Năm nay ở tuổi 70, ông Vũ Ngọc Mấn ở thôn An Xá, xã Tân Trào (Thanh Miện) đã có gần 30 năm nuôi chim bồ câu sinh sản.
“Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Mấn được một người bạn làm biên phòng trên đỉnh Keo Nưa (Hà Tĩnh) tặng một đôi chim bồ câu, gia đình ông đã nuôi để nhân giống. Hiện nay, gia đình ông lúc nào cũng duy trì trong chuồng 50 đôi chim bồ câu sinh sản. Với đặc tính của chim bồ câu sinh sản thì chuồng trại phải luôn sạch sẽ, ấm áp và khuất gió nên ông Mấn đã dành riêng một khoảng đất rộng trên 40 m2 để xây chuồng nuôi chim. Nguyên, vật liệu để làm chuồng chim bồ câu chủ yếu là đan phên bằng tre nứa nên khá đơn giản. Chuồng chim kê cao so với mặt đất khoảng 0,5 m để tránh ẩm và côn trùng xâm hại. Mỗi đôi chim ở một ô vuông với diện tích khoảng 0,9 m2. Đây là khoảng không gian phù hợp để mỗi đôi chim bồ câu sinh sản và nuôi con sau khi trứng nở. Nguồn thức ăn cho chim phổ biến hiện nay là thóc và các loại đậu, đỗ. Một năm một đôi chim bồ câu sinh sản được từ 8 - 10 lứa, mỗi lứa 2 con và thời gian từ khi chim non nở đến khi bán từ 30 - 35 ngày. Theo kinh nghiệm nuôi chim bồ câu của ông Mấn, để chim duy trì tốt việc sinh sản thì cứ 3 năm nên thay cặp chim bố mẹ một lần. Và để đàn chim bồ câu luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật, cần chăm sóc hợp lý như: nguồn nước uống phải sạch, thường xuyên vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng nuôi. Ông Mấn thường trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho chim ăn mỗi tháng một lần. Ông còn trộn thêm sỏi trắng và vôi bột vào thức ăn của chim để kích thích tiêu hóa và cung cấp thêm lượng can-xi cần thiết trong quá trình tạo vỏ trứng trong sinh sản. Nguồn thức ăn cho chim bồ câu có sẵn tại gia đình và giá thành không cao, nên chi phí thấp. Trung bình mỗi tháng, 50 đôi chim giống của gia đình ông sinh sản được 30 đôi chim non. Với giá bán 150 nghìn đồng/đôi, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 45 - 50 triệu đồng từ việc nuôi chim bồ câu sinh sản. Nhằm tạo điều kiện cho các gia đình trong xã và các xã lân cận có nhu cầu nuôi chim bồ câu sinh sản, gia đình ông nhận cung cấp chim bồ câu giống cho họ. Đồng thời, phổ biến những kinh nghiệm cho bà con học tập và ứng dụng trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc chim bồ câu sinh sản. Ông Mấn thường bán chim cho các nhà hàng ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội.
Gắn bó với việc nuôi chim bồ câu sinh sản nhiều năm, bằng những kinh nghiệm từ thực tế và tìm hiểu qua các kênh thông tin, ông Mấn đã chọn cho mình một hướng phát triển kinh tế hiệu quả và rất phù hợp với tuổi tác và sức lao động của người già.
PHẠM ĐIỆP