Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có những thay đổi tích cực, dù chỉ đơn giản là tiết kiệm hơn, ăn uống tốt hơn và ngừng sử dụng mạng xã hội.
Có nhiều sách, video, podcast hứa hẹn giúp bạn đạt mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nhiều người dù đã xem vẫn phải vật lộn để tạo sự thay đổi thực sự. Katy Milkman, giáo sư và là tác giả cuốn sách "Làm thế nào để thay đổi" cho rằng chúng ta đang thiếu khía cạnh quan trọng của việc thay đổi, đó là khoa học.
Milkman dành phần lớn sự nghiệp nghiên cứu cách mọi người đưa ra quyết định. Bà nhận ra một trong những sai lầm lớn con người mắc phải khi cố thay đổi cuộc sống là tìm một giải pháp kỳ diệu. Trên thực tế, chúng ta nên có cách tiếp cận chiến lược hơn, dựa trên rào cản phải đối mặt. "Sự thay đổi thực sự phụ thuộc vào điều đang cản trở bạn", bà nói.
Dưới đây là ba cách khoa học giúp bạn thay đổi cuộc sống.
Tận dụng "hiệu ứng khởi đầu mới"
"Fresh start effect" mô tả xu hướng con người có hành động hướng tới một mục tiêu sau khi sự kiện đánh dấu một khởi đầu mới.
"Nó có thể đến từ một sự kiện lớn trong đời, như một công việc mới hoặc chuyển đến ngôi nhà mới. Nó cũng có thể rất nhỏ như bắt đầu một tuần mới. Những sự khởi đầu mới mẻ này tạo sự thay đổi so với trước đây", Milkman nói.
Chuyên gia cho rằng khởi đầu mới là động lực thực sự mạnh mẽ và hiệu quả mà con người có thể dùng làm bàn đạp để hướng tới sự thay đổi.
Ngay từ lúc này, khi đại dịch xuất hiện, bà tin có một cơ hội cho một khởi đầu mới. "Tôi hy vọng chúng ta không để khoảnh khắc này trôi qua", bà nói.
Xác định những rào cản
Milkman khuyên không nên chỉ cố gắng tạo ra sự thay đổi. Hãy phân tích tình hình trước và suy nghĩ một cách có chiến lược về các rào cản. "Thay vì lao ngay vào giải pháp, hãy thực hiện giai đoạn phân tích, cố gắng hiểu điều gì đang cản trở bạn đạt mục tiêu", bà tư vấn.
Một số rào cản phổ biến có thể khiến chúng ta không thể thay đổi. Bạn muốn tập thể dục nhưng ghét tập. Bạn muốn cai mạng xã hội nhưng thấy thú vị khi lướt mạng. Đây là những ví dụ về sự cám dỗ đang chống lại bạn.
Khi đã xác định được các rào cản, bạn sẽ có một bộ công cụ giải pháp. Nếu sự cám dỗ đang kìm hãm bạn, hãy biến nó thành niềm vui. Ví dụ, khi đang thấy ngại đến phòng tập thể dục, hãy kết hợp nó với thời gian xem chương trình yêu thích. Có thể bạn sẽ bắt đầu mong được tập thể dục.
"Nếu theo đuổi mục tiêu của mình theo cách bạn thích, bạn sẽ gắn bó với nó hơn", Milkman nói.
Đưa ra lời khuyên
Nhiều nghiên cứu cho thấy đưa ra lời khuyên cho người khác đồng thời có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của chính mình.
″Người cố vấn và được yêu cầu tư vấn cho người khác sẽ tăng cường sự tự tin của chính họ. Người tư vấn cũng để tâm xem xét về những gì hiệu quả với mình hơn. Họ thấy mình thật đạo đức giả nếu không thực hiện đúng như lời đã khuyên", Milkman nói.
Một nghiên cứu với các học sinh trung học cho thấy khi được giao vai trò "đưa ra lời khuyên" cho các học sinh nhỏ tuổi, điểm của chính các em lại cải thiện.
Để có thể áp dụng điều đó, Milkman đề nghị thành lập một nhóm, nơi những người chung mục tiêu có thể đưa ra lời khuyên cho nhau.
"Bạn có thể giúp đỡ người khác và học hỏi từ những hiểu biết sâu sắc của họ, đồng thời nhận về những lợi ích từ việc đưa ra lời khuyên", Milkman gợi ý.
Theo VnExpress