Không đơn thuần là người phục vụ, nhân viên quản lý, phụ trách phòng, nhiều nam thanh niên ở một số quán karaoke còn kiêm thêm nhiệm vụ bảo kê.
Đội ngũ này hằng đêm vẫn điều khiển đội hình “chân dài” với nhiều chiêu trò “móc túi” khách hàng.
Các tiếp viên nữ trong quán hát luôn phải chịu sự điều khiển của các “kền kền” để phục vụ kháchBên trong “bẫy”Từ lâu, tôi đã nghe nhóm thanh niên chạy xe ô tô tải kháo với nhau rằng dốc Mông qua xã Lê Ninh (Kinh Môn) là thiên đường ăn chơi về đêm với dịch vụ karaoke thư giãn. Là vùng đồi núi, cách xa trung tâm thành phố và huyện lỵ, giao thông đi lại còn khó khăn vì phải qua phà nên những quán karaoke ở đây càng trở nên bí hiểm, hấp dẫn cánh mày râu.
Một chiều cuối tháng 5, tôi nhận lời mời của K. (34 tuổi) là lái xe cho một công ty vận tải ở TP Hải Dương để tham dự bữa tiệc sinh nhật một người bạn. Sau khi đã ngà ngà say, đúng 19 giờ, đoàn chúng tôi gồm 7 người bắt đầu khởi hành. K. nhanh nhẹn đề xuất: “Hôm nay đổi gió đi xa một chút để thưởng thức hương đồng, gió nội xem thế nào, anh em nhỉ?”. Đáp lại, các thành viên đều nhất trí trong sự phấn khích. Mất hơn 1 giờ di chuyển bằng ô tô và chờ phà, chúng tôi đã có mặt ở dốc Mông. Con đường nhựa vắt qua sườn núi mờ tỏ những ánh đèn của các quán hát ven đường.
Xe dừng bánh, một nam thanh niên tự giới thiệu tên Tuấn, là nhân viên phục vụ đon đả chào mời chúng tôi. Khác hẳn với vẻ bề ngoài trang trí đơn giản, phía bên trong phòng hát được thiết kế như một quầy bar với hệ thống bàn ghế cao chạy dài theo 2 dãy. Phía trước là sân khấu với màn hình lớn và đầy đủ hệ thống đèn nháy hiện đại.
- Các anh dùng đồ uống gì ạ? Có hoa quả tráng miệng không anh? Em điều “nhân viên” nhé? - người thanh niên phục vụ hỏi dồn dập.
- Bia, mực khô, hoa quả thập cẩm và phải có cả “đào” nữa nhé - K. đáp.
Ra ngoài chừng 5 phút, người phục vụ quay trở lại với đội hình 7 nữ chân dài, trẻ, đẹp. Người bê bia, người bưng hoa quả, người thì xách những chiếc giỏ to bằng nửa cái bàn uống nước chứa đầy bim bim, khăn ướt, đậu phộng, bánh kẹo các loại… Tôi buột miệng thắc mắc: “Sao nhiều đồ thế?”. Tuấn mau miệng: “Các anh cứ dùng thoải mái. Hết bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Bọn em có bắt dùng hết đâu mà sợ”.
Không chỉ hưởng lợi từ việc móc túi khách hàng, nhân viên quản lý, nhân viên phục vụ còn có thể kiếm chác thêm từ việc cung ứng dịch vụ tiếp viên, gái gọi khi khách có yêu cầu. |
|
Sau khi đã ổn định vị trí, Tuấn xin phép giảm bớt đèn chiếu sáng để chương trình bắt đầu. Trước khi ra khỏi cửa, người này không quên nháy mắt với một cô gái như để nhắc nhở một điều gì đó!?
Khi bản nhạc vừa bắt đầu vang lên, màn "tung hứng” của các cô chân dài cũng bắt đầu. Từng chiếc khăn ướt, nước khoáng, nước ngọt, bim bim… được bóc ra la liệt. Các chai bia trên bàn được mở ra hết. Trong tiếng nhạc chát chúa, những thành viên trong nhóm của K. cũng lắc lư theo. Chốc chốc các tiếp viên nữ lại đứng dậy chuốc bia cho từng người.
Phía cửa ra vào phòng hát, thi thoảng cậu nhân viên phục vụ hồi nãy lại nhòm qua ô kính nhỏ để quan sát. Mỗi lần như vậy, các cô tiếp viên “biết ý” lại bóc đồ ăn hoặc gọi thêm cho mỗi người một cốc cam vắt, nước ép trái cây hay bất kỳ một thứ đồ uống gì mặc dù đồ ở trên bàn vẫn còn nguyên.
- Bọn anh có dùng mấy món kia đâu sao các em mở nhiều vậy? - tôi hỏi nhỏ một cô gái ngồi cạnh.
- Các anh không ăn thì chúng em ăn để có sức còn phục vụ các anh nữa chứ - cô gái nhẹ nhàng đáp.
Cứ như vậy chương trình văn nghệ kéo dài tới hơn 23 giờ đêm. Lúc này, K. yêu cầu dừng nhạc, thanh toán tiền để chuyển sang chương trình tiếp theo. Tất cả bóng điện trong phòng được bật lên. Trên bàn, dưới chân chúng tôi tràn ngập đủ các loại rác. Trên tay cầm quyển sổ nhỏ, Tuấn bắt đầu kiểm đồ.
- 4 tiếng hát, 5 thùng bia, 22 chai nước suối, 10 cốc nước cam, đồ ăn, hoa quả… của các anh hết 8,5 triệu đồng - Tuấn thông báo.
Lúc này, tất cả các thành viên dù đã khá say nhưng đều phải giật mình bừng tỉnh. Bởi vì làm sao mà nhóm họ có thể dùng hết một “núi đồ” như vậy? Ai nấy đều ngơ ngác vì với số tiền phải thanh toán khá lớn. Với số tiền này, họ sẽ có 2-3 buổi hát thoải mái tại các quán karaoke gia đình trên thành phố. Tuy vậy, không ai dám thắc mắc vì đã quá mệt hoặc ngán ngẩm. Họ đành ngậm ngùi rời quán mặc dù trong lòng ai cũng biết mình đã “sập bẫy”.
Mánh khóe và sự trả giá
Các quán karaoke thường sử dụng những hóa đơn như thế này để thanh toán với khách
nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng
Dù là một dân chơi sành sỏi nhưng K. phải thừa nhận với tôi rằng chưa bao giờ anh và các bạn bị móc túi “đau” như vậy. Cũng theo lời K. chia sẻ thì các quán hát đều có nhiều mánh khóe để móc tiền khách hàng. Cầm đầu những thủ đoạn này chính là những nhân viên phục vụ kiêm bảo kê quán.
Nguyễn Xuân V. (30 tuổi) quê ở huyện Nam Sách đã từng làm quản lý cho một quán karaoke ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: “Kiểu làm ăn chộp giật để móc túi khách hàng là chuyện thường ngày tại những quán karaoke đèn mờ, quán hát xa trung tâm vì ở đây vắng khách và đối với những khách đến đây thì hát chỉ là cái cớ. Còn tại những quán hát giải trí lành mạnh thì không bao giờ có hiện tượng này”.
Theo tìm hiểu, tiền hát bao gồm các dịch vụ: hát, đồ uống, đồ ăn vặt, thuốc lá… Hóa đơn được tính trên tổng số dịch vụ khách hàng sử dụng thực tế. Nếu có nhân viên phục vụ bia và hát thì sẽ tính gộp với giá từ 100.000-200.000 đồng/người/tiếng. Tuy nhiên, một số quán hát do buông lỏng quản lý để nhân viên quản lý câu kết với tiếp viên móc túi khách hàng bằng nhiều chiêu trò. Phổ biến và dễ lừa nhất là những khách hàng nam giới. Khi đã say khướt, nhân viên sẽ yêu cầu tiếp viên bóc, mở thật nhiều đồ ăn, gọi nhiều đồ uống. Thậm chí, họ trà trộn cả vỏ bia đã sử dụng vào két bia mới để mời khách. Đến khi khách say thì không thể biết được mình đã uống bao nhiêu chai.
Một trong những ngón nghề hiệu quả nhất là nâng giá đồ ăn, uống. Ví dụ: một chai bia Sài Gòn thường được bán với giá 15.000 đồng. Nhưng một số nhân viên đã tự ý nâng giá lên thành 20.000-30.000 đồng/chai. Như vậy, số tiền mà nhân viên hưởng lợi sau một đêm hát sẽ khó có thể tính nổi. Số tiền này sẽ được nhân viên phục vụ và tiếp viên chia theo tỷ lệ 50-50 hoặc 40-60 tùy theo thỏa thuận.
Không chỉ hưởng lợi từ việc móc túi khách hàng, nhân viên quản lý, nhân viên phục vụ còn có thể kiếm chác thêm từ việc cung ứng dịch vụ tiếp viên, gái gọi khi khách có yêu cầu. Để làm được việc này, họ phải là đệ tử ruột của chủ quán hoặc đối tượng bảo kê cài cắm vào.
Sau 5 năm vừa làm nhân viên phòng, vừa bảo kê tiếp viên cho một quán hát ở TP Hải Dương, Nghiệp (30 tuổi) thừa kinh nghiệm để biết hết những mánh khóe này. Theo lời Nghiệp, những cô tiếp viên muốn phục vụ khách đều phải được sự đồng ý hoặc được nhân viên điều qua điện thoại. Một giờ hát, tiếp viên phải chi cho những đối tượng này từ 30.000-50.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu khác, được chi thêm, tiếp viên phải chi cho họ 1/3 số tiền được hưởng. Nếu không thực hiện, các cô tiếp viên, gái phòng hát sẽ không có khách hoặc không được phép hoạt động trên địa bàn của quán. Trường hợp không nghe lời sẽ bị xử theo “luật riêng”.
Môi trường làm việc phức tạp, luôn phải tiếp xúc với những tệ nạn xã hội và cạm bẫy khiến nhân viên làm nghề này không mấy ai trụ được lâu. Đã có trường hợp phải trả giá cho việc mình làm.
Nghiệp tâm sự: “Chủ quán, dân xã hội và ngay cả đội ngũ tiếp viên vẫn chỉ coi những người như chúng tôi là kền kền ăn xác thối". Bởi vì muốn làm việc thì họ phải phục tùng theo chỉ thị của chủ. Họ phải theo dõi, quản lý mọi hoạt động của tiếp viên để thu tiền, một phần họ hưởng, một phần nộp lại cho chủ. Nhiều người từ hiền lành đã trở thành tay sai, trợ thủ đắc lực cho các ông trùm.
Nghiệp vẫn nhớ về trường hợp của một người em tên là Văn, cùng quê. 3 năm trước, lúc ấy Văn mới 21 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Văn phải lên thành phố để làm thuê kiếm sống. Cậu xin vào làm nhân viên phục vụ phòng cho một quán hát. Ở đây, cậu được yêu cầu điều tiết hoạt động của nữ tiếp viên hát. Không chỉ vậy, khi khách có nhu cầu “bay”, Văn cũng là người nhập ma túy cho khách sử dụng. Một thời gian sau, Văn được chủ quán và nhân viên tin tưởng vì cậu rất được việc. Kiếm tiền dễ dàng, lại gần gũi môi trường ăn chơi thác loạn đã khiến Văn rơi vào chính vòng xoáy ấy. Văn đã cặp kè với một tiếp viên hơn mình đến 5 tuổi. Rồi chẳng bao lâu cậu dính vào nghiện ngập. Số tiền kiếm được một ngày cũng không đủ chi trả cho các cuộc thác loạn với nhóm bạn bè. Vì vậy, Văn đã phải vay nợ của giới giang hồ. Số tiền lãi ngày một cao, không có khả năng chi trả, Văn và người tình phải trốn đi biệt tích đến nay vẫn không rõ nơi ở, để lại nỗi đau và gánh nặng trả nợ cho gia đình. Có lẽ vì nguyên nhân này mà Nghiệp cũng quyết định từ bỏ công việc của mình, trở về quê làm thuê cho một nhà hàng ăn uống.
ĐỨC TÂM