"Đại gia chân đất"

29/01/2012 10:09

"Đại gia chân đất" sẽ tiếp tục gắn bó đời mình với đất, biến những hòn đất trở thành vật liệu xây dựng các công trình.


Anh Đinh Văn Ngoãn (trái) kiểm tra gạch mộc trước khi đưa vào lò sấy

Tiếp tôi trong căn phòng giám đốc chừng 40 m2, anh Ngoãn bắt đầu câu chuyện cách đây 16 năm khi mới lập nghiệp và biệt danh hoàn toàn với nghĩa đen "đại gia chân đất" mà bạn bè quý mến đặt cho anh cũng bắt đầu từ đây.
Tình cờ gặp lại sau hơn 10 năm nhưng anh Đinh Văn Ngoãn không già đi nhiều so với cái tuổi gần ngũ tuần. Vẫn chiếc quần thô lấm tấm đất, chiếc áo sơ mi cũ, anh Ngoãn khoe: giờ khác rồi, không còn cảnh nằm bờ sông bãi sú làm gạch thủ công ở bến Hàn như trước.
Năm 1995, kinh tế gia đình khó khăn, nhà lại đông anh em nên anh Ngoãn vay ngân hàng 50 triệu đồng, đấu thầu một bãi đất ngoài đê khu vực bến Hàn (TP Hải Dương), mua sắm máy móc, xây lò để sản xuất gạch thủ công. Do chưa có kinh nghiệm nên vài mẻ đầu gạch chỗ non, chỗ cháy, không bán được, thua lỗ triền miên, vốn ngày một cụt dần. Có những hôm, chỉ sau một đêm mưa to cộng với thủy triều lên, sáng ra nước ngập trắng bãi sông, hàng chục vạn gạch mộc đổ sập, than bị nước cuốn trôi... Lúc đó tuyệt vọng vô cùng, nhưng khoản nợ phải trả cộng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc anh vượt lên. Để rồi, sau 7 năm (từ 1995-2002), anh Ngoãn không những trả được nợ vay ngân hàng mà còn lãi gần 1 tỷ đồng. Đây là số vốn không nhỏ để anh bắt đầu chuyển sang làm gạch theo công nghệ hiện đại. "Tuy có kinh tế nhưng làm cái nghề này cực lắm, thời gian ở bãi sông nhiều hơn ở nhà. Có giày dép, quần áo đẹp cũng không có lúc nào để diện, suốt ngày quần xắn đến đầu gối, làm bạn với đất, với than... là chính", anh Ngoãn chia sẻ.

Năm 2002, tỉnh cấm lò gạch thủ công. Trong khi phần lớn những người khác chuyển sang sản xuất gạch liên tục kiểu đứng, chi phí thấp hơn thì anh Ngoãn lại táo bạo vay ngân hàng hơn 6 tỷ đồng, cộng với số tiền dành dụm được, đầu tư 7,2 tỷ đồng mua lại mặt bằng rộng 4,3 ha của Công ty Giày da Tất Thắng đóng trên địa bàn xã An Châu để xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ tuy-nen. Dây chuyền có công suất 17 triệu viên/năm, cho ra các sản phẩm gạch đặc, 2 lỗ, 4 lỗ, gạch lát các loại... Để đi đến quyết định vào thời điểm mà trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một nhà máy theo công nghệ này, anh Ngoãn phải mất hơn 1 tháng tìm hiểu. Qua "mục sở thị", anh thấy công nghệ gạch tuy-nen có nhiều ưu điểm nổi bật như có thể sản xuất quanh năm, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mọi công đoạn sản xuất đều được thực hiện hoàn toàn trong nhà xưởng. Lò tuy-nen đốt liên tục, giúp nâng cao chất lượng cũng như số lượng sản phẩm. Sử dụng công nghệ nung tuy-nen, gạch ra lò không còn nóng, cơ bản triệt tiêu độ nóng độc. Than đốt lò cháy hoàn toàn, khói được xử lý qua nước vôi nên giảm 80-90% lượng khí CO2 thải ra gây tác hại cho môi trường. "Là một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nen đầu tiên của tỉnh nên thuận lợi là sản phẩm làm ra ít phải cạnh tranh nhưng lại gặp khó khăn do chưa chiếm được thị hiếu người tiêu dùng. Phải mất hơn 1 năm, người dân mới bắt đầu sử dụng gạch tuy-nen bởi họ vốn quen sử dụng gạch nung thủ công, giá rẻ hơn. Ngày đó, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bán cho các công trình lớn và tỉnh ngoài", anh Ngoãn cho biết.

Song song với tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh Ngoãn liên tục tìm tòi cải tiến công nghệ, cộng với kinh nghiệm rút ra từ những thất bại sau nhiều năm lăn lộn với nghề để cho ra lò những sản phẩm chất lượng ngày càng cao. Theo anh Ngoãn, khâu lựa chọn đất nguyên liệu quyết định đến chất lượng sản phẩm. Ngày đầu mới làm, gạch lúc ra lò rất đẹp nhưng khi đưa vào sử dụng, khách hàng phàn nàn vì vỡ nhiều. Qua tìm hiểu, "thủ phạm" là vỏ hến, vẹm lẫn trong đất. Khi nung, tạp chất sẽ chuyển thành vôi, gặp nước nở ra làm gạch vỡ. Chọn đất pha cát đúng tỷ lệ sẽ bảo đảm chất lượng gạch lại không tốn than. "Nếu đất nhiều cát, chất lượng gạch thấp, nhưng ít cát lại tốn than... Bây giờ chỉ cần nhìn bằng mắt thường là tôi biết chất lượng nhưng ngày đầu phải xắn quần đến đầu gối, dùng chân trần dẫm để kiểm tra chất lượng đất", anh Ngoãn chia sẻ kinh nghiệm. Chính vì thế, khi có mặt trên thị trường, các loại sản phẩm của Công ty TNHH Ngọc Vũ nhanh chóng được khách hàng tín nhiệm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng ra hầu hết các huyện trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh... Từ năm 2003 đến 2010, bình quân mỗi năm, Công ty TNHH Ngọc Vũ sản xuất và tiêu thụ 15 triệu viên gạch tuy-nen, doanh thu đạt 13 tỷ đồng, lãi ròng gần 1 tỷ đồng.

Năm 2011, Công ty TNHH Ngọc Vũ đối mặt với nhiều thách thức bởi kinh tế trong nước khó khăn, nhiều công trình tạm dừng xây dựng, kéo theo sản phẩm tiêu thụ chậm. Anh Ngoãn cho biết, so với năm 2010, năm nay giá gạch "đội" gần 15% do lãi suất ngân hàng tăng khoảng 9%/năm; giá đất nguyên liệu, than tăng trên 20%; lương công nhân tăng 10%; điện, giá thuê mặt bằng... đều tăng.
"Tuy có kinh tế nhưng làm nghề này cực lắm, thời gian ở bãi sông nhiều hơn ở nhà. Có giày dép, có quần áo đẹp cũng không có lúc nào để diện, suốt ngày quần xắn đến đầu gối, làm bạn với đất, với than... là chính."


Để trụ vững, giám đốc Đinh Văn Ngoãn đã tìm giải pháp về công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu bằng cách trộn thêm xỉ thải mua từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đồng thời giảm một nửa tỷ lệ than trong hỗn hợp để sản xuất gạch mà vẫn bảo đảm chất lượng. Với thành công này, mỗi tháng, công ty tiết kiệm được hơn 300 tấn than. Trừ chênh lệch giữa giá đất với xỉ thải, mỗi tháng, công ty tiết kiệm được gần 100 triệu đồng. Đây là cơ sở để công ty giảm giá bán 25%, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Vượt qua khó khăn, trong 11 tháng đầu năm 2011, Công ty TNHH Ngọc Vũ vẫn sản xuất và tiêu thụ gần 14 triệu viên gạch quy chuẩn các loại, bằng cùng kỳ năm trước; doanh thu ước đạt gần 10 tỷ đồng, bằng gần 70% kế hoạch năm..

"Đại gia chân đất" sẽ tiếp tục gắn bó đời mình với đất, biến những hòn đất trở thành vật liệu xây dựng các công trình.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Đại gia chân đất"