"Hiệp sĩ giao thông"

19/11/2012 10:17

Bà Đào Thị Liên (63 tuổi, ở xã Phúc Thành, Kim Thành) đã cùng người thân trong gia đình cứu giúp nhiều nạn nhân TNGT vượt qua "lưỡi hái tử thần".



Bà Liên lúc nào cũng sẵn sàng cứu hộ giao thông


Đã nhiều năm nay, mỗi khi thấy tai nạn giao thông (TNGT) ở ngã tư trên quốc lộ 5 đoạn qua xã Phúc Thành (Kim Thành) là bà lại cùng con, cháu đem bông, băng, nẹp, cáng ra để sơ cứu, băng bó vết thương cho nạn nhân. Bà Đào Thị Liên, 63 tuổi đã cùng người thân trong gia đình cứu giúp nhiều nạn nhân TNGT vượt qua "lưỡi hái tử thần". Nhiều người dân thôn Dưỡng Thái Trung gọi bà là "Hiệp sĩ giao thông".

Bà Liên cứu hộ


Chúng tôi đến thăm bà Liên giữa lúc bà đang lau rửa chiếc cáng vẫn thường dùng để đưa nạn nhân bị TNGT đi cấp cứu. Bà kể: "Cách đây vài hôm, cháu Phạm Minh Châu, 15 tuổi, học sinh Trường THPT Kim Thành bị ô-tô đâm gẫy xương đùi, vỡ xương chậu bà cháu tôi băng bó, sơ cứu vết thương, dùng chiếc cáng này để đưa vào bệnh viện. Vì thế chiếc cáng vẫn còn dính máu, do bận nhiều việc nên hôm nay tôi mới có thời gian lau rửa để còn phục vụ cho công việc".

Được biết, bà là y sĩ làm việc ở Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành từ năm 1971 đến năm 2011 thì về nghỉ hưu. Do từng làm việc và tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị TNGT nên bà Liên đã thấu hiểu và cảm thông với những mất mát mà các nạn nhân gặp phải. Có một điều khiến cho bà trăn trở là do không được sơ cứu kịp thời hoặc băng bó đúng cách nên vết thương của không ít nạn nhân bị TNGT lẽ ra đơn giản nhưng lại rất nghiêm trọng. "Bác còn nhớ lần đầu tiên bác cứu giúp người bị TNGT là bao giờ không?" - Tôi hỏi. "Thực sự tôi không thể nhớ được, bởi ngày đó tôi còn rất trẻ. Từ năm 1971, sau khi vào làm việc tại bệnh viện, mỗi khi đi ra đường hễ gặp TNGT là tôi luôn dừng lại để giúp đỡ họ băng bó vết thương, sơ cứu tạm thời cho họ. Năm 1980, vợ chồng tôi chuyển nhà ra ven quốc lộ 5 thì công việc cứu hộ, giúp nạn nhân bị TNGT diễn ra thường xuyên hơn. Năm 2006, Hội liên hiệp đoàn Y tế quốc tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chọn gia đình tôi làm “Trạm sơ cứu tai nạn” để tiến hành “Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ - cấp cứu TNGT quốc lộ 5”. Từ đây, công việc cứu hộ, cứu nạn giao thông của bà Liên được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn.

Có nhiều nạn nhân bị TNGT đã được bà Liên cứu giúp nhưng bà Liên nhớ nhất vụ TNGT giữa xe máy của anh Ngô Văn Khiêm (35 tuổi, ở An Dương, TP Hải Phòng) và một xe máy khác. Bà kể: " Khoảng tháng 8-2008, có vụ tai nạn xảy ra vào hồi 23 giờ 30. Khi thấy có tai nạn, tôi cùng con trai chạy ra thì anh Khiêm đã bất tỉnh, đầu chảy máu. Tôi đã tiến hành sơ cứu, hô hấp nhân tạo để anh Khiêm tỉnh lại. Nhưng sau đó khoảng 1 giờ, anh Khiêm liên tục bị nôn. Tôi đã quyết định cùng con trai thuê xe ô-tô chở anh ấy về Hải Phòng. Nhưng khi đến nơi người nhà anh ấy lại cho rằng, chúng tôi gây ra tai nạn nên đòi giữ xe và chúng tôi lại. Tôi bảo rằng, bây giờ gia đình hãy đưa anh ấy đi cấp cứu, còn tài sản, xe máy chúng tôi vẫn giữ hộ ở nhà. Hôm nào, gia đình lên nhận lại". Hay như vụ anh Nguyễn Khắc H. nhiễm HIV ở thị trấn Phú Thái bị ô-tô đâm gãy xương chân, cứ đòi ra khỏi viện và bắt bố mẹ phải đưa đến để bà Liên chăm sóc. Biết H. có HIV, bà Liên phải mua những dụng cụ y tế riêng, bảo đảm an toàn để giúp H. chữa trị vết thương. Nhờ có sự tận tình của bà Liên mà H. đã không bị mất đi đôi chân.

Còn sức khỏe thì còn làm

Khu vực ngã tư trên quốc lộ 5 đoạn qua xã Phúc Thành là địa bàn rất phức tạp về giao thông. Bởi đây là một trong những cửa ngõ chính vào thị trấn Phú Thái, nằm sát đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, mỗi khi có tàu chạy qua, các phương tiện tham gia giao thông như ô-tô, xe máy, xe đạp đỗ kín một đoạn trên quốc lộ 5. Cùng với đó, vào giờ cao điểm, học sinh ở 3 trường học từ thị trấn ùa ra càng làm cho tình hình giao thông vô cùng phức tạp. Lật giở 2 quyển sổ mà bà Liên cẩn thận ghi lại tên tuổi, địa chỉ, mức độ tai nạn từ năm 2006, tôi đếm được 349 vụ TNGT mà bà đã từng sơ cứu cho nạn nhân. Không chỉ có bà, con trai, cháu gái mà bà còn kêu gọi được 7 người xe ôm, 14 hộ ở xóm vào đội cứu hộ. Do đó, mỗi khi có tai nạn là họ lại cùng bà cứu giúp nạn nhân.

Lương hưu hằng tháng chỉ có 2,4 triệu đồng, hằng ngày, bà phải tranh thủ đi chăm sóc y tế cho các bệnh nhân khi có yêu cầu để có thêm thu nhập. Cũng có nạn nhân sau khi khỏi vết thương tìm về cảm ơn và biếu quà nhưng bà nhất quyết không nhận. Bà Liên kể: "Có lần có người ở xóm nói với tôi, sao người ta làm bác sĩ ai cũng giàu mà bà thì không giàu mà lại suốt ngày làm việc không công? Tôi chỉ nói, cứu giúp được người là việc làm tốt, giàu nghèo quan trọng gì. Ngay từ khi bắt đầu học ngành y, tôi đã được các thầy dạy về y đức. Đặc biệt là khắc cốt ghi tâm và làm theo lời bác Hồ đã dạy: Lương y như từ mẫu. Vì vậy, khi nào còn sức khỏe thì tôi còn làm công việc này.

Ghi nhận và đánh giá cao những việc bà Liên đã và đang làm, vừa qua, tại Chương trình ToTal Hiệp sĩ giao thông, bà Liên đã vinh dự được trao tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông". Ngày 24 - 8 vừa qua, bà được về Thủ đô Hà Nội dự lễ tuyên dương và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong chương trình "Những tấm gương quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm an toàn giao thông" do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức.    

VŨ ÚY

(0) Bình luận
"Hiệp sĩ giao thông"