"Cánh vạc" chợ đêm

22/02/2014 03:37

Các tiểu thương buôn bán nông sản ở chợ Phú Yên (TP Hải Dương) hằng đêm vẫn cần mẫn mưu sinh...



Gia đình chị Nguyễn Thị Chiến thường xuyên chở rau từ Bắc Giang về bán ở chợ đêm Phú Yên (TP Hải Dương)


Như những cánh cò gầy guộc mà chịu thương chịu khó, các tiểu thương buôn bán nông sản ở chợ Phú Yên (TP Hải Dương) hằng đêm vẫn cần mẫn đi về không kể đông hè. Họ ra khỏi nhà từ lúc chưa đến nửa đêm, đến 7-8 giờ sáng mới tất tả sắp xếp hàng hóa trở về nhà.

Chợ đêm Phú Yên họp từ nửa đêm đến sáng, không khí khá nhộn nhịp. Dù những ngày sau Tết, trời rét cắt da cắt thịt, không khí lạnh len vào từng cổ áo, tay áo nhưng ai nấy đều thoăn thoắt cân đong, bó hàng. Người bán hàng thường ở tận huyện Thanh Hà, Kim Thành hoặc từ tỉnh khác đến, họ tranh thủ đi từ nửa đêm để đến kịp buổi chợ. Bởi đến 7-8 giờ sáng, dù còn hay hết hàng, họ đều phải dọn hàng để trả chỗ cho những hộ kinh doanh cố định. Không chỉ họp ở trong chợ, các tiểu thương còn bán hàng tại các phố quanh chợ như Ngân Sơn, Bùi Thị Cúc... Ông Nguyễn Xuân Bộ, Đội trưởng Đội quản lý chợ Phú Yên cho biết, khách hàng của chợ đêm chủ yếu là tiểu thương của các chợ trong thành phố, ước tính lượng nông sản tiêu thụ mỗi đêm khoảng vài chục tấn.

Vừa thoăn thoắt cân hành bán cho khách, chị Nguyễn Thị Chiến ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa trò chuyện với tôi. Ngày nào cũng như ngày nào, khoảng 9 giờ đêm hai vợ chồng chị và người anh chồng lại lên chiếc xe tải loại nhỏ đi chợ. Chiếc xe này do hai gia đình mua chung để làm phương tiện vận chuyển. Tranh thủ ngủ trên xe được gần 2 tiếng suốt quãng đường 60 km, khoảng 11 giờ đến nơi, 3 người bắt đầu dọn hàng ra bán. Nửa đêm ít khách, có lúc chị trông hàng cho hai anh em ngủ, lúc thì ngược lại. Đến tầm 1-2 giờ sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp, cả ba người cùng thức để cân đo, bán hàng, gói hàng cho khách. Chị tâm sự: “Vất vả lắm em ạ. Mỗi buổi chợ bán 7-8 tạ hành, hôm nào thuận lợi thì được hơn 1 tấn. Tính ra mỗi người chỉ thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Ban ngày thì tranh thủ làm ruộng, làm màu, được ngủ có 1-2 tiếng buổi trưa. Đến chiều lại thu hoạch với thu mua hàng, mang về đóng hàng để tối kịp đi chợ. Làm quần quật ngày đêm mà cũng chỉ đủ nuôi hai đứa con ăn học với lo việc hiếu, hỷ thôi”.

“Ăn mùi đi chị. Già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng. Đúng mười nghìn một cân. Hàng hôi thì bán rẻ được chứ hàng thơm làm sao rẻ được. Chín nghìn chín cũng không bán!” - anh Đỗ Quang Điểm ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) chào hàng. Mùa nào thức nấy, hai vợ chồng anh Điểm vừa làm ruộng, vừa đi chợ, thu nhập từ việc buôn bán khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, nếu dè sẻn cũng đủ chi tiêu và nuôi con trai đang học đại học.

Chị Nguyễn Thị Hải ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) buôn bán ở chợ này đã được gần chục năm nay. Hai vợ chồng chị trồng 8 sào rau màu. Bất kể ngày mưa hay rét, cứ 11 rưỡi đêm, chị bắt đầu chất từ 1-3 tạ rau củ của nhà trồng và mua thêm lên chiếc xe máy cà tàng, vượt 21 km đến chợ. “Mưa gió cũng đi, bão đổ cây cũng đi, vì đóng hàng xong từ chiều rồi, không đi thì lấy gì nuôi con?” Đã mấy năm nay chị không được ăn bữa cơm trưa nào với các con. Có hôm đi đường buồn ngủ, chị chạy xe lấn đường, bị cảnh sát giao thông phạt 100 nghìn đồng. Chị bảo, bị phạt ngần ấy tiền là mất công buôn đúng một tạ hành ngày đắt hàng.

Dựa vào chợ để mưu sinh không chỉ có những tiểu thương buôn bán mặt hàng nông sản mà còn có những người làm nghề xích lô kiêm bốc vác. Phải đợi anh Vũ Văn Thịnh ở phố Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) cân hàng cho khách xong tôi mới trò chuyện được với anh. Anh Thịnh đã làm nghề này được 5 năm. Ở chợ Phú Yên có 3-4 người thường xuyên làm nghề bốc vác như anh Thịnh. Công việc của các anh không kể ngày đêm, cứ có việc thì làm, vừa bốc vác kiêm chuyên chở hàng hóa bằng xích lô, chuyển hàng vào kho cân cho khách, mỗi tháng thu nhập của anh được khoảng 4 triệu đồng. Anh tâm sự: “Nhiều lúc đang ở nhà ngủ thì bị gọi đi làm, mấy hôm nay giá rét còn vất vả hơn, nhưng công việc là thế, may mà còn có việc để làm”.

Trời sáng dần, những tiểu thương như chị Chiến, anh Điểm, chị Hải đang cố bán nốt số hàng còn lại, quét dọn khu vực bán hàng và thu xếp hàng hóa, xe cộ chuẩn bị về nhà sau một đêm hối hả mưu sinh.

HẢI HÒA


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cánh vạc" chợ đêm