Kinh doanh sắt thép thua lỗ, 2 bố con ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch công ty Thái Sơn ở Hải Phòng đã lập 13 công ty, chiếm đoạt 565 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại Thái Sơn tại Hải Phòng
Ngày 28-3, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án hình sự “Phạm Văn Thụ, Nguyễn Thị Thanh Huyền và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại các doanh nghiệp do Phạm Văn Thị, Nguyễn Thị Thanh Huyền thành lập, chỉ đạo, điều hành và các tổ chức tín dụng có liên quan”, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can về các tội danh trên.
Trong đó có Phạm Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại (CNTM) Thái Sơn; Phạm Hải Thanh, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH CNTM Thái Sơn (là con trai ông Thụ); Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Tân Phú; Phạm Hải Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thép Minh Thanh, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH CNTM Thái Sơn...
Đáng chú ý, trong số 12 bị can có 4 cán bộ ngân hàng gồm: Lê Quý Hiển, nguyên Giám đốc; bị can Nguyễn Thị Ngân, nguyên Phó giám đốc và Phan Hoàng Giang, nguyên Phó phòng quản lý hỗ trợ tín dụng Ngân hàng HDBank Chi nhánh Thăng Long (Hà Nội) bị đề nghị truy tố hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; bị can Trương Quang Đông, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (ở quận 5, TP Hồ Chí Minh) bị truy tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, Phạm Văn Thụ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH CNTM Thái Sơn (có trụ sở tại Hải Phòng). Từ tháng 8-2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giá sắt thép trên thị trường giảm mạnh, doanh nghiệp liên tục thua lỗ.
Trong khi đang kinh doanh thua lỗ thì công ty lại đầu tư tiền vào một số dự án như: Xây dựng nhà máy đóng tầu Thái Sơn, Công ty CP Đầu tư Duyên Hải, Công ty dịch vụ Thái Hà... các dự án đều dang dở, không sinh lời, lãi suất tiền vay ngân hàng cao nên công ty Thái Sơn phải bán sắt thép giá thấp để trả nợ lãi. Đến cuối năm 2010, công ty này không có tiền trả nợ gốc và lãi, mất khả năng thanh toán.
Ngoài công ty Thái Sơn, Phạm Văn Thụ còn thành lập 13 công ty khác giao cho người nhà và người thân làm giám đốc, ký hợp đồng mua bán, hợp đồng tín dụng. Bị can đã sử dụng pháp nhân của 11 công ty trong số này để ký hợp đồng tín dụng, sử dụng hợp đồng chứng từ ngoại thương mua bán hàng hoá là sắt thép... để thế chấp cho 14 tổ chức tín dụng nhằm vay tiền.
Kết quả điều tra xác định, Phạm Văn Thụ đã sử dụng pháp nhân của 12 công ty và nhờ pháp nhân công ty của bị can Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phan Thị Chung để tạo dựng hồ sơ mua bán sắt thép khống, đồng thời sử dụng số sắt thép có sẵn trong kho không phải của mình hoặc đã được thế chấp nhằm vay tiền các tổ chức tín dụng.
Số tiền vay được bị can không sử dụng kinh doanh sắt thép mà dùng trả nợ cho các khoản vay, lãi đến hạn và chi tiêu cá nhân. Đến nay, cơ quan điều tra xác định, bị can Phạm Văn Thụ và Phạm Hải Thanh chiếm đoạt tài sản của 9 tổ chức tín dụng 379 tỷ đồng; Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng có hành vi tương tự, chiếm đoạt của 5 tổ chức tín dụng 186 tỷ.
Tổng cộng, các bị can đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền 565 tỷ đồng.
Đối với nhóm bị can là cán bộ ngân hàng, cơ quan điều tra xác định Lê Quý Hiển, nguyên Giám đốc HDBank có hành vi ký duyệt các tờ trình đề nghị giải ngân, 7 khế ước nhận nợ, chỉ đạo Nguyễn Thị Ngân, Phan Hoàng Giang giải ngân khi khách hàng chưa đủ điều kiện về chứng minh vốn tự có, không chỉ đạo thực hiện đúng quy định về kiểm kê, định giá tài sản đảm bảo, dẫn đến cho vay không có bảo đảm, trái với quy định về hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho HDBank 100 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng xác định bị can Trương Quang Đông không quản lý, giám sát tài sản đảm bảo dẫn đến thất thoát hơn 46 tỉ đồng của ngân hàng.
NGUYỄN QUYẾT(Người Lao động)