Bị bủa vây bởi nhiều nguồn thông tin nghe rất "mùi tai" khiến từ người có bệnh đến người không có bệnh đều sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua về...
Thực phẩm chức năng được bán tràn lan tại các hiệu thuốc
Thực phẩm chức năng (TPCN) đang được sử dụng phổ biến ở tỉnh ta. Bên cạnh những thông tin quảng bá hấp dẫn về tác dụng thì chất lượng, giá cả và độ tin cậy của sản phẩm vẫn là điều băn khoăn của nhiều người tiêu dùng.
"Bùi tai" vì quảng cáoTPCN được quảng cáo rộng rãi từ báo chí đến biển hiệu ở các hiệu thuốc hay từ những người bán hàng đa cấp. Bị "bủa vây" bởi nhiều nguồn thông tin nghe rất "bùi tai", khiến từ người có bệnh đến người không có bệnh đều sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua về.
Hai vợ chồng chị Phan Thị Ngọc ở phố Bình Lộc, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cùng bị viêm xoang mạn tính nên thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, nhất là khi thời tiết thay đổi. Nghe ở đâu có bài thuốc hay vợ chồng chị đều tìm đến chữa trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tình cờ có một người bạn giới thiệu cho chị 2 loại TPCN của nước ngoài (1 lọ dạng viên uống, 1 loại dạng nhỏ mũi) với lời quảng cáo hấp dẫn: "Uống chỉ 1 lọ là thấy đỡ ngay, uống kéo dài sẽ khỏi bệnh..." Nghe vậy chị Ngọc đã bỏ ra gần 4 triệu đồng để mua mỗi loại 4 lọ về để hai vợ chồng cùng dùng thử. Chị Ngọc cho biết: "Giá 1 lọ thuốc uống gần 700 nghìn đồng, 1 lọ thuốc nhỏ hơn 300 nghìn đồng. Bản thân tôi cũng băn khoăn không biết chất lượng có được như quảng cáo không nhưng giá cả thì quá đắt. Tôi cũng chỉ dùng hơn 1 lọ thuốc uống, không thấy bệnh giảm nên tôi không dùng nữa".
Dù con gái làm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và có hiểu biết khá rõ về TPCN nhưng ông Nguyễn Văn Minh ở khu đô thị phía đông TP Hải Dương vẫn nhất quyết chi số tiền gần 20 triệu đồng để mua nhiều loại TPCN bồi bổ sức khỏe. Bản thân ông Minh không có bệnh gì nghiêm trọng mà chỉ bị đau xương khớp, mất ngủ do tuổi già. Gần đây, người bạn đã lâu không gặp thường xuyên đến nhà chơi, trò chuyện, hỏi han sức khỏe nên ông Minh cảm thấy rất vui vẻ. Nghe người bạn giới thiệu đang bán một số loại TPCN khá nổi tiếng, trong đó có nhiều loại tốt cho sức khỏe người già nên ông Minh cũng muốn mua giúp bạn. Bất chấp lời can ngăn của gia đình, ông Minh vẫn mua danh sách phải đến gần 10 loại TPCN mà ông bạn giới thiệu. Sau khi tiền trao tay, nhận về TPCN thì ông Minh cũng không thấy người bạn đó quay lại. Số TPCN ấy giờ vẫn nằm yên trong góc tủ.
Không chỉ được bán dưới dạng kinh doanh đa cấp như những trường hợp trên, TPCN còn được rao bán trên mạng và bày bán ở khắp các hiệu thuốc, nhà thuốc trong tỉnh. TPCN có nhiều dạng: viên, bột, nước uống, cháo, trà… dành cho đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già, phụ nữ mang thai, người suy dinh dưỡng, béo phì. Nhiều người còn truyền tai nhau về các sản phẩm chữa được cả bệnh ung thư. Tại phố thuốc Lý Thường Kiệt (TP Hải Dương), khi phóng viên vào một hiệu thuốc khang trang, rộng rãi hỏi về TPCN bồi bổ sức khỏe dành cho nam giới cũng được chủ quán giới thiệu hơn 10 loại với giá cao ngất ngưởng. Các loại TPCN này được giới thiệu phải uống thời gian dài mới có hiệu quả tốt như: Rocket 1h, Genshu, M-Phé 1, sâm nhung bổ thận cũng phải dùng ít nhất hơn 1 triệu đồng. Các sản phẩm “phục hồi sắc đẹp, sinh lý dành cho nữ” như Happy Women Angela, dưỡng da Hoa Thiên... giá cũng cao không kém.
Khó kiểm soát Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện nay tỉnh ta có 4 cơ sở sản xuất và 15 cơ sở chuyên kinh doanh TPCN được cấp giấy đủ điều kiện (chưa kể các nhà thuốc, hiệu thuốc). Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, bên cạnh những đơn vị tổ chức hội thảo về TPCN được cấp phép thì còn nhiều hình thức như kinh doanh qua mạng, hội thảo "chui", bán hàng đa cấp theo cá nhân, nhóm nhỏ nên rất khó quản lý và hầu như không kiểm soát được. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề hằng năm. Năm 2013, chi cục đã kiểm tra 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, trong đó có 3 cơ sở sản xuất, chuyên doanh về TPCN, còn lại đa số TPCN được kinh doanh trong các hiệu thuốc, quầy thuốc tân dược. Trong đó, chỉ có 5 cơ sở xuất trình được hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, 2 cơ sở có 5 sản phẩm ghi nhãn không đúng quy định như sản phẩm nhập khẩu, không có nhãn phụ tiếng Việt, sản phẩm không ghi cụm từ "Thực phẩm chức năng".
Gần đây chúng tôi được biết đã có trường hợp khách hàng mua TPCN bị đóng thiếu số viên. Lọ TPCN có 60 viên nhưng chỉ được đóng 49 viên (mỗi viên tính ra khoảng 3.000 đồng). Đáng lo hơn là không chỉ 1 lọ thiếu mà người khách hàng đó khi mua thêm 1 lọ kiểm chứng cũng gặp tình trạng này. Trường hợp còn nhiều lọ đóng thiếu như trên rất có thể xảy ra và không ai khác, người chịu thiệt thòi chính là khách hàng còn nhà sản xuất lại hưởng lợi nhuận khổng lồ. Theo một số chuyên gia ngành y tế, việc xin cấp giấy phép sản xuất TPCN không nghiêm ngặt như thuốc nên nhiều cơ sở y học cổ truyền bào chế ra sản phẩm TPCN nhưng nguyên liệu chủ yếu vẫn là tinh chất của các cây, quả không khác gì các loại thuốc. Ông Phạm Duy Tuyến khuyến cáo: “TPCN tuyệt đối không phải là thuốc chữa bệnh. Người dân cần hết sức tỉnh táo và hiểu đúng về TPCN; sử dụng và mua đúng giá được niêm yết. Không nên lạm dụng TPCN, không coi đây là sản phẩm đa năng chữa được mọi bệnh lý".
MINH HẠNH