"Cháy" vé máy bay, tàu hỏa chỉ còn ghế phụ

13/01/2016 16:11

Các chuyến bay hầu hết đã cháy vé ngày bay cao điểm, trong khi vé tàu hỏa chỉ còn ghế phụ…


N
hu cầu đi lại dịp Tết của người dân rất cao, cầu vượt quá cung. Ảnh minh họa


Cháy vé máy bay Tết 2016

Tính đến thời điểm hiện tại, cả 3 hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air) đã tăng thêm khoảng 2.000 chuyến bay tăng cường với gần 400.000 vé máy bay Tết Bính Thân 2016. Thế nhưng lượng vé máy bay tăng cường vừa được mở bán gần như đã “cháy vé” chỉ sau một thời gian ngắn.

Jetstar Pacific là hãng hàng không đầu tiên thông báo kế hoạch tăng tải. Theo đó dịp cuối tháng 12-2015 hãng thông báo tăng tải trên 12 đường bay nội địa trong giai đoạn từ 22-1 đến 8-3-2016, nâng tổng tải cung ứng trong dịp Tết Bính Thân lên khoảng 700.000 chỗ.

Ngay sau đó ngày 5-1-2016, hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng thông báo tăng tải. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 26-1-2016 đến ngày 24-2-2016 (tức từ ngày 25 tháng Chạp đến 24 tháng Giêng Âm lịch) hãng này tăng 800 chuyến bay một chiều trên các hành trình nội địa và quốc tế, tương ứng 136.000 chỗ trên 22 đường bay, nâng tổng số ghế cung ứng trong dịp cao điểm Tết lên gần 2,1 triệu chỗ.

Hai ngày sau, ngày 7-1-2016, VietJet Air cũng thông báo kế hoạch tăng tải. Trong giai đoạn cao điểm tết từ 20-1-2016 đến 20-2-2016 (tức 11 tháng Chạp đến 13 tháng Giêng âm lịch) hãng VietJet Air tăng cường hơn 800 chuyến bay và cung ứng thêm 150.000 vé máy bay Tết cho người dân.

Tính tới thời điểm này mặc dù cả 3 hãng hàng không đã tăng tải khá lớn nhưng hiện các chuyến bay hầu hết đã cháy vé ngày bay cao điểm hoặc chỉ còn vé hạng thương gia. Ví dụ trên đường bay cao điểm TPHCM đi Hà Nội dịp Tết Bính Thân 2016, hạng vé tiết kiệm thông thường của VietJet Air, giá rẻ nhất trong ngày 28 Tết đã lên tới 3.052.000 đồng/1 chiều (giá vé đã bao gồm thuế phí).

Theo đại diện một hãng hàng không chia sẻ, lý do vé máy bay Tết Nguyên Đán quá đắt dù các hãng không công bố bán vé từ rất sớm là do nhu cầu đi lại dịp Tết của người dân rất cao, cầu vượt quá cung. Thực tế việc mua vé máy bay Tết sớm là để chọn ngày bay, lịch trình bay dịp Tết tốt hơn, chứ không có nghĩa giá vé sẽ rẻ hơn.

Trong khi đó, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội cho biết vé tàu Tết ngày cao điểm từ 3 đến 6-2 và 12 đến 14-2 đã bán hết, chỉ còn ghế phụ đi các chặng lẻ. Còn theo Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện đã bán được khoảng 98% vé tàu Tết, số chỗ còn lại tập trung chủ yếu ở ghế phụ vào các ngày ít cao điểm hơn như 29 đến 31-1.

Công khai danh tính nhà xe chưa giảm giá cước

Những ngày cao điểm phục vụ Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều nhà xe tại TPHCM đã áp dụng mức phụ thu (tăng giá vé) tối đa 60%, trong khi lập lờ, chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí không giảm giá cước tương ứng theo giá xăng dầu.

Để thu hút xe tăng cường, bù đắp chiều chạy “rỗng” khi phải nhanh chóng đưa xe về TPHCM đón khách, đa số các nhà xe áp dụng mức phụ thu từ 20-60% tùy thời điểm. Ví dụ, các tuyến từ Huế trở ra Bắc phụ thu 20% từ ngày 12 đến hết ngày 16 tháng chạp; phụ thu 40% từ ngày 17 đến ngày 19 tháng chạp và từ mồng 1 đến hết mồng 3 Tết. Từ ngày 20 đến 29 tháng chạp, các nhà xe phụ thu tối đa 60% giá vé.

Bến xe miền Đông hiện có 217 nhà xe đang đăng ký hoạt động nhưng đến nay mới có khoảng 30 doanh nghiệp gửi thông báo đã kê khai giảm giá vé theo giá xăng dầu với mức giảm từ 2-3% (tùy theo tuyến) và được áp dụng cho vé đi ngày thường. Gần 200 doanh nghiệp còn lại vẫn án binh bất động. Trong khi đó, tại bến đã có khoảng 40 đơn vị mở bán vé xe Tết.

Trước tình hình đó, Sở Tài chính TPHCM đã có hai văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xem xét lại cơ cấu giá thành, sự tác động của giá xăng, dầu trong các lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu gần nhất đến giá cước vận tải so với lần đăng ký liền kề để điều chỉnh, kê khai lại trước ngày 8-1 nhằm thực hiện chủ trương bình ổn giá, kiểm soát lạm phát. Và Sở Tài chính TPHCM công khai danh tính các đơn vị kinh doanh taxi, vận tải hành khách chưa kê khai giảm giá cước.

Xe khách Hà Nội tăng chuyến

Theo Công ty CP bến xe Hà Nội, dự kiến lượng khách đi lại vào dịp Tết Nguyên đán (cao điểm từ 29-1 đến 6-2 và 10 ngày sau Tết) sẽ tăng khoảng 30-50% so với ngày thường. Hiện tại, hệ số trọng tải phương tiện vận tải tại các bến mới đạt bình quân khoảng 50% nên vẫn đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm, nhưng về cơ bản do lượng xe dự phòng nhiều nên vẫn vận chuyển được hết khách trong ngày.

Đại diện Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết đến nay chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá vé Tết. Hiện tại do giá xăng dầu giảm mạnh, nên một số nhà xe đã đăng ký giảm giá trong tháng 12 với mức giảm từ 3-13%, tập trung chủ yếu tại các tuyến đi Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình...

Theo VGP

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cháy" vé máy bay, tàu hỏa chỉ còn ghế phụ