Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Lào Cai, Tổng thống Mỹ gặp Thủ tướng Nhật Bản... là những sự kiện nổi bật ngày 9.7.
Ngày 9.7, tại thành phố Lào Cai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Lào Cai (1907 - 2017) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm, tặng quà cho bệnh binh 81%, thương binh 2/4 Trần Văn Vực ở phường Pom Hán, thành phố Lào Cai, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2017). Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của tỉnh Lào Cai. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Chiều 8.7 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đến thủ đô Amsterdam, bắt đầu chuyến thăm Hà Lan từ ngày 9-11.7 theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. Trong ảnh: Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Schiphol Amsterdam. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 9.7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Campuchia tổ chức Hội đàm xây dựng Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng pháp luật quân sự quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Trong ảnh: Đại tá Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (bên phải) và Đại tướng Mom Sophat, Cục trưởng Cục pháp chế (bên trái) ký biên bản Hội đàm. Ảnh: Xuân Khu – TTXVN
Từ ngày 9-12.7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Pháp viện Minh Đăng Quang tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 7 năm 2017 của Hiệp hội Nghiên cứu tôn giáo-văn hóa Nam Á và Đông Nam Á (SSEASR) với chủ đề “Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á”, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là các học giả hàng đầu thuộc SSEASR đến từ 44 quốc gia và chủ nhà Việt Nam. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Ngày 9.7, tại Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. Đại diện gần 100 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tham gia tư vấn, hướng dẫn, hướng nghiệp, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho các học sinh và phụ huynh về việc chọn ngành, thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Trong ảnh: Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Nhật Bản cần mở cửa thị trường đối với hàng hóa Mỹ để từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ngày 8.7 đưa ra lời đề nghị này với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg, Đức. Theo một quan chức cấp cao của Nhật Bản, trong cuộc gặp, Tổng thống Trump đã đề cập vấn đề thâm hụt thương mại của Washington với Tokyo và tầm quan trọng phải bảo đảm quyền lợi của cả hai bên thông qua "cách thức tiếp cận thị trường chung". Về phần mình, Thủ tướng Abe bày tỏ hi vọng sẽ có được các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng" với Mỹ trong quá trình thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước tại vòng 2 đối thoại kinh tế cấp cao giữa Tokyo và Washington, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg, Đức ngày 8.7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu khiến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ít có khả năng thông qua thỏa thuận này do động thái của Washington làm tổn hại đến khoản bồi thường được cam kết dành cho các nước đang phát triển. Ông Erdogan cho biết khi Thổ Nhĩ Kỳ ký Hiệp định Paris thì cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cam kết rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được xếp vào nền kinh tế đang phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc Ankara sẽ nhận được khoản bồi thường từ quỹ khí hậu toàn cầu đối với một số chi phí thực hiện thỏa thuận. Do đó, sau động thái của Mỹ, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có xu hướng không thông qua thỏa thuận trên. Ông Erdogan cho rằng một số quốc gia khác cũng không muốn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này. Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg, Đức. Ảnh: EPA/TTXVN
Ngày 9.7, Triều Tiên đã lên án Mỹ về cuộc tập trận quân sự mới đây nhất với Hàn Quốc, trong đó có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B. Bình Nhưỡng gọi đây là một hành động khiêu khích liều lĩnh có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực trên Bán đảo Triều Tiên. Một bài bình luận của nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, khẳng định rằng các cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ là hành động đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh của tình hình căng thẳng hiện nay tại khu vực. Ngoài ra, bài báo cũng nhắc lại tuyên bố của Triều Tiên rằng việc nước này phát triển hạt nhân là chính đáng để đối phó với thái độ thù địch của Mỹ. Trong ảnh (tư liệu): Máy bay B-1B (phải) của không quân Mỹ tại căn cứ không Osan của Mỹ ở Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 23.9.2016. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức Nhật Bản ngày 9.7 cho biết số người thiệt mạng do mưa lũ ở miền Nam nước này đã tăng lên 18 người, trong khi lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích. Nhiều vùng rộng lớn của đảo Kyushu, một trong 4 đảo chính của Nhật Bản, đã chìm trong nước lũ sau khi các trận mưa lớn tới 300 - 500 mm kéo dài 5 ngày qua khiến nước sông dâng cao tràn bờ, gây ngập nhiều tuyến đường, nhà cửa và trường học. Hàng nghìn người đã phải sơ tán vào các khu tạm trú trong các trường học và các tòa nhà công. Đài NHK đưa tin hơn 500 người vẫn bị cô lập và mất liên lạc tính đến ngày 9.7, trong khi nhiều cây cầu bị lũ cuốn, các sườn dốc ngập nước đã ngăn cản các nỗ lực cứu hộ. Chính quyền tỉnh Fukuoka và Oita xác nhận có 30 người mất tích và 1.700 người vẫn đang phải sơ tán. Trong ảnh: Người dân sơ tán sau lũ lụt tại Asakura, tỉnh Fukuoka, tây nam Nhật Bản ngày 8.7. Ảnh: EPA/TTXVN
Thời tiết khô nóng kỷ lục đã dẫn đến cháy rừng trên diện rộng tại Tiểu bang California của Mỹ trong ngày 8.7. Đây là đợt cháy rừng đầu tiên xảy ra tại đây kể từ sau khi tiểu bang này chính thức thoát khỏi tình trạng hạn hán nghiêm trong kéo dài suốt 5 năm qua vào hồi tháng 4 vừa qua. Trong ngày, hàng chục vụ cháy rừng đã bùng phát tại California, từ mạn Bắc khu vực rừng quốc gia Six Rivers đến phía Đông rừng San Bernardino thuộc phía Đông thành phố Los Angeles. Hơn 3.000 nhân viên cứu hỏa đã được triển khai đến các khu vực xảy ra cháy rừng, song nỗ lực dập tắt các đám cháy gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô nóng khắc nghiệt. Tại khu vực rừng thuộc hạt San Luis Obispo, diện tích rừng bị cháy đã lên tới hơn 47.500 ha. Lực lượng cứu hỏa mới chỉ kiểm soát được 10% diện tích đám cháy. Tại hạt Sacramento, cháy rừng đã thiêu hủy 10 căn nhà, 800 ha đất, buộc người dân sống gần đó phải sơ tán và giao thông tại nhiều tuyến đường tê liệt. Trong ảnh: Ô tô bị thiêu rụi trong đám cháy rừng tại Santa Barbara, California, Mỹ ngày 8.7. Ảnh: EPA/TTXVN