyết tật, tạo công ăn việc làm rồi cho họ ở luôn trong khu ký túc xá của trung tâm. Những người dân ở xóm vạn chài nghèo khó tại Hải Dương cũng được bà đưa lên bờ, dạy chữ, dạy nghề. Với họ, bà Bình là một “bà tiên” nhân hậu.

Với tiếng vang tạo được, Trung tâm 8-3 đã gây ấn tượng với lãnh đạo tỉnh và Trung ương Hội LHPN VN. Bước ngoặt và thời cơ đã đến khi tỉnh nhà quyết định giao đất để xây dựng Trung tâm 8-3 thành một đơn vị quy mô, có khả năng trợ giúp hàng vạn lao động nông thôn trong tỉnh và vùng lân cận. Hội LHPN VN cũng quyết định chọn Trung tâm 8-3 làm mô hình kiểu mẫu cả nước.

Từ trung tâm với một giám đốc kiêm nhân viên, đến nay, bà Bình đã có trong tay 43 CB-CNV với nhiều phòng, ban chuyên nghiệp.

Làm gì cũng “mát tay”

Hàng ngàn lao động ở những vùng quê nghèo, thuần nông của tỉnh ta đã được Trung tâm 8-3 tạo cơ hội thay đổi cuộc sống nghèo khó. Đổi lại, nhiều lúc bà Bình lại bị những người xung quanh dè bỉu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Dù vậy, chỗ nào, việc gì có thể mang lại lợi ích cho phụ nữ là bà lao vào.

“Cuộc sống của chị em còn nhiều nỗi buồn, không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là tinh thần. Điều này thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó”- bà Bình bộc bạch. Năm 2003, thông qua Ban Điều phối viện trợ nhân dân (Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị VN), bà bắt tay viết dự án “Nâng cao kỹ năng phục vụ dịch vụ du lịch, phòng chống HIV/AIDS cho nhân viên nhà hàng - khách sạn”. Sau 7 năm, bà đã hợp tác với hàng chục tổ chức phi chính phủ trong những đề án thiết thực tương tự để trợ giúp phụ nữ.

Những mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế đã tập hợp được hàng trăm chị em. Ở thị xã Chí Linh, nhiều phụ nữ từng mặc cảm vì nhiễm HIV nhờ có Trung tâm 8-3 đã tập hợp lại dưới một mái nhà chung. Con em của phụ nữ nghèo ở nhiều vùng quê cũng nhận được những suất học bổng giá trị từ các tổ chức nước ngoài. Nhiều giấc mơ đã thành hiện thực với hàng trăm phụ nữ nhờ công sức của bà Bình.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Hội LHPN tỉnh cho biết, bà Bình  “làm gì cũng mát tay”. Tuy nhiên, bà cho rằng tất cả là nhờ được nhiều người yêu quý, nhất là chị em phụ nữ, đi đâu cũng được họ giúp nên việc gì dù khó mấy cũng có thể vượt qua.

Vinh danh 13 phụ nữ tiêu biểu

Giải thưởng Phụ nữ VN tiêu biểu năm 2010 vừa được Hội LHPN VN trao tặng cho 13 phụ nữ có thành tích đặc biệt xuất sắc nhân ngày Phụ nữ VN 20-10 vừa qua.

13 phụ nữ được vinh danh gồm: bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; bà Giàng Thị Mảy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa - Điện Biên; bà Trần Thị Loan, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty CP Lương thực Hà Nam; bà Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc DNTN Hoàng Nhâm - Lai Châu; bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May VN; bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trưởng Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ - Công an tỉnh Kiên Giang; bà Đồng Thị Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ánh Việt - Bình Định; bà Hoàng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Sơn La; TS Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp; bà Đinh Thị Gơi, nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện An Khê - Gia Lai và bà Hoàng Thị Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm 8-3 - Hải Dương.


(Nguồn: Nguoilaodong)
(0) Bình luận
"Làn gió Thanh Bình" ở Hải Dương