Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã điện đàm để thảo luận tình hình Biển Đông gần đây.
Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở Biển Đông ngày 9.4. Ảnh: Hải quân Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11.4 (giờ Việt Nam) có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, nhằm thảo luận tình hình Biển Đông gần đây cũng như những phương án thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ chính quyền Philippines khẳng định tại cuộc điện đàm, hai bên đều mong muốn thực hiện một cuộc tập trận chung ở Biển Đông.
Tăng cường hợp tác quốc phòng
Trọng tâm của cuộc điện đàm trên là căng thẳng gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là sự hiện diện của nhóm hơn 200 tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu. Đây là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa ở Biển Đông của Việt Nam, nhưng Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở một số khu vực và yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu nêu trên.
Theo bản tóm tắt về cuộc điện đàm do người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Ông Kirby cũng cho biết tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Austin đã đề xuất với ông Lorenzana một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng hai bên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu rõ chi tiết nhưng khẳng định các biện pháp này bao gồm "nâng cao nhận thức tình huống về các mối đe dọa ở Biển Đông".
Cũng theo ông Kirby, Mỹ và Philippines đã khẳng định cam kết chung về quan hệ đồng minh hai nước. Hai bộ trưởng cũng nhấn mạnh giá trị của thỏa thuận lực lượng thăm viếng Mỹ - Philippines (VFA) và hứa sẽ giữ liên hệ sát sao.
Trong ngày 11.4, Philippines cũng công bố nội dung về cuộc điện đàm nêu trên, với nội dung bàn về "các diễn biến gần đây trong khu vực". Theo Hãng tin Reuters, phía Philippines khẳng định hai bên đều mong muốn thực hiện một cuộc tập trận chung có tên "Balikatan".
Tìm phương án mới
Giới quan sát cho rằng Philippines có thể sẽ dốc toàn bộ các nỗ lực ngoại giao nhằm bày tỏ sự giận dữ trước các hành động của Trung Quốc. Ngoài ra, Manila cũng có thể duy trì sự hiện diện trong khu vực gần đá Ba Đầu càng lâu càng tốt nhằm giám sát Trung Quốc cũng như bảo vệ lợi ích của mình. Vấn đề là các nỗ lực phản đối qua đường ngoại giao không mấy hiệu quả, còn chính quyền Philippines cũng rơi vào thế lưỡng nan khi đề cập tới Trung Quốc.
Cuộc điện đàm này cũng được thực hiện vào thời điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông leo thang, khi Đài ABS-CBN (Philippines) nói tàu chở phóng viên của họ bị Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc triển khai hai tàu mang tên lửa truy đuổi ở khu vực gần bãi Cỏ Mây ở Trường Sa.
Đây là lần đầu tiên Đài ABS-CBN ghi nhận trường hợp tàu quân sự đuổi theo tàu dân sự và phản ánh mối lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc tiếp tục hành xử ngày càng quyết đoán hơn bất kể sự phản đối của các nước khác. Nói như học giả Philippines Richard Heydarian, giáo sư về địa chính trị tại ĐH Bách khoa Philippines, Trung Quốc hiện nay vẫn sử dụng chiến thuật "vùng xám" để giữ khiêu khích và xung đột ở mức độ thấp, nhưng liệu "vùng xám" duy trì tới bao lâu và đi tới phạm vi cỡ nào thì không ai đoán được.
Theo ông Heydarian, điều này chắc chắn sẽ dẫn tới các thảo luận rộng hơn về chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Biển Đông và làm cách nào chính quyền ông Biden có thể phối hợp để đưa ra một lời đáp trả hiệu quả cho tình hình này. Học giả Philippines cũng lưu ý Trung Quốc đang tìm cách khai thác khoảng trống giữa Mỹ và Philippines.
Nhìn vào cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng Philippines và Mỹ vừa qua, có thể thấy Washington cũng như Lầu Năm Góc hiện nay sẽ ưu tiên xử lý vấn đề song phương của Mỹ và Philippines trước tiên. Chi tiết đáng chú ý của cuộc điện đàm là việc hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của VFA. Phía Philippines cũng cam kết sẽ bàn về VFA với Tổng thống Rodrigo Duterte, người bị cho đang khá mềm mỏng với Trung Quốc đồng thời muốn rút khỏi thỏa thuận VFA với Mỹ.
Tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông? Một số nhà quan sát quân sự và phân tích nguồn tình báo mở cho rằng Biển Đông đang trở nên đông đúc hiếm thấy. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ở eo Ba Sĩ. Các hình ảnh do vệ tinh Sentinel của Cơ quan vũ trụ châu Âu chụp ngày 10.4 cho thấy một nhóm tàu được cho là tàu sân bay Liêu Ninh đã băng qua eo biển Ba Sĩ để tiến vào Biển Đông. Tài khoản Twitter @detresfa thì đăng các hình ảnh vệ tinh khác và cho biết nhóm tàu Trung Quốc băng qua eo biển Luzon (phía nam eo Ba Sĩ) để vào Biển Đông. Quân đội Trung Quốc vẫn giữ im lặng về hành tung của nhóm tàu sân bay. Tuy nhiên, trang Twitter của Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) - một tổ chức nghiên cứu của chính quyền Bắc Kinh, trước đó đã ngầm thông báo tàu sân bay Trung Quốc sẽ tiến vào Biển Đông sau khi tập trận gần đảo Đài Loan. Trong bài đăng ngày 9.4, SCSPI cho biết 2 máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ đã xuất hiện tại eo biển Ba Sĩ trong cùng ngày và đảo nhiều vòng tại khu vực. Theo SCSPI, hành động như "rà quét" của máy bay Mỹ có thể nhằm dọn đường cho nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời Biển Đông "hoặc để nghênh đón đội tàu sân bay Liêu Ninh sắp đến". |
Theo Tuổi trẻ