"Đi khắp gầm trời mẹ là tốt nhất". Có ai đã nói như vậy và đó là tiếng lòng chung của những người làm con trên thế gian này.
Người mẹ, bằng cả cuộc đời mình là chỗ dựa cho chồng con và xây dựng nên những giá trị nhân bản nhất. Người mẹ và gia đình là nơi mỗi người tìm chỗ dựa, sự bình yên sau những giông tố của cuộc đời; là nơi những nỗi niềm riêng tư được cảm thông, chia sẻ tận cùng nhất.
Chính vì vậy, Mẹ là đề tài vĩnh cửu cho mọi sáng tạo nghệ thuật trong đó có thơ ca. Những câu thơ của các thi nhân viết về Mẹ bao giờ cũng sâu đằm gan ruột.
"Bóng mây chiều" - là bài thơ trong tập "Hạt vàng cuối mùa" của Trịnh Dũng, cộng tác viên Báo Hải Dương, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương. Bài thơ gồm 10 dòng lục bát này Trịnh Dũng đã ghi lại khoảnh khắc cảm xúc của mình khi nhìn mẹ ngồi gội đầu trong một buổi chiều thu. Mở đầu bài thơ là một bức tranh êm ả:
"Mẹ ngồi gội tóc bên thềm
Giữa chiều nắng nhạt, xanh mềm
nét thu"
Câu thơ vừa gợi hình, vừa gợi cảm. Hình dáng "mẹ ngồi gội tóc" như tạc vào bức tranh chiều với gam màu dịu nhẹ: có màu vàng nhạt của nắng, có màu xanh của vạn vật bằng "nét thu". "Nét thu" là nét gì? Một câu thơ "không tường minh" gợi bao liên tưởng ở người đọc: gợi mớ tóc dài mềm mại của mẹ, gợi động tác chải đầu nhẹ nhàng của mẹ, gợi một buổi chiều êm ả như ru, gợi sự thanh thản trong tâm hồn của mẹ (và cả của con).
Rồi người ngắm nguyện đó miên man nghĩ về mẹ và quê hương:
"Nước thơm bồ kết, hương nhu
Màu quê vẫn thắm sắc từ xa xưa..."
Trịnh Dũng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê rồi xa quê. Trên bước đường đi dạy học ở nhiều miền quê của Tổ quốc anh luôn nhớ về quê hương yêu dấu. Nơi ấy có mẹ anh, có những người thân thiết ruột thịt. Không phải ngẫu nhiên trong bài thơ hình ảnh mẹ và quê hương hòa làm một. Những "nước thơm bồ kết, hương nhu", những "màu quê thắm sắc" đậm chất hương đồng cỏ nội, quê kiểng vẫn thoang thoảng trong thau nước gội đầu của mẹ.
Người ngồi ngắm mẹ gội đầu đó lại rưng rưng nghĩ về cuộc đời vất vả của mẹ:
"Mẹ già biết mấy nắng mưa
Sương chan gội mái tóc thưa
dãi dầu"
Trên mái tóc bạc của mẹ, người con đã "nhìn" thấy bao nắng mưa sương gió đã đi qua. Cái "mái tóc thưa dãi dầu" ấy là hình ảnh cuộc đời vất vả, tần tảo một nắng hai sương vì con, vì gia đình của mẹ:
"Con nhìn sợi lắng đáy thau
Còn bao sợi bạc trên đầu mẹ đây?"
Vẫn tiếp mạch cảm xúc ấy. Có chút se lòng thương mẹ tuổi gìa xế bóng và cả niềm xót xa day dứt của người con. Hình như anh tự hỏi: Trong những sợi tóc bạc của mẹ có bao nhiêu sợi đã bạc vì con?
Câu kết của bài thơ bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người con:
"Tay nâng thau nước hương cây
Rưng rưng soi thấy bóng mây
cuối chiều"
Hình ảnh bóng mây cuối chiều là một hình ảnh đẹp của bài thơ và cũng là một trong những hình ảnh đẹp nhất đời thơ Trịnh Dũng. Một tứ thơ vừa đẹp vừa thực vừa ảo với ý nghĩa biểu tượng: Mẹ - bóng mây cuối chiều. Biết bao yêu thương trong cái "bóng mây cuối chiều" ấy; nó gợi người đọc nghĩ về tuổi xế bóng của mẹ. Và có phải người con trong bài thơ đã thảng thốt giật mình: như bóng mây cuối chiều trôi về cuối trời để tan biến vào trong hoàng hôn mờ tím, mẹ càng ngày càng xa ta để bước vào cõi vĩnh hằng mà có lúc vô tình ta chẳng nhận ra?
Bóng mây chiều
Mẹ ngồi gội tóc bên thềm
Giữa chiều nắng nhạt, xanh mềm
nét thu
Nước thơm bồ kết hương nhu
Màu quê vẫn thắm sắc từ xa xưa...
Mẹ già biết mấy nắng mưa
Sương chan gội mái tóc thưa
dãi dầu...
Con nhìn sợi lắng đáy thau
Còn bao sợi bạc trên đầu mẹ đây?
Tay nâng thau nước hương cây
Rưng rưng soi thấy bóng mây
cuối chiều.
9-2002