33 năm mòn mỏi tìm con

26/11/2022 06:00

33 năm con trai mất tích là hơn 12.000 ngày ông day dứt và mong có một phép màu mang con trở lại.


33 năm đằng đẵng, ông Vũ Văn Học luôn day dứt vì để lạc mất con

Giá như ngày ấy ông không nóng giận thì đâu nên nỗi. Con trai bị người ta đánh chết, bị bán qua biên giới, hay may mắn đã được một gia đình người tốt cưu mang? Những câu hỏi ấy luôn lởn vởn trong đầu ông suốt hơn 3 thập kỷ. Người cha khốn khổ ấy là ông Vũ Văn Học ở thôn Quảng Cư, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng).

Mất tích bí ẩn

Buổi sáng một ngày năm 1989, sau cữ cày đổi công ở HTX, ông Học trở về thì có người sang phàn nàn con trai ông là Vũ Văn Tới đánh nhau với con nhà hàng xóm. Tới rất nghịch nên ông Học đã quen với chuyện này, song hôm đó ông nổi nóng, đánh, rồi bắt con nhịn đói. Thời buổi khốn khó, việc ấy là bình thường. Phạt con xong, ông Học lại vác cuốc ra đồng. Mọi lần bị phạt, Tới chỉ loanh quanh đâu đó rồi tối lại quẩn vào chân bố. Nhưng đến tối hôm ấy không thấy con về, ông Học cùng hàng xóm tá hỏa đi tìm. Ao chuôm trong xã cũng được mọi người sục sạo nhưng không thấy.

Mấy đứa trẻ trong làng mách, hôm ấy Tới cùng chúng bạn đi mót thóc sau mùa gặt ở cánh đồng Đông Lâm của thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) bây giờ thì bị bảo vệ đuổi đánh. Cả đám trẻ mạnh đứa nào đứa nấy chạy trốn. Riêng Tới chạy lên rặng vải thiều chỗ cầu Trắng, sát quốc lộ 5 bây giờ. Đám trẻ ngồi ở rặng tre ven làng chờ mãi nhưng không thấy Tới quay trở lại. Chờ chán không thấy nên chúng bỏ về.

Nghi ngờ con bị bảo vệ đánh chết rồi họ vùi xác, suốt một tháng trời sau đó, ông Học cuốc xới tung cánh đồng Đông Lâm tìm con, rồi thông báo tìm trẻ lạc liên tục trên đài nhưng không thấy...

- Hồi đó cơm cũng chỉ là cơm độn rau má thôi. Có phải tôi phạt không cho con ăn, nó giận tôi, bỏ đi rồi không tìm được đường về? Số mệnh tôi là số mất con, hay là do tôi bắt con nhịn đói rồi nó bỏ đi? - ông Học liên tục hỏi tôi như thế. Đấy cũng là sự day dứt của ông suốt 33 năm trời đằng đẵng.

Ông Học sinh năm 1948. Gia đình ông là 1 trong 2 hộ nghèo còn lại của xã Cẩm Đoài. Không chỉ là hộ nghèo, bị lạc mất con, gia cảnh của ông còn bi đát hơn nhiều. Ông Học mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi. Năm 18 tuổi, ông vào bộ đội, đang đóng quân ở huyện thì anh ruột hy sinh nên được xuất ngũ về nhà chăm sóc bố. Chưa một lần ông Học bước chân ra khỏi Hải Dương nên việc tìm con càng khó.

Vợ ông là bà Lê Thị Chát, quê thôn Bá Thủy, xã Long Xuyên (Bình Giang). Người đàn bà sinh năm 1949 này 10 năm nay đã bị còng, thoái hóa cột sống, không làm được việc gì. Ông bà sinh được 6 con, trong đó có 4 con trai thì 1 người mất tích, 1 người đã mất, 2 người bị tâm thần là Vũ Văn Sinh (sinh năm 1970) và Vũ Văn Bảng (sinh năm 1979) và 2 người con gái đã lấy chồng nhưng cuộc sống cũng không suôn sẻ.

Trong ký ức mờ nhạt của ông Học, Tới to con, trắng trẻo. Tới nghịch lắm, gãy 2 cái răng cửa, có vết "bò liếm" trên đầu. Ông Học cũng không nhớ Tới mất tích ngày nào, mùa nào. Tới cũng không có một bức ảnh chân dung. Nhưng ông Học bảo, nếu gặp lại, nhất định ông sẽ nhận ra con ngay lập tức. Máu mủ ruột rà làm sao ông quên được. Ông luôn nghĩ trong đầu, Tới chắc chắn còn sống, nên gia đình mấy mươi năm nay không lập bàn thờ, không lấy ngày Tới mất tích làm ngày giỗ như nhiều gia đình có con mất tích thường làm...

Ký ức của ông cứ ào ạt tràn về. Bên khóe mắt chằng chịt vết chân chim của người đàn ông khốn khổ ấy là dòng nước mắt mờ đục không thôi trào ra sau mỗi lần kể chuyện về con trai mất tích. Ông đã phải dùng từ "khốn nạn" khi nói về thân phận của mình.

- Sao số phận tôi "khốn nạn" thế hả anh? Nếu không tìm được con thì chết tôi cũng không nhắm mắt!

"Tới ơi, con ở đâu thì về với bố!"


Đã 74 tuổi song ông Học vẫn phải làm việc đồng áng nuôi vợ ốm yếu, 2 người con tâm thần

Hơn 12.000 ngày day dứt vì để mất con, ông Học nhận hết phần lỗi về mình. Vì ông phạt con nhịn đói, con đi mót thóc rồi mất tích. Hằng ngày, sau khi xong việc đồng áng, ngồi nhìn người vợ già quanh quẩn trong nếp nhà tồi tàn, 2 người con tâm thần suốt ngày đi phá làng, phá xóm, lòng người đàn ông khốn khổ ấy lại muôn phần se sắt.

Lâu nay, mỗi lần nghe thông tin gì về con, ông Học lại đạp xe đi tìm kiếm. Có người hàng xóm tốt bụng, mỗi ngày công 600.000 đồng nhưng đã bỏ việc để chở ông đi. Đầu năm vừa rồi, ông đến xã Định Sơn, Thạch Lỗi (cùng huyện Cẩm Giàng) để tìm con, khi nghe có người trùng tên với Tới, nhưng mọi thông tin đều không trùng khớp. Ra tỉnh ngoài thì không biết đường, không có xe máy để đi nên hơn 30 năm qua ông Học chỉ tìm kiếm con loanh quanh trong huyện. Trong khi đó, theo nhận định của nhiều người, rất có thể vào ngày mất tích, anh Tới đã được đưa lên một chiếc xe khách nào đó rồi chạy thẳng lên biên giới. Hoặc còn sống, lúc mất tích đã 12 tuổi thì 33 năm nay ắt hẳn anh sẽ tìm được đường về. Lo lắng nhất là anh đã chết dọc đường...

Thiếu tá Phạm Đình Tần, Trưởng Công an xã Cẩm Đoài cho biết câu chuyện về sự mất tích của anh Tới đã được các anh tiếp nhận kể từ khi công an chính quy về xã. Tuy vậy, đã 33 năm nên mọi sự tìm kiếm đều rất khó khăn. Mỗi năm qua đi thì việc tìm anh Tới lại thêm mờ mịt. "Ông Học đã 74 tuổi nhưng là trụ cột gia đình, vẫn phải cày cấy để nuôi vợ con. Ông Học thuộc diện hộ nghèo. Vừa qua, Công an xã còn đóng tiền lệ phí cho các thành viên gia đình ông đi làm căn cước công dân", thiếu tá Phạm Đình Tần cho biết.

Còn theo lãnh đạo xã Cẩm Đoài, sự mất tích của anh Tới là bí ẩn suốt mấy chục năm qua ở xã. Hiện nay mạng xã hội đang phát triển, hy vọng câu chuyện của anh Tới được lan tỏa rộng rãi để anh sớm tìm được về với gia đình.

- Hai vợ chồng tôi già rồi, không biết sống chết ra sao. Nếu tôi chết, tôi sẽ gửi các con cho xã. Cũng là người nhưng sao tôi khổ thế. Có đứa khôn ngoan nhất thì đi mất... Tới ơi, con ở đâu thì về với bố...

Trong một chiều đầu đông u ám, ông Học liên tục lẩm bẩm với chúng tôi như thế. Dễ hiểu thôi, khúc ruột đứt lìa làm sao không chua xót. Sự day dứt ấy ngày càng lớn và đằng đẵng bám riết lấy ông suốt hơn 3 thập kỷ. Ông Học bảo, chỉ cần được nhìn thấy con một lần là mãn nguyện. Nếu gặp con, ông sẽ nói câu xin lỗi, nhưng không dám đón con về.

- Đón về để nó phải hầu hạ bố mẹ già và anh em tâm thần của nó à? Chỉ cần nhìn thấy con là quý hóa rồi, cho đỡ tủi thân. Rồi tôi sẽ gửi lại con cho gia đình người đã cưu mang nó.

Câu chuyện về sự mất tích của anh Tới đã được một thành viên trong nhóm Facebook "Người Cẩm Giàng" đăng tải vào tháng 10.2022 và nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ. Tuy thế cho đến nay, ông Học cho biết chưa có thêm bất kỳ thông tin gì. Con còn sống là điều ông mong mỏi nhất suốt 33 năm qua. Thế nhưng ông đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là con bị đánh chết vào hôm mất tích, rồi người ta vùi xác xuống đồng. Cánh đồng ấy giờ là khu công nghiệp thì làm sao tìm được.

- Tôi không có điện thoại, tai lại nghe không rõ. Hôm nay có anh Trưởng Công an xã ở đây, tôi xin ủy quyền cho nhà báo tiếp nhận thông tin về thằng Tới. Khi có tin gì, anh báo về xã để tôi đi tìm cháu - ông Học nói với tôi như thế.

Sinh năm 1977, nếu còn sống, năm nay anh Vũ Văn Tới 45 tuổi. Khi mất tích đã 12 tuổi và theo lời ông Vũ Văn Học, là người khôn ngoan thì suốt 33 năm qua anh đã tìm được đường về. Nỗi lo lắng nhất là anh đã bị bán qua biên giới hoặc đã chết ở đâu đó. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, nếu còn sống, hy vọng anh Tới sẽ tìm được đường về để chấm dứt những tháng ngày đau đáu của người cha già khốn khổ.

- Nếu nhà báo không tìm được con tôi nữa là tôi chịu thua rồi, nhà báo ạ! - ông Học nói và siết chặt tay trước lúc tôi về.

Hình ảnh người cha già khốn khổ nước mắt đầm đìa suốt một buổi chiều trò chuyện đã ám ảnh tôi quá lớn. Gần 20 năm làm báo, tôi đã gặp nhiều trường hợp đáng thương, song câu chuyện của ông Học quả thực lạ lùng và bi đát. Tôi đã tự hứa với bản thân, bằng tất cả khả năng và mối quan hệ của mình, nếu anh Tới còn sống, tôi sẽ tìm ra bằng được.

"Sống phải thấy người, chết phải thấy xác" - tôi đã nói với ông Học như thế trước lúc chia tay.

Dưới sự chứng kiến của thiếu tá Phạm Đình Tần, Trưởng Công an xã Cẩm Đoài, ông Vũ Văn Học đã ủy quyền cho tôi tiếp nhận mọi thông tin về con trai ông - anh Vũ Văn Tới. Mọi thông tin xin gọi về số điện thoại: 0922226444; email: camgiang@gmail.com; Facebook: Nguyễn Tiến Huy.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    33 năm mòn mỏi tìm con